Cách chọn cá tươi
Nếu là cá tươi, bên ngoài thường có màu hồng, chất nhờn trong suốt, không có bất cứ mùi hôi nào
Nếu là cá tươi, bên ngoài thường có màu hồng, chất nhờn trong suốt, không có bất cứ mùi hôi nào. Mắt cá tươi mới chết nhãn cầu lồi ra, màng mắt trong, sạch, nhìn rõ đồng tử đen. Cá tươi thân cứng, cầm ở giữa thân cá không bị cong. Thịt cá tươi chắc, ấn vào có sự đàn hồi, dùng tay ấn sâu vào thân cá khi bỏ tay ra vết lõm nổi lên ngay.
Đối với thịt cá, nếu là cá tươi, quan sát mặt cắt ngang của khúc cá sẽ thấy có ngấn xanh, có thể có màu sắc khác, thịt sát với xương, xương chắc chắn và có mùi tanh đặc trưng của cá, thịt cá có tính đàn hồi.
Mang cũng là một đặc điểm mà nhiều người thường xem xét để đánh giá độ tươi của cá. Cá tươi có mang màu đỏ sẫm, không nhớt và không có mùi hôi, nắp mang sát với mang, mồm khép chặt. Bụng và hậu môn cá tươi không phình to, bụng cá màu trắng hoặc hồng nhạt. Hậu môn thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt.
Nhận biết cá “ngậm” hóa chất
Mang cá là cơ quan hô hấp của cá, giống như buồng phổi của con người, phần lớn chất độc có lẽ tập trung tại đây. Mang cá nhiễm độc không sáng trơn, hơi thô và có màu hồng thâm đậm. Cá bị nhiễm độc nặng thì mình cá không còn nguyên, đầu to đuôi nhỏ, lưng cong gù thậm chí có u. Có con da còn bị vàng và đuôi xanh.
Mắt cá bị nhiễm độc thường bị đục, mất vẻ tinh anh bình thường, có con thậm chí mắt còn lồi ra ngoài. Cá bình thường có mùi tanh, cá bị nhiễm độc sẽ có những mùi bất thường như mùi tỏi, mùi dầu hôi...
Nhìn mang cá có thể nhận biết cá có nhiễm độc hay không
Ngoài cách phân biệt cá tươi, cá “ngậm” hóa chất thì bạn cũng nên để ý thông tin về nhiễm độc nước biển, ô nhiễm môi trường vùng biển. Bởi, những loại cá được nuôi ở những vùng nước ô nhiễm dễ nhiễm thủy ngân gây ngộ độc khi sử dụng. Không nên mua và ăn nhiều các loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá kình, cá thu… đặc biệt là phụ nữ mang thai vì có thể gây ra những dị tật cho thai nhi.
Bên cạnh các vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất, có một hiện tượng tự nhiên đặc biệt xảy ra chỉ riêng với biển có thể dẫn tới ngộ độc là hiện tượng "thủy triều đỏ". Không nên ăn các hải sản được đánh bắt ở vùng có "thủy triều đỏ", đặc biệt các loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ (như trai, sò, ngao,…).
Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết. Với những hải sản có vỏ như ngao, sò huyết, hàu, tu hài, ốc… nếu ăn phải những con chết sẽ gây dị ứng, vi khuẩn khi vào cơ thể sản sinh chất độc, trong khi acid béo không bão hòa chứa bên trong có thể dễ dàng bị oxy hóa.
Để tránh cho gia đình bạn khỏi những rắc rối không đáng có thì bạn nên tránh các loại hải sản có thể chứa chất độc như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển…; hạn chế ăn hải sản chưa được nấu chín bởi nó rất dễ gây ngộ độc thực phẩm và là nguồn gây bệnh nguy hiểm đặc biệt nếu được chế biến từ hải sản không tươi được ướp qua hóa chất.