Trong dòng chảy thị trường âm nhạc hiện nay, nhạc xưa vẫn còn một sức sống mãnh liệt. Giai điệu mượt mà, ca từ đẹp, có lượng khán giả trung thành… là những yếu tố để các ca sĩ trẻ hào hứng tìm về với nhạc xưa để khẳng định vị thế của mình trong dòng nhạc tuổi đời nhiều hơn tuổi ca sĩ.
Cuộc chơi không dễ dàng
Nhạc xưa vốn là một dòng nhạc có thời gian và không gian riêng, thích hợp với những người tuổi trung niên, có một cuộc đời từng trải, luôn tìm về kí ức. Chính vì thế, lớp khán giả này được xem là khá khó tính. Họ yêu mến ca khúc và “đóng đinh” luôn giọng ca đã thể hiện ca khúc đó. Chính vì thế, họ không dễ dàng chấp nhận những giọng ca mới hát không theo khuôn mẫu ca khúc từng được yêu mến đó.
Nhạc sĩ Ngọc Sơn - thầy của danh ca Giao Linh - kể rằng, khi Giao Linh chuẩn bị biểu diễn ca khúc đầu tiên, cô phải mất 6 tháng tập luyện, tần suất 3 buổi mỗi ngày, tập đến mức bản nhạc bị rách, dùng hồ dán lại để tập tiếp. Chính vì vậy, các ca sĩ xưa khi giới thiệu ca khúc nào là "thắng" ca khúc đó.
Giọng ca hải ngoại Anh Khoa cho biết, không phải tất cả, nhưng có một số ca sĩ trẻ hiện nay hát nhạc xưa như… chơi xổ số. “Họ không sở trường một thể loại nào cả.
Họ hát tất cả các bài hát trước đây mà không biết mình phù hợp với thể loại nào, trúng được bài nào thì trúng, như chơi xổ số vậy”, anh nói. Anh cho rằng, một số ca sĩ trẻ hát nhạc xưa để khoe giọng hơn là chải chuốt âm vực và diễn tả chiều sâu của bài hát.
Đồng tình với ý kiến của danh ca Anh Khoa, danh ca Họa Mi cho rằng, để hát hay một ca khúc nhạc xưa không dễ. Những ca sĩ xưa hát nhạc xưa thành công là bởi họ được sống trong không gian, hoàn cảnh mà ca khúc đó ra đời, chính vì thế họ cảm nhận sâu sắc thông điệp mà người nhạc sĩ gởi gắm trong bài hát, và người nghe cũng cùng tâm trạng đó. Những ca sĩ trẻ ngày nay thì không sống trong giai đoạn đó nên khi hát nhạc xưa sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, để hát nhạc xưa thành công, người ca sĩ cần phải sống trong cảm xúc của bài hát, cách luyến láy và phong cách âm nhạc cũng phải rất riêng mới có thể chạm vào trái tim người nghe.
Níu giữ dòng nhạc xưa
Sức hấp dẫn cùa dòng nhạc xưa khiến cho thị trường âm nhạc trở nên sôi động. Ngoài các phòng trà hiện nay đang thống trị nhạc xưa, còn có nhiều chương trình truyền hình sản xuất định kì phục vụ lớp khán giả này. Từ khi ra mắt tháng 9/2011 đến nay, chương trình truyền hình trực tiếp Tình khúc vượt thời gian đã sản xuất định kỳ mỗi tháng một số. Chương trình được quay trực tiếp tại sân khấu, có ban nhạc sống, ca sĩ hát live, biên tập theo chủ đề… chính là những điểm thú vị khiến Tình khúc vượt thời gian luôn hút khán giả.
Những cái tên ăn khách trong dòng nhạc xưa như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Lệ Quyên thường xuyên ra album nhạc xưa và khá đắt sô. Một số tên tuổi khác như Xuân Phú, Hoàng Bách, Kasim Hoàng Vũ, Hồ Trung Dũng, Thanh Ngọc, Quốc Thiên, Hoài Lâm… cũng tìm đến dòng nhạc xưa để khám phá chính mình.
Với một số ý kiến cho rằng các ca sĩ thế hệ ngày nay hát nhạc xưa không có chiều sâu, danh ca Thái Châu cho biết: “Nói như vậy thì không đúng, có những ca sĩ trẻ hát rất có cảm xúc, rất có chiều sâu. Có những tác phẩm xưa mà ca sĩ sau này hát có khi còn hay hơn ca sĩ xưa nữa. Tôi đã từng nghe một số ca sĩ trẻ hát, cảm xúc của họ rất tốt, có khi còn nhỉnh hơn ca sĩ ngày xưa”.
Là một trong những ca sĩ trẻ hát nhạc xưa, Kasim Hoàng Vũ cho biết, anh thường nghiên cứu rất kĩ các ca khúc nhạc xưa, từ hoàn cảnh lịch sử cho đến điển tích của bài hát, để hiểu, để ngấm, rồi thu âm thử, nghe đi nghe lại nhiều lần, cho mẹ và người khác nghe để góp ý. Khi nhận sô, anh thường gợi ý những ca khúc phù hợp với chương trình mà bản thân anh cảm thấy sẽ thể hiện tốt nhất.
Hoàng Bách cũng chia sẻ những khó khăn khi thử sức với nhạc xưa. Anh cho biết: “Khó khăn đầu tiên là sự trải nghiệm. Mới đầu tôi nghĩ là mình đã có đủ, nhưng càng hát thì càng cảm nhận được là mình chưa có đủ sự trải nghiệm về bài hát. Không có gì khác ngoài việc mình phải nghe nhiều hơn, sống với bài hát nhiều hơn. Có những bài tôi hát từ tuần này qua tuần khác, càng hát thì càng cảm nhận nhiều hơn, chứ không như những sáng tác của nhạc Pop hiện tại. Thậm chí cả chính sáng tác của bản thân tôi, hát một thời gian là tôi không thích nữa. Nhưng với dòng nhạc xưa này, càng hát càng khám phá được những điều mới của nó, đấy là điều thú vị khi hát nhạc xưa”.
Đạo diễn Đinh Anh Dũng cho rằng, khán giả hãy mở lòng với các ca sĩ trẻ hát nhạc xưa, bởi chính họ sẽ mang lại cảm giác tươi mới và trẻ trung với những tác phẩm xưa, làm “sống” lại một lần nữa với những điều tưởng như cũ kỹ. “Không lẽ cứ nhạc Phạm Duy thì phải Thái Thanh và Trịnh Công Sơn thì phải Khánh Ly sao? Tôi công nhận có một số ca sĩ làm hỏng bài hát xưa, nhưng không phải là tất cả”, anh nói. Anh cho rằng Quang Dũng, Quang Linh, Cẩm Ly, Đức Tuấn, Lệ Quyên…là những ca sĩ thể hiện ca khúc xưa thành công.
Chương trình Tình khúc vượt thời gian, chủ đề Con đường tình ta đi, diễn ra lúc 20 giờ ngày 22/8 tại nhà hát Hòa Bình sẽ tiếp tục giới thiệu các ca khúc nhạc xưa và người thể hiện không ai khác hơn chính là các ca sĩ trẻ hiện thời, như Phương Thanh, Xuân Phú, Hiền Thục, Hương Giang. Bên cạnh đó còn có sự góp giọng của các giọng ca kì cựu như Họa Mi, Thái Châu, Bảo Yến, Mỹ Hạnh…
Hát nhạc xưa không khó nhưng để đi vào lòng những người yêu nhạc không phải là điều dễ dàng. Rồi có lúc phong trào cũng sẽ lắng xuống, khán giả sẽ là người sàng lọc những giọng ca nào còn lại với thời gian.