Khi nấu cơm, chẳng may cho nước quá tay, cơm bị nhão hoặc khi đổi sang loại gạo mới, chưa biết cách canh nước, cơm bị cứng, hay canh lửa không kỹ khiến cơm bị khê, đừng lo, một số cách đơn giản sau sẽ giúp bạn xử lý.
Khi nấu cơm, chẳng may cho nước quá tay, cơm bị nhão hoặc khi đổi sang loại gạo mới, chưa biết cách canh nước, cơm bị cứng, hay canh lửa không kỹ khiến cơm bị khê, đừng lo, một số cách đơn giản sau sẽ giúp bạn xử lý.
Cơm khê. Khi nghe mùi cơm khê, lập tức tắt bếp, đặt vào trong nồi một mẩu vỏ bánh mì rồi đậy vung lại. Vỏ bánh mì sẽ giúp hút hết mùi khê trong cơm.
- Cho nước lạnh vào một cái chén, đặt vào giữa nồi cơm, ấn chén nước xuống sao cho miệng chén bằng với mặt cơm rồi đậy vung lại, điều chỉnh lửa nhỏ để ủ cơm khoảng 1 - 2 phút rồi mở nắp ra, cơm sẽ bớt mùi khê.
- Vừa nghe cơm có mùi khê, lập tức cho nồi cơm vào trong chậu nước lạnh hoặc đặt nồi cơm xuống đất rồi vẩy nước lạnh vào, sau 3 phút cơm sẽ bay hết mùi.
- Nhấc nồi cơm xuống, mở nắp vung, cho vào 3 - 5 cọng hành tươi rồi đậy vung lại. Sau vài phút lấy hành trong nồi cơm ra, mùi khê sẽ hết.
- Nếu nhà có sẵn than củi, khi nghe cơm có mùi khê, lấy một cục than đang cháy cho vào chén, đặt vào nồi cơm, rồi đậy kín vung lại. Canh khoảng 10 phút sau, mở vung, lấy chén than ra, mùi khê sẽ được cục than hút hết.
Cơm cứng. Nồi cơm bị cứng vì thiếu nước, chỉ việc lấy đũa chọc nhiều lỗ lên bề mặt, sau đó vẩy một ít nước ấm vào nồi nấu tiếp. Những nồi cơm bị cứng không nên mở vung ra nhiều sẽ làm mất nhiều hơi nóng khiến cơm khó mềm.
Cơm nhão. Trường hợp cơm nhão, ruột bánh mì là vị cứu tinh tuyệt vời. Xé những mẩu ruột bánh mì để lên trên bề mặt cơm và mở nắp liên tục để nước không đọng lại trên vung. Lúc cơm chín tới, múc ra một cái đĩa cho khói bốc hơi, cơm sẽ bớt nhão.
Cơm sống. Nếu chẳng may cơm bị sống do thiếu nhiệt hoặc thiếu nước, nhanh chóng xới cơm cho tơi ra rồi múc sang một cái nồi khác, lấy một ít rượu trắng rưới vào cơm, sau đó bắc lên bếp bật lửa thật nhỏ cho đến khi rượu bốc hơi hết, cơm sẽ chín.