08:45 | 23/08/2016

Khi điện ảnh du nhập và phát triển tại Việt Nam

Tapchisaoviet - Ngành nghệ thuật thứ bảy chính thức chào đời vào những ngày mùa đông của năm 1895 tại Pháp bởi hai anh em nhà Lumière.

Không lâu sau đó, tức chỉ ba năm sau, điện ảnh đã được người Pháp du nhập vào cái xứ Đông Pháp tức Việt Nam một cách nhanh chóng phục vụ cho giới quý tộc và công chức Pháp.

Đào, Kép của Hát Bội lên phim
Đào, Kép của Hát Bội lên phim

Ngày 6/10/1898, tuần báo Nam Kỳ đã quảng cáo giới thiệu “cuộc hát hình máy” bộ phim truyện Yêu Râu Xanh (Barbe bleu) chiếu đầu tiên ở Châu Thành – Chợ Lớn, phía trước dinh Tổng đốc Chợ Lớn. Thời ấy, người ta gọi những buổi trình chiếu phim là buổi trình diễn “trò chớp bóng”…

Cảnh Việt Nam hoang sơ, bình dị lên phim tài liệu
Cảnh Việt Nam hoang sơ, bình dị lên phim tài liệu

Những thước phim của anh em nhà Lumiere cuối thế kỉ 19 quay tại Việt Nam là những thước phim tài liệu đầu tiên ghi lại những cảnh sinh hoạt của dân An Nam và giai cấp cai trị Pháp.

Kinh doanh điện ảnh được xem là một lĩnh vực kinh doanh vô cùng béo bở, từ những năm 20 đầu thế kỷ XX. Tại Việt Nam, các nhà doanh nghiệp Pháp không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào điện ảnh, họ đã bỏ vốn xây rạp ở ba miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam (trong đó rạp chiếu phim ở Sài Gòn bao giờ cũng chiếm tỷ số cao nhất: 9 rạp; Hà Nội: 4 rạp; Huế: 2 rạp.

Có kinh doanh phát hành các sản phẩm điện ảnh,  tức sẽ có tham vọng sản xuất phim. Ngày 11 tháng 9 năm 1923, công ty Phim và Chiếu bóng Ðông Dương thành lập, liền bắt tay sản xuất phim tại Việt Nam. Từ 1923 đến 1938, người Pháp đã sản xuất được 10 phim (trong đó có 3 phim truyện).

Các phụ nữ miền Bắc trên phim phong tục
Các phụ nữ miền Bắc trên phim phong tục

Trong giai đoạn này có hai bộ phim câm do Pháp thực hiện còn tồn tại mà Việt Nam vừa được Viện Tư Liệu Phim Ảnh Pháp gởi tặng, đó là:

Bộ phim truyện câm Dưới Mắt Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sous I”ceil de Bouddaha) sản xuất năm 1923, dài 45 phút gồm năm phần kể về câu chuyện của chàng trai trẻ tên Lý – một người say mê sân khấu đã phải trải qua trăm nghìn bất trắc để trinh phục trái tim con gái ngài Quận trưởng Trần. Bộ phim Dưới Mắt Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni theo tài liệu lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam là do công ty Dịch vụ Điện ảnh Đông Dương sản xuất, người làm ra bộ phim là một họa sĩ được coi là người Đông Dương mang tên A.Joyeux thực hiện.

Bộ phim thứ hai là Phim tài liệu Các Miền Phụ Cận Của Hà Nội (Aux environs de Hanoi: à travers la campagne Tonkinoise, Bouddhas et génies) sản xuất năm 1910 được giới thiệu qua 12 chủ đề về các công trình kiến trúc văn hóa một thời của Hà Nội như các ngôi đền do các hoàng tử An Nam xây dựng, chùa Một cột có hình một bông hoa báo tin vui, chùa Tứ Trụ, chùa Trấn Quốc, chùa Từ Đạo Hạnh và nhiều những danh thắng nổi tiếng của Hà Nội.

Ngoài ra còn một số hình ảnh mầu và phim của nhà sưu tập tư nhân Albert Kahn – một chủ nhà băng triệu phú – cũng là một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng người Pháp, bắt đầu tiến hành một dự án đầy tham vọng: xây dựng kho tư liệu ảnh màu về (và cho) tất cả các dân tộc trên thế giới nhờ kỹ thuật chụp ảnh màu tiên tiến nhất thời đó do hai anh em Auguste và Louis Lumière phát minh năm 1907, các phim và hình ảnh về Việt Nam giai đoạn 1915 thật sống động và đẹp còn tồn tại đến ngày nay. Toàn bộ ảnh về Việt Nam có 1382 tấm ảnh màu autochromes hầu như đều do nhà nhiếp ảnh Léon Busy chụp Léon Busy (1874-1950), một sĩ quan công binh trong quân đội viễn chinh Pháp, đồng thời là một nhà quay phim tài tình và một người thành thạo kỹ thuật ảnh màu autochrome.Cùng với các thiết bị, ông rời cảng Marseille để đến Hà Nội vào tháng 7-1914. và số ảnh được chụp chủ yếu ở Bắc Kỳ tập trung vào những năm từ 1915 đến 1921. Ông đã ghi lại được những bức ảnh rất đẹp và đã đề nghị làm việc cho Albert Kahn, lúc đó đang tập hợp tài liệu cho “Thư khố Hành tinh” của ông. Một cách chính xác, “Thư khố Hành tinh” có tổng cộng tất cả 1382 đơn vị tài liệu về Việt Nam, phần lớn là những tấm ảnh màu trong đó có khoảng hơn mười đơn vị là những đoạn phim ngắn trắng đen (trong số này có phim quay Hội Gióng vào năm 1915, một di sản văn hoá phi vật thể đang được trình duyệt lên UNESCO).

4383705461_f39182461b_o4384476964_6c644b1b22_o

Tính theo giai đoạn từ năm 1920-1945 đã có một số bộ phim do Việt Nam làm hoặc do Pháp sản xuất với diễn viên là người Việt Nam như: Kim Vân Kiều, Huyền Thoại Bà Đế, Một Đồng Kẽm Tậu Được Ngựa, , Săn Cọp Ở An Nam, Cánh Đồng Ma, Trận Phong Ba, Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long, Thầy Pháp Râu Đỏ, Trọn Với Tình, Toét Sợ Ma…

Lê Quang Thanh Tâm

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...