21:28 | 16/11/2016

Cùng chung tay vì "Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn"

Tapchisaoviet - Đây là hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động cùng Chung tay bảo vệ Bản quyền của Liên minh các Chủ sở hữu Quyền.

Từ tháng 10 năm 2015, một nhóm các Chủ sở hữu Quyền gồm 7 thành viên chính là VTV, Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CASBAA); Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc (KCC), hãng FOX, Công ty Số Truyền hình Vệ tinh Việt Nam (K+); và Công ty BHD đã tập hợp lại với nhau để cùng chung tay thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ nội dung sở hữu và quyền lợi của mình, hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh nội dung số lành mạnh, đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền.

Nhiều hoạt động đã được nhóm thực hiện, trong đó “cùng nhau xây dựng một môi trường giải trí sạch cho người tiêu dùng, các chủ sở hữu bản quyền, các nhà quảng cáo”  là một chiến dịch lớn không chỉ  cần có sự tham gia tích cực của  các chủ sở hữu bản quyền, các đơn vị cung cấp dịch vụ mà còn cần sự chung tay của nhiều bên như đơn vị quảng cáo, chủ nhãn hiệu và người sử dụng, cũng như sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, các đơn vị truyền thông và quan trọng nữa là từ chính những người tiêu dùng …

Với các nhãn hàng này, thị trường quảng cáo không lành mạnh cũng có ảnh hưởng lớn. Dù có thể mua được quảng cáo giá rẻ hơn so với các website chính thức, tuy nhiên quảng cáo trên các website có vi phạm bản quyền có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhãn hàng, nhất là khi các sản phẩm chính hãng có tên tuổi phải xuất hiện cùng lúc cùng nơi với các quảng cáo về cờ bạc, quảng cáo đen, các sản phẩm không rõ nguồn gốc…

Thị trường trực tuyến hoàn toàn không mang lại doanh thu cho các nhà sản xuất Việt Nam, trong khi trên thế giới tỷ lệ doanh thu từ đây là khoảng 30- 50% doanh thu của một bộ phim, chẳng hạn. Câu chuyện của diễn viên- nhà sản xuất phim Chánh Tín là chuyện buồn với nhiều nhà sản xuất phim Việt, khi phim của mình làm ra bị vi phạm bản quyền phải huỷ hợp đồng bán phim nước ngoài bởi đã có bản lậu phát tán trên mạng , rồi từ đó phải mất đi ngôi nhà của chính mình khi tuổi về chiều… là chuyện nhiều người làm nghề và công chúng trong nước đã biết. Hẳn nhiên vẫn còn nhiều câu chuyện buồn khác, của rất nhiều nhà làm phim Việt cũng đã bị vi phạm bản quyền ở nhiều hình thức nhưng không nhiều người được biết…

Những thành viên trong Liên minh các Chủ sở hữu Quyền cũng chia sẻ hành trình khó khăn bước đầu trong nỗ lực làm sạch môi trường giải trí trên mạng cho người tiêu dùng, cho chủ sở hữu bản quyền, các nhà quảng cáo… và hy vọng các cơ quan ban ngành nhà nước, các chủ sở hữu, các cơ quan báo chí sẽ cùng hỗ trợ và chung tay xây dựng một môi trường giải trí trực tuyến sạch, giúp cho những món ăn tinh thần của người Việt được an toàn và bền vững hơn

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...