Ở Vũng Tàu, không ai nhớ các làng chài Bình Châu, Phước Hải, Phước Tỉnh, Bến Đá, Bến Đình… đã có bao nhiêu năm. Chỉ biết rằng, từ khi có biển, những làng chài này cứ thế sinh sôi, lớn dần lên.
Hầu hết người dân ở đây đều sinh ra từ làng, và lớn lên cũng bám trụ với nghề biển. Cuộc sống vất vả với cuộc đời mưu sinh, nhưng những người con sinh ra từ biển luôn hồn hậu, dễ gần, ấm áp tình người.
Người vùng biển chất phác, làn da rám nắng, ngày ngày kiếm cơm bằng những thứ quà của biển.
Ở những làng cá lâu năm, sóng biển vẫn ào ạt, ngư dân vẫn trải mình ra với biển khơi, bám biển để sinh tồn.
Nghề biển phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết để ra khơi đánh bắt. Từ những chiếc thuyền thúng thô sơ đánh bắt ven bờ, ngày nay nhiều hộ ngư dân đã sắm được thuyền to để đánh bắt xa bờ.
Lao động tạo nên sức sống rắn rỏi cho những người dân làng chài.
Cuộc sống của người dân chài hết sức mộc mạc, đơn giản với những chiếc thuyền thúng, thuyền gỗ, với mái chèo và mảnh lưới.
Họ sống bình dị, yên ả nơi vùng biển vắng. Con người hòa quyện với thiên nhiên.
Nơi này trái ngược hoàn toàn với những bãi biển đông khách du lịch, náo nhiệt, sôi động.
Mọi người đều có việc riêng. Sáng sớm, người dân tập trung ở chợ cá để mua bán những mẻ tôm, cá, mực còn tươi sống. Số đông tập trung vào công việc gỡ lưới, đổ cá vào thùng lạnh, cân cá cho thương lái. Thi thoảng có người đi lượm vài con cái chết ở các mẻ lưới đã gỡ xong.
Không khí lao động hăng say, rộn ràng cả một vùng biển. Những hàng mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt góc cạnh của những người dân chài. Bao đời nay vẫn thế, họ vẫn mải miết với những con sóng dập dềnh.