Đã qua gần 20 năm nhưng mỗi khi Phương Thanhcất lên: 'Giã từ dĩ vãng quay lưng còn vương chi kiếp tội tình/Giã từ dĩ vãng mây trôi đã xa rời xa quê nhà, Giã từ quên đi cay đắng quên đi giọt nước mắt rơi...' khán giả vẫn say mê, vẫn hát theo với bao cảm xúc.
Nguyễn Đức Trung và Phương Thanh thời 'Giã từ dĩ vãng' - Ảnh: NVCC |
Cảm phục người phụ nữ mạnh mẽ
Nguyễn Đức Trung, tác giả của Giã từ dĩ vãng, là nhạc sĩ mát tay viết nhạc phim. Anh từng có những ca khúc được ca sĩ “giành” nhau hát cả trên phim lẫn sân khấu: Thiên đường mong manh (viết cho phim Đồng tiền xương máu), Vòng xoáy cuộc đời, Người đàn bà yếu đuối, Đêm rừng Đắk Min, Cỏ dại, Em như tia nắng mặt trời, Hạt mưa long lanh...
Anh kể lại: “Cách đây gần 20 năm, khi đạo diễn Đinh Đức Liêm bạn tôi làm phim Giã từ dĩ vãng đã đặt tôi viết nhạc cho phim - công việc tôi chưa từng làm. Tôi nhận lời nhưng cũng lo lo...”. Thế là Nguyễn Đức Trung bỏ ra một tuần xem phim, đúng hơn là “sống” cùng Giã từ dĩ vãng. Anh hết sức ấn tượng với nghị lực mạnh mẽ để vượt qua nghịch cảnh của nhân vật nữ chính do diễn viên Thanh Nga đóng. “Tôi phục nhân vật nữ chính trong phim. Một phụ nữ quê nghèo miền Trung, vì gia đình không hạnh phúc, người chồng thiếu trách nhiệm đã dứt khoát đưa các con lên thành phố, làm lại cuộc đời, lo cho tương lai 2 con... và dũng cảm đương đầu với số phận”.
|
|
|
Tôi biết ban đầu cả đạo diễn phim và nhạc sĩ sáng tác Giã từ dĩ vãng đều nhắm đến một giọng ca khác, nhưng sau đó đạo diễn bảo kiếm cho anh một giọng ca “khổ khổ, thảm thiết” một chút, vậy là tôi được giao |
|
|
Phương Thanh |
|
|
Vì đồng cảm sâu sắc, nên ca khúc Giã từ dĩ vãng của anh đã lột tả rất thành công nỗi lòng của nhân vật chính: “Tha phương xa trông cố hương, tiếng còi tàu xé tan cõi lòng... Xót xa khi mảnh đời về đâu đêm tối...”. Nguyễn Đức Trung bày tỏ: “Ở từng đoạn nhạc dù nhỏ nhất tôi cố để người xem hình dung ra từng con người cụ thể, hình dung cả nội dung bộ phim như thế nào. Bài hát của tôi mang nhiều chất tự sự”.
Thời đó, thù lao cho tác giả Giã từ dĩ vãng được hưởng theo từng tập phim, từ 3 - 5 triệu đồng/tập. Cũng đã có nhạc sĩ được trả 10 triệu/tập, nhưng anh quan niệm sống vì bạn bè, bao nhiêu cũng được. Và anh cho biết: “Đến giờ vẫn có thu nhập từ tiền tác quyền của Giã từ dĩ vãng”.
Trong câu chuyện cùng chúng tôi, điều mà Nguyễn Đức Trung lặp đi lặp lại nhiều lần là cảm xúc hạnh phúc khi nhận những cánh thư, những lời tự sự rất thật từ nhiều phạm nhân: “Họ bảo rằng họ từng rất tuyệt vọng, không muốn trở về. Nhưng Giã từ dĩ vãng đã như mang lại động lực sống cho họ. Họ hứa sẽ quên đi dĩ vãng để trở về làm người tốt...” . Với câu hỏi, được biết ca khúc ban đầu không phải viết dành cho Phương Thanh mà hướng đến ca sĩ Tường Vi (thời ấy), anh bảo cả hai ca sĩ đều hát cảm xúc như nhau. Tường Vi hát nhẹ nhàng, có chiều sâu, tình cảm... còn Phương Thanh hát như rút ruột nhả chữ.
Giọng ca “khổ khổ, thảm thiết”
Phương Thanh cũng rất xúc động khi trò chuyện về Giã từ dĩ vãng. Chị bồi hồi: “Ca khúc như chính cuộc sống thật của tôi. Tôi xem đây là một mối duyên kỳ lạ, bởi tôi cũng đã rời quê hương Thanh Hóa vào Sài Gòn vật lộn vất vả để sống và hát... Bài hát đã đưa tên tuổi Phương Thanh lên đỉnh cao và đến giờ, sau gần 20 năm tôi vẫn “ăn” với bài hát này. Đi đâu, làm gì, ở môi trường nào khán giả cũng yêu cầu tôi hát Giã từ dĩ vãng. Tôi biết bài hát này ban đầu cả đạo diễn và nhạc sĩ đều hướng đến một giọng ca khác, nhưng sau đó đạo diễn bảo kiếm cho anh một giọng ca “khổ khổ, thảm thiết” một chút, vậy là tôi được giao. Tôi nhớ khi bộ phim phát sóng, mọi người không biết ca sĩ nào hát bài này. Đến khi Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM có chương trình, sau khi giới thiệu về phim và tôi bước ra hát thì mọi người mới... rần rần. Thật lòng tôi không nhớ bao nhiêu lần nhận giải về ca khúc này, nhưng top 10 của Làn sóng xanh năm nào phần lớn tôi cùng ca khúc cũng có mặt. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến dành cho người ca sĩ có cuộc đời như chính nhân vật nữ trong phim”.