Tapchisaoviet - Vất vả mưu sinh trên mọi nẻo đường, bé gái 9 tuổi mơ ước đôi mắt người mẹ mù lòa sáng trở lại để có thể thấy rõ nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt em.
Với sự giúp đỡ của người dân Đường 48 phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức-Tp.HCM), chúng tôi đã tìm được nơi ở của 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Phụng (35 tuổi- Bình Phước). Trước kia, căn phòng rộng chừng 10m vuông ấy là một tổ ấm hạnh phúc luôn tràn ngập tiếng nói cười. Bỗng…tai họa ập đến, vợ chồng chị trở thành người mù lòa, kẻ tâm thần. Từ đó, cô con gái 9 tuổi Trúc Vy gánh trên vai mọi lo toan cuộc sống.
Mẹ mù lòa, cha tâm thần
Năm 2007, bé Vy cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan của vợ chồng chị Phụng và họ hàng nội ngoại. Tháng ngày sau đó, anh chị tần tảo làm thuê để lo cho con cuộc sống no đủ. Dù lao động vất vả, nhưng gia đình họ luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và tình thương yêu.
Bé Vy lên 1 tuổi, cuộc sống gia đình em bắt đầu thay đổi với bao sóng gió ập đến. Trong lần về thăm quê, chị Phụng bị tai nạn giao thông, chấn thương đầu. Chị nhớ lại: “Hồi tai nạn, tôi bị chấn thương đầu nhẹ. Người gây ra đã bồi thường và chi tiền viện phí, thuốc men. Nửa năm sau, tôi thấy mắt dần mờ đi, không nhìn rõ những vật xung quanh. Hoảng sợ, tôi vào viện kiểm tra và bác sĩ chẩn đoán tai nạn đợt vừa qua đã ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, cần mổ gấp để tránh mù lòa”.
Không có tiền phẫu thuật, chị Phụng đành lờ đi lời bác sĩ khuyên dặn. Dần dần, đôi mắt chị mờ yếu và bóng đen bắt đầu bủa vây cuộc đời. Không nhìn rõ ánh sáng, chị Phụng nghỉ làm thuê ở nhà chăm sóc con cái. Mọi khó khăn tài chính dồn lên vai người đàn ông duy nhất trong gia đình. Không kể công việc nặng hay vất vả, hễ có người mướn , anh sẽ nhận làm kiếm tiền nuôi vợ mù lòa, con thơ dại.
Bỗng…tai họa ập đến, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Phụng trở thành người mù lòa, kẻ tâm thần
Dường như, chưa thấu hiểu hết nỗi cơ cực, thần số phận tiếp tục giáng tai họa lên người đàn ông hết mực yêu thương vợ con. Chị Phụng cho hay, 3 năm trước, cha bé Vy gặp tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng thần kinh anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trái gió trở trời, anh lên cơn chửi bới vợ con và đập phá đồ đạc trong nhà.
Năm 2015, họ hàng bên nội đã quyết định chuyển anh về Bình Thuận điều trị, bỏ lại người vợ mù và đứa con nhỏ. Kể từ giây phút ấy, cô bé 9 tuổi trở thành trụ cột, lo toan cuộc sống cho 2 mẹ con nơi xứ người.
Từ đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay cha mẹ, Vy bỗng thành cô bé có hoàn cảnh đáng thương: Mẹ mù lòa, cha tâm thần. Giá như, tai họa không bất ngờ ập đến, khuôn mặt thơ dại cùng nụ cười rạng rỡ chẳng phải chịu bao sóng gió cực khổ như vậy!
Trở thành đôi mắt thứ 2 cùng mẹ mưu sinh
Cha tâm thần, bé Vy trở thành đôi mắt thứ 2 của người mẹ mù lòa. Cũng kể từ đó, 2 mẹ con dắt díu nhau ra đường bán vé số mưu sinh. Hằng ngày, em cùng mẹ đi bán vé số quanh khắp các quận gần Thủ Đức. Thậm chí, có ngày bán ế, họ phải đi bộ 20km giữa trưa nắng mời người mua. Nhờ đó, hình ảnh người mẹ mù lòa vịn tay lên đôi vai nhỏ của bé gái 9 tuổi đi khắp nẻo đường rao tờ vé số đã quá đỗi quen thuộc với người dân Hiệp Bình Chánh.
Kể từ đó, cô con gái 9 tuổi Trúc Vy gánh trên vai mọi lo toan cuộc sống
“Ngày nào cũng vậy, mẹ con tôi bắt đầu đi bán vé số từ 6h sáng cho đến khi hết vé rồi về nghỉ trưa. Khoảng 5h chiều, 2 mẹ con lại tiếp tục đi bán cho đến 10h đêm. Nhiều bữa, đi qua công viên, con ước được chơi đùa cùng ba mẹ như các bạn khiến trái tim tôi đau thắt. Thương con nhưng người mẹ mù lòa như tôi cũng không biết phải làm sao để bé có cuộc sống như bao đứa trẻ khác”, chị Phụng tâm sự.
Chị Phụng cho biết thêm, bé Vy chính là người đến đại lý lấy vé số, đưa vé và cầm tiền khách trả. Chị chỉ đứng phía sau nhắc nhở và chỉ dẫn con cách cư xử với mọi người.
Mỗi ngày, mẹ con chị Phụng bán được vài chục tờ vé với đồng lãi ít ỏi. Số tiền đó, họ không đủ trang trải cho cuộc sống nơi Sài thành đắt đỏ. Tuy vậy, mẹ con chị vẫn cố gắng chống chọi với hi vọng: Một ngày nào đó, chị được thay giác mạc miễn phí, có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời sau 8 năm mù lòa.
“Con sẽ cố gắng học tốt để ba mẹ vui lòng…”
Dù gánh vác “trọng trách” lớn, bé Vy vẫn luôn chú ý đến chuyện học tập. Sắp tới, em bước vào lớp 4. Nhắc đến thành tích học tập, bé hào hứng khoe: “Ở lớp, con được cô xếp vào nhóm học sinh khá và được phát phiếu khen danh hiệu tiên tiến. Lên lớp 4, con sẽ chăm chỉ học tập, đạt điểm cao để ba mẹ vui lòng”.
Vất vả mưu sinh trên mọi nẻo đường, bé Vy vẫn luôn cố gắng học tập thật tốt
Thấy con ham học, chị Phụng muốn bé tiếp tục đi học để sau này có con chữ, cái nghề. Chị kể, bé Vy thiệt thòi từ nhỏ, đi học không có ai chỉ dạy tại nhà. Thậm chí, em không được đến lớp học thêm như các bạn cùng tuổi. Đa phần, em tự học bài vào lúc rảnh sau khi bán vé số về.
Khi hỏi về ước mơ sau này, bé Vy nhoẻn miệng cười tủm: “Con ước đôi mắt mẹ sáng trở lại để có thể thấy rõ khuôn mặt và hình dáng con. Con mong ba mau khỏe để gia đình con sớm được đoàn tụ như trước đây”.
Nhìn cô bé nhỏ tuổi nằm cuộn mình trong vòng tay người mẹ mù lòa, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh cậu ấm cô chiêu sống trong cảnh nhung lụa được cha mẹ bao bọc, đút từng thìa cơm miếng sữa. Phải chăng,số phận đã không mỉm cười với em. Mong rằng, ước mơ của người mẹ mù lòa sẽ thành hiện thực để đứa trẻ ấy bớt đi cơ cực.