Với sự khởi sắc của nhạc bolero gần đây, nhạc sĩ Minh Vy, Giám đốc âm nhạc chương trình Thần tượng bolero đã có những chia sẻ thú vị với
Zing.vn.
Không nên khắt khe khi làm mới Bolero
Hiện nay, khán giả đang dùng cụm từ bolero để chỉ chung cho nhiều dòng nhạc trước năm 1975 như một cách hiểu đơn giản cho các sáng tác thời kỳ này. Sau 1975, vẫn có những sáng tác bolero nhưng phần lớn mang âm hưởng dân ca.
Nếu so với những ca khúc trữ tình sang trọng có thể kể đến như
Mắt biếc, Áo lụa Hà Đông, Lá đổ muôn chiều, những bài Không tên…, thì các ca khúc bolero gần gũi với tầng lớp người lao động hơn. Từng bài hát này có giai điệu tình cảm, mỗi khi vang lên điều khiến người nghe có cảm giác rất thân thuộc có thể ví như lời ru của mẹ.
|
Nhạc sĩ Minh Vy. Ảnh: |
Nhạc nhẹ Việt Nam trong mấy thập niên qua chịu ảnh hưởng của nhiều làn sóng âm nhạc từ nước ngoài. Nhưng đến một lúc nào đó, những thứ mới lạ cũng trở nên cũ kỹ, khó có thể giữ được sự hứng thú của khán giả Việt Nam nếu có dòng nhạc hợp thời hơn xuất hiện. Còn với bolero, tuy không quá ồn ào nhưng chưa bao giờ mất đi mà vẫn nằm đâu đó trong đời sống âm nhạc.
Không chỉ ăn khách tại miền Nam, các show diễn bolero tại miền Bắc hay cụ thể là Hà Nội đa số đều kín ghế dù vé bán ở mức 2 – 3 triệu đồng. Điều này chưa chắc một vài ca sĩ của dòng nhạc khác có thể làm được.
Bất cứ một chương trình nào tổ chức từ sân khấu lớn cho đến các tụ điểm ngoài trời, nhà tổ chức luôn phải mời 1, 2 giọng ca dân ca trữ tình. Và người ca sĩ đó không hề lép vế trước những ngôi sao khác mà vẫn rất gần với người nghe.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là đổi mới bolero. Chuyện này theo tôi không nên quá khắt khe!
Ngày xưa, ca sĩ và ban nhạc chỉ được thu âm trực tiếp đúng một lần nên cần có sự hòa quyệt, ăn ý hết mức có thể. Trong khi đó, hiện tại,với việc âm nhạc cần một tinh thần mới, các ca sĩ cũng có nhiều thời gian hơn để tập luyện, tìm hiểu nên các tác phẩm bolero cần được thể hiện đa dạng hơn. Nhiều dòng nhạc du nhập mang đến cơ hội để kết hợp với bolero như một sự thử nghiệm. Tất nhiên cái nào hay sẽ là một điểm cộng, nếu không sẽ bị đào thải.
Các ca sĩ muốn định hình theo đuổi Bolero lâu dài, dĩ nhiên nên học hỏi những lớp ca sĩ trước nhưng điều quan trọng nhất chính là phải tìm cách thể hiện khác của riêng họ.
Tôi lấy ví dụ nếu khán giả nhận xét: “Người này hát hay giống Tuấn Vũ”, có thể hiểu ngầm rằng họ thất bại bởi khán giả sẽ chọn nghe Tuấn Vũ thay vì chấp nhận một bản sao. Hoặc Elvis Phương là một người hát rất hay, nhưng sau này có nhiều giọng ca chọn hướng đi tương tự dĩ nhiên rất khó để làm nên chuyện.
Hay trong thời kỳ 1990-2000 các ca khúc dân ca và bolero đều bị đóng khung vì phần lớn ca sĩ đều lấy giọng ca Hương Lan làm chuẩn mực. Họ vẫn hay nhưng thấp thoáng đâu có bóng dáng, tâm hồn của người đi trước nên không thành công.
|
Ca sĩ Elvis Phương là hình mẫu được nhiều đàn em noi theo, tuy nhiên họ chỉ rập khuôn chứ không đổi mới. |
Muốn làm mới bolero không hề có quy luật nhất định, thành công hay không sẽ nằm ở sự đón nhận của khán giả. Nếu làm tốt, họ sẽ nghe và ngược lại.
Ví dụ như trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng, nhiều người sẽ nghĩ rằng: “Anh này làm sao có thể hát bolero?”. Nhưng cuối cùng, Hưng vẫn thành công vì chọn được con đường riêng, hát bằng cá tính và sự phá cách của mình. Sẽ có 2 luồng ý kiến khen chê, nhưng phần khán giả đồng ý nghe vẫn hơn những người chê trách, nên anh ấy vẫn có một trường phái riêng.
Hay như Lệ Quyên cũng thành công khi hát bolero vì khai phá được chất riêng. Thường các ca sĩ miền Bắc ít nổi hơn miền Nam vì họ hát vọng cổ không hay và ngọt bằng, nhưng Lệ Quyên là một trường hợp lạ. Với Cẩm Ly, cô ấy có thể có hơi không dài
và quá ngọt nhưng lại đặt nhiều tâm tư khi thể hiện nên được lòng người nghe.
Cái khó nhất của bolero hiện tại là dung hòa được cái xưa và cái nay để lớp trẻ có thể nghe được. Khi đã yêu thích, họ chắc chắn sẽ tìm về những xuất xứ, nguồn gốc của từng ca khúc.
Hát hay Bolero không hề dễ
Bolero được xem như dòng nhạc đại chúng, dễ nghe dễ hát, nhưng thực chất muốn hát hay lại cực kỳ khó.
Thời điểm này, có thể nói là người người nhà nhà hát bolero, nhưng khán giả có chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Một ca sĩ trẻ muốn hát bolero phải có căn bản với dân ca, hò vè điệu lý từ nhỏ cộng thêm quá trình tập luyện ít nhất 2-3 năm chứ không thể chuyển hướng đột ngột. Với hiệu ứng của phòng thu và sự phát triển của công nghệ, các ca sĩ cũng có nhiều cơ hội nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm mà thôi.
Vài năm trở lại đây, khi khán giả tìm lại bolero cũng không ngoài mục đích được nghe lại những giai điệu đẹp, những nỗi lòng và tâm tự của họ.
Nhiều người cho rằng bolero là thể loại nhạc bi lụy, nhưng thực chất bi lụy ở đây không tiêu cực, mà có chất thơ văn rất đẹp đẽ. Âm nhạc ngày nay, đa phần ca từ quá bình dị và thực tế mà quên đi yếu tố thơ văn này. Nếu so các sáng tác mới với bolero thì những ca khúc vốn từng được gọi là “nhạc sến” ngày trước lại có tính chất “tình” hơn hẳn.