09:55 | 04/02/2021

Ngắm mâm cơm của Ông Thọ, cảm thấy tết đã đến rất gần rồi

Tintuc - Kênh ẩm thực “Hương Vị Quê Hương” khiến nhiều người nóng lòng trở về quê đón Tết với những hình ảnh giản dị chuẩn bị mâm cơm cổ truyền giản dị nhưng thấm đẫm hương vị tuổi thơ.

Kênh “Hương Vị Quê Hương” với nhân vật chính ông Thọ - một lão nông với dáng vẻ gầy gò, mái tóc điểm bạc và nụ cười hiền hậu được nhiều người theo dõi bởi những hình ảnh giản dị của vùng quê miền Bắc cùng những món ăn gần gũi, thân thuộc. Không cầu kì hiệu ứng, cũng không có những món hàng hiệu đắt tiền, kênh YouTube “Hương Vị Quê Hương” sau hơn 3 năm đã đạt gần 800.000 subscribers và rất nhiều video triệu views. 

Mới đây, Ông Thọ đã mang lại cho cộng đồng mạng những cảm xúc xúc động về những ngày thơ ấu với mâm cơm đoàn viên đầu năm mới. Những thước ảnh giản dị bên bếp lửa, chăm chút nhà cửa hay khoảng sân trước nhà đặc trưng của vùng nông thôn miền bắc đều được Ông Thọ tái hiện lại một cách nhẹ nhàng, thân thương. 

Hình ảnh ông Thọ chăm cháu cho các con đi làm xa cũng là hình ảnh quen thuộc quen thuộc của bao người. 

Phong tục tự tay gói những chiếc bánh chưng vuông vức có lẽ không còn được nhiều gia đình thành thị giữ lại ở thời kì hiện đại. Nhưng ở những vùng quê thì việc cả nhà quay quần gói bánh, chuẩn bị nguyên liệu như ngâm đãi gạo thật kĩ, ướp những miếng thịt heo có cả nhạc, bì, mỡ,… vẫn được những người lớn tuổi cố gắng duy trì. Bởi họ quan niệm rằng, con cháu đi làm xa ở đô thị, Tết Nguyên Đán là dịp để sum họp cùng gia đình bên nồi bánh chưng cũng là duy trì nét đẹp tinh hoa văn hoá lâu đời. Ông Thọ chia sẻ: “Để có thể làm ra chiếc bánh chưng vuông đẹp, chín rền thì lúc gói phải để ý đỗ trong gạo, gạo trong lá, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Khi vớt bánh ra phỉa có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, độ dẻo ngọt của nếp, thơm của đậu xanh và béo ngậy của thịt. Tất cả phải hoà quyện hài hoà để tạo ra một món ăn ngon, độc đáo tinh thần văn hoá của người Việt”. 

Kênh “Hương vị quê hương” đã tái hiện lại tuổi thơ của 8x, 9x đời đầu. Mặc dù không hiện đại, đầy đủ như bây giờ nhưng những nỗi nhớ đó vẫn ở đó, vẫn là một phần kí ức của tuổi thơ. 

Bàn thờ gia tiên là nơi tôn nghiêm, nơi để mỗi con người tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính và hướng về nguồn cội. Vào mỗi dịp cuối năm, ông Thọ đều dọn dẹp lại nhà cửa, đặc biệt là chú trọng tân trang lại bàn thờ gia tiên.

Hồi còn bé chắc chắn ai cũng sẽ nhớ khoảng bếp củi, bếp than của ông bà hay thức nguyên đêm chỉ để nghịch phá khi ông đang canh nồi bánh chưng. Bếp than hồng rực lửa của ông Thọ chính là nơi mà ông nấu mâm cơm cổ truyền để mừng đàn con phương xa trở về. Ông chia sẻ: “Bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, là cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới”. 

Đêm 30 tết cả gia đình trò chuyện bên nồi bánh chưng là nét đẹp, là kí ức, là những điều đơn sơ trong tâm trí của mỗi người Việt. 

Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh..

Cao lương mĩ vị đôi lúc cũng chẳng miếng nem rán của bố mẹ ở quê. Nhân nem truyền thống bao gồm củ cà rốt nạo nhỏ, nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên màu sắc cho món ăn, bên cạnh đó, người ta quan niệm màu sắc của cà rốt mang lại sự may mắn cho mọi người trong năm mới.

Những ngày cuối năm, ông Thọ bên bếp than hồng nấu nồi bánh làm nên nét đẹp đặc trưng của ẩm thực Việt Nam ngày Tết.

Mâm cơm của người bắc không thể thiếu dưa cải muối chua. 

Ý nghĩa mâm cơm cổ truyền không phải mâm cao cỗ đầy mà là sự đầm ấm, hòa thuận và những điều may mắn tốt lành sẽ đến trong những ngày đầu năm.

Tết cổ truyền người ta không hỏi nhau ăn món gì vì ai cũng biết mâm cỗ ngày Tết sao có thể thiếu bánh chưng xanh, khoanh giò lụa, nem rán, vại dưa hành và món canh măng.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...