19:41 | 25/08/2017

Rộn rã đại tiệc đủ món “Giai điệu mùa thu”

Tapchisaoviet - Concerto “Bốn mùa” của nhà soạn nhạc Vivaldi (1678-1741) - một trong những tác giả được ưa chuộng nhất của thời kỳ Baroque tại Ý đã vang lên lộng lẫy trong khán phòng Nhà hát Thành phố HCM tối 24/8 với sự thể hiện của các nghệ sĩ: Trần Hữu Quốc chơi bản “Mùa xuân” (“Concerto in E Major, Op 8, No 1, “Spring”), Bùi Công Duy đảm nhận “Mùa hạ” (“Concerto in G Minor Op 28, No 2 “Summer”), Gregory Lee

Khi ra đi, Vivaldi đã để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ với trên 500 bản Concerto, gần 100 bản Sonata cùng các sáng tác thuộc thể loại khác. “Bốn mùa” như một tuyên bố nghệ thuật của Vivaldi, đó là sự cân bằng giữa logic sáng tạo âm nhạc và năng lực sáng tạo phát minh.

Tổ khúc “Bốn mùa” là bốn bản concerto cho solo violon, violon I, violon II, viola, và cello. Phần cello, khán thính giả được thưởng thức tiếng đàn tuyệt vời của “cặp đôi” – hai vợ chồng NSND Ngô Hoàng Quân và NSND Trần Thị Mơ. Cùng biểu diễn với dàn nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và rất nhiều nghệ sĩ khác đến từ Châu Âu.

 
 
 
Phần trình diễn của các tài năng trẻ tại Giai điệu mùa thu 2017

Tiếng đàn Trần Hữu Quốc đã cho khán thính giả hình dung một “Mùa xuân” bừng sáng với lũ chim vui vẻ, hơi thở của những cơn gió nhẹ, mùa xuân thì thầm đáng yêu trên những cánh đồng hoa tươi đẹp.

Trần Hữu Quốc sinh tại Hà Nội, theo học tại Học viện âm nhạc Quốc gia, nhạc viện Thành phố, sau đó sang Nhạc viện quốc gia Gnessin ở Moscow, sau đó là hàng loạt những giải thưởng và những lần xuất hiện tại khắp Châu Âu, trước khi góp mặt tại hầu hết những đất dụng võ cho bất cứ tài năng nhạc cổ điển hàn lâm nào trên thế giới, như Anh, Úc, Nhật, và Hàn Quốc, nơi anh trở thành một concertmaster uy tín cho dàn nhạc Seoul National CTS, Gangnam, Goyang và Millenium, và gần đây nhất là concertmaster cho Seoul Sinfonietta bên cạnh hoạt động giảng dạy.

Tiếng đàn mạnh mẽ, kịch tính, kỹ thuật tuyệt vời của Bùi Công Duy đưa khán thính giả trải qua một “Mùa hè” khắc nghiệt, kịch tính, bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời, con người trở nên yếu ớt, những cây thông bị đốt cháy, một trận bão mạnh với sấm sét lớn gây xáo động…

Bùi Công Duy

“Mùa thu” hiện lên trong tiếng đàn của nghệ sĩ Gregory Lee đẹp đến mê hồn, mùa của bội thu sau vụ cấy trồng, mùa của ấm áp, hội hè, những buổi tối lãng mạn đầy xao động, quyến rũ khán thính giả. Gregory Lee được đánh giá là một nghệ sĩ violin xuất sắc với kỹ thuật thượng thừa, hiện là Phó giáo sư bộ môn violin tại Đại học Oklahoa và là concertmaster của Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Oklahoma (Mỹ).

Gregory Lee

“Mùa đông” băng giá, run rẩy vì cái lạnh cùng cực, trong hơi thở khắc nghiệt của những cơn gió khủng khiếp; dường như con người trở nên quá bé nhỏ trước thiên  nhiên hùng vĩ, chúng ta chạy, giẫm chân, mỗi phút giây, răng chúng ta run lập cập… Tất cả hiện lên sinh động trong tiếng đàn tuyệt vời của nghệ sĩ Vũ Việt Chương.

Nghệ sĩ Chương Vũ hiện là concertmaster dàn nhạc San Angelo (Mỹ) và nhóm hòa tấu VASCAM, tham gia biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc trên đất Mỹ. Là một gương mặt quen thuộc không chỉ ở nước ngoài ở nhiều châu lục mà còn với khán giả trong nước, khán giả tại Nhà hát, Vũ Việt Chương là một cựu binh kỳ cựu với những hợp tác đáng nể với rất nhiều dàn nhạc, trong nhiều vai trò từ độc tấu đến thính phòng đến dàn nhạc giao hưởng, và một nhạc mục đa dạng kéo từ thời kỳ Baroque đến các sáng tác của John Williams, người sáng tác nhạc cho sage Chiến tranh giữa các vì sao quen thuộc. Vũ Việt Chương chính là Giám đốc nghệ thuật của Vietnam Connection Music Festival, liên hoan âm nhạc tại Việt Nam có sự tham gia của những nghệ sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới. Trong số những giảng sư của anh, có Bùi Công Thành, thân phụ của Bùi Công Duy.

Phần 1 của đêm diễn “Tám mùa” là concerto “Bốn mùa” của thiên tài Vivaldi; còn phần 2 là “Bốn mùa ở Buenos Aires” của nhà soạn nhạc Astor Piazzolla, cũng không kém phần quen thuộc với khán thính giả.

Trong “Bốn mùa ở Buenos Aires” của nhà soạn nhạc Astor Piazzolla, Trần Hữu Quốc chơi bản “Mùa hạ”, Gregory Lee chơi “Mùa thu”, Chương Vũ “Mùa đông” và NSƯT Bùi Công Duy kết thúc với “Mùa xuân” ngọt ngào, sôi động.

Rất ít có cơ hội hội tụ quá nhiều danh cầm trong một chương trình biểu diễn chất lượng nghệ thuật cao như “Tám mùa” ở Giai điệu mùa thu lần này. Sau những tràng pháo tay không dứt, rời khỏi khán phòng nhà hát, âm nhạc của bốn mùa như vẫn còn vang lên xao xuyến, khiến nhiều khán giả phải thốt lên: “Quá cảm xúc! Thật tuyệt vời!”

Đêm nhạc Châu Âu “hút hồn” khán giả Việt

Bạn yêu nhạc còn được hội ngộ với nữ danh cầm Trần Thị Mơ trong đêm “Ga la hành trình âm nhạc Châu Âu” (tối 25/8). NSND Trần Thị Mơ - cellist, từng là bè trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, là một trong những nghệ sĩ có giàu thành tích cống hiến nhất cho nghệ thuật nước nhà, và từng tu nghiệp nhiều năm tại Nga (Liên Xô Cũ). Chương trình biểu diễn lần này tại TPHCM, NSND Trần Thị Mơ ngồi chung sân khấu với phu quân, NSND Ngô Hoàng Quân, là con ruột Giáo sư, nhà giáo Nhân dân Hoàng Dương, học trò NSND Bùi Gia Tường, đồng thời là nghệ sĩ độc tấu và bè trưởng Violoncello Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ 1982. NSND Ngô Hoàng Quân còn đảm nhiệm vị trí Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2011.

Chương trình còn có sự tham gia của nghệ sĩ Ngô Hoàng Linh là giảng viên kiêm Phó chủ nhiệm khoa Dây, nghệ sĩ biểu diễn của Học viện âm nhạc Quốc gia, và concertmaster của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Philharmonic Hà Nội. NS Lê Trí Toàn, học trò của GS Hoàng Cương và Bùi Công Thành, hiện là trưởng khoa Dây Nhạc Viện TP. HCM, concertmaster của Dàn nhạc Giao hưởng Saigon Philharmonic và Dàn nhạc thính phòng Nhạc Viện.

Bốn cây violon: Trần Hữu Quốc, Bùi Công Duy, Gregory Lee và Chương Vũ trong “Bốn mùa” của Vivaldi và“Bốn mùa ở Buenos Aires” của nhà soạn nhạc Astor Piazzolla

Rộn rã đại tiệc “đủ món” Giai điệu mùa thu  

Liên hoan nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” đã diễn ra từ 19/08 và sẽ kéo dài tới hết ngày  27/08/2017. Hơn 200 nghệ sĩ Quốc Tế và Việt Nam trình diễn 12 chương trình nhạc kịch, hòa nhạc thính phòng, giao hưởng và múa đương đại sẽ liên tục thắp sáng khán phòng Nhà hát TP.HCM từ 19/08 – 27/08/2017.

Liên hoan Nghệ thuật “Giai Điệu Mùa Thu” 2017, do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức định kỳ hai năm một lần tại Nhà Hát TP.HCM (số 7 Công Trường Lam Sơn, Quận 1).

Đây là Liên hoan duy nhất về các lĩnh vực nghệ thuật giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch này sẽ là một đại tiệc giải tỏa “cơn khát” cho những trái tim yêu nghệ thuật cổ điển thành phố. Đây là lần thứ 11 Liên Hoan Nghệ Thuật Giai Điệu Mùa Thu được tố chức.

Vào tối thứ bẩy – ngày 26/8 sẽ là đêm của nghệ thuật múa với vở múa đương đại “Đi qua tình yêu”. “Vô tình đi qua đời nhau, vô tình rời xa nhau, tất cả đều có lí do của riêng nó. Không phải ta hờ hững với sự đến và đi của một điều gì đó trong đời, mà đó là ta biết cách xoa dịu chính mình, để khi quay nhìn lại những điều đã qua, ta chợt mỉm cười, nhẹ nhàng …”. Vở múa đương đại “ĐI QUA TÌNH YÊU” do hai biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải và Nguyễn Phúc Hùng biên đạo sẽ lần mở ra những góc nhìn khác nhau về tình yêu lúc 20h, 26/08 với sự trình diễn của các nghệ sĩ ballet trẻ tài năng của HBSO: Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang, Phan Tiểu Ly, Sùng A Lùng, Phan Thái Bình và Nguyễn Minh Tâm.

Đứng cùng sân khấu với “Đi Qua Tình Yêu” là hai tác phẩm âm nhạc đương đại mới sáng tác: Tổ khúc giao hưởng “Hồi tưởng” của Nguyễn Mạnh Duy Linh và Tổ khúc cho hợp xướng với dàn nhạc “Cầu nguyện mùa xuân” của Vũ Việt Anh.

Âm nhạc của Brahms, Smetana và Tchaikovsky qua sự trình diễn của cello lừng danh Ulrich Horn (Đức), nghệ sĩ violin Hoàng Tuấn Cương (Đức) và Nhạc trưởng Lê Phi Phi (Macedonia) cùng dàn nhạc HBSO vào lúc 20h, 27/08 sẽ là cái kết đẹp cho Liên Hoan Nghệ Thuật Giai Điệu Mùa Thu 2017.

 Ảnh: Trần Hoàng Sơn

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...