1. Ô mai, mứt Tết
Ngày Tết, đến thăm bất kỳ gia đình Việt nào cũng bắt gặp hình ảnh hộp bánh mứt, ô mai đặt trang trọng trên bàn uống nước. Trước là để đãi khách đến chơi nhà, sau là để cả gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức. Nhiều loại bánh mứt được bày trên cùng một khay còn hàm ý mong muốn sự sum vầy, hòa hợp đoàn viên.
Ô mai cũng là một thứ quà kết tinh từ biết bao sản vật của đất trời như quả tươi trên rừng, muối mặn nơi biển cả… kết hợp với sự khéo léo của những bàn tay lao động. Quả ô mai nhỏ nhưng chứa cả vị chua, cay, mặn, ngọt… mang ý nghĩa tiễn biệt nỗi buồn và chào đón niềm vui trong khoảnh khắc giao thừa. Nhâm nhi miếng ô mai, mứt Tết cùng tách trà nóng không chỉ là thú vui đầu xuân mà còn là hình ảnh mang giá trị truyền thống của các gia đình Việt.
2. Bánh chưng
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở.
Đây là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam. Nó còn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Nguồn gốc của nó liên quan đến truyền thuyết hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Truyền thuyết đó là lời giải thích ý nghĩa về nguồn cội của Bánh Chưng, Bánh Giầy trong văn hóa Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hóa lúa nước.
Trên bàn thờ ngày tết, bánh chưng và bánh giầy được bày theo cặp. Nhiều người cầu kỳ còn bóc bỏ lớp lá bên ngoài của bánh và gói lại bằng lá tươi mới, sau đó buộc lạt màu đỏ trước khi đặt lên bàn thờ.
Bánh chưng vuông thường được cắt chéo bằng chính lạt gói bánh đó. Cách cắt bánh vuông như vậy giúp cho mỗi miếng bánh đều có nhân đều nhau. Ngoài ra cũng thường thấy cách cắt bánh chưng vuông theo phương ngang, khi đó các miếng bánh ở giữa sẽ nhiều nhân hơn. Bánh chưng dài thường cắt lát ngang, gọi là "đồng bánh".
Bánh chưng thường được ăn cùng với dưa hành, nước mắm rắc chút bột tiêu. Ra sau tết, bánh có thể bị lại gạo, bị cứng, khi đó người ta thường đem rán vàng trong chảo mỡ và ăn kèm với dưa góp.
3. Bánh tét
Bánh tét là món ăn không thể vắng mặt trong ngày đầu năm. Bánh tét người miền Nam có hai loại là bánh mặn với nhân là đậu, thịt lợn và bánh ngọt có nhân chuối hoặc nhân đậu xanh.
Bánh tét của miền Nam có cách gói gần giống với bánh tét của người miền Trung, cũng gói thành đòn dài với lớp lá chuối bọc bên ngoài, bên trong là nếp, tùy bánh ngọt hay mặn mà sử dụng loại nhân cho phù hợp. Ngoài việc dùng để cúng ông bà, làm quà biếu, bánh tét kết hợp với tôm khô, củ kiệu còn là món ăn ngon miệng không thể thiếu trong những ngày Tết.
4. Dưa hành
Dưa hành hay còn gọi là hành muối. Nguyên liệu chính là hành củ muối chua theo phương thức lên men vi sinh. Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của cộng đồng người Việt khắp cả nước.
Nguyên liệu để muối dưa hành rất đơn giản bao gồm: củ hành ta đã được phơi khô, vỏ ngoài già màu vàng sậm, củ nhỏ cỡ khoảng bằng đầu ngón tay người lớn hoặc to hơn một chút. Khi chọn, cần mua hành củ loại đều, chắc củ, không bị thối hỏng, bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài sẽ lộ ra thân củ màu trắng hoặc trắng hơi ngả tím. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ cho rằng sử dụng củ hành trắng hay hành hương ăn ngon và thơm hơn hành tía. Hành tía hăng, cay hơn khiến cho vại dưa lâu chín hơn.
Một số nguyên liệu khác có thể đi kèm khi muối: cải bẹ (dùng để xếp lớp bổ sung vào vại muối hành); mía lót đáy vại, đường, rượu trắng, dấm bỗng (khiến dưa hành chóng chua hơn, có thể không cần). Tro bếp, phèn chua hoặc nước vo gạo như một dạng thức phụ gia để ngâm hành trước khi muối.
Để có một vại hành muối không quá cầu kì. Hành củ lựa chọn sơ bộ rồi đem ngâm một ngày một đêm trong nước vo gạo, nước tro bếp hay nước pha phèn chua có thêm chút muối cho độ mặn vừa phải. Độ mặn sẽ làm cho hành chắc củ và bớt hăng. Qua một ngày đêm thì đổ bỏ nước vo gạo (hay nước tro) và lại thay bằng nước lã pha muối ngâm thêm một ngày để hành trắng và giòn.
Sau đó người nội trợ đem hành ra bóc bớt vỏ già bên ngoài để lộ phần vỏ trắng của hành, cắt bỏ rễ, rửa lại trong nước pha muối loãng cho thật sạch và để ráo nước trước khi cho vào vại muối. Một số nơi nếu có điều kiện muối hành lâu có thể không cần bóc bớt vỏ già, để nguyên củ cho vào vại muối dưa đến khi đem ra ăn mới bóc bỏ vỏ.
5. Giò nạc, giò thủ
Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn chắc chắc phải có.
Giò là thịt giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang, rồi mang luộc, nhưng hấp thì giò ngon hơn. Giò thái theo khoanh, trắng mịn, bày lên đĩa, phải sắt giò cho gọn, trông đẹp mắt và dễ gắp. Khoanh giò trắng mịn, có vài lỗ nhỏ bằng hạt gạo do nước thoát ra thành bọt khi hấp, đó là giò lụa, làm bằng thịt heo (người Bắc gọi là thịt lợn). Nếu dùng thịt bò làm nguyên liệu thì gọi tên là giò bò hay chả bò.
Giò dùng thịt đầu heo thì gọi là giò thủ. Giò thủ bao gồm: tai heo, thịt thủ, không giã mà thái nhỏ, trộn thêm mộc nhĩ (nấm mèo), nước mắm, hạt tiêu rồi xào chín (xào là chiên trong chảo, giữ lửa cho đều và đảo luôn tay). Xong, gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt cho chặt rồi luộc hoặc hấp cách thủy. Khi giò chín, vớt ra rồi ép, dùng 4 thanh tre cặp quanh khoanh giò, cột cho chặt, treo trên bếp. Khi ăn cũng thái như giò lụa.
6. Hạt bí, hạt dưa
Bên cạnh hộp bánh mứt - ô mai, đĩa hạt bí - hạt dưa cũng là một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Khi đến xông đất nhà người thân, bạn bè, câu chuyện đầu năm sẽ trở nên vui vẻ, ấm cúng hơn nhờ tiếng lách tách của hạt bí, hạt dưa, hạt dẻ… Hạt dưa nhuộm đỏ đem lại sắc hồng cho đôi môi ai đó, hạt bí với tiếng vỡ vui tai cùng vị ngọt béo, quyến rũ khó quên.
Chế biến hạt bí, hạt dưa cũng là cả một nghệ thuật, nên lựa chọn những hạt chắc, mẩy, không bị mốc. Hạt bí, hạt dưa phải được bảo quản trong hộp có nắp đậy để giữ được độ thơm giòn đặc trưng.