Tintuc - Hơn 2000 mẫu vật có niên đại từ 2.3 tỷ năm đến 10 nghìn năm được trưng bày trong triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất” tại điểm di tích Bộ Học (số 76 Hàn Thuyên - TP.Huế).
Đây là hoạt động kết hợp giữa Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trong chuỗi hoạt động đồng hành cùng Festival Huế 2022, mục tiêu tạo ra sân chơi cho những người yêu tự nhiên, khoa học, đặc biệt là Cổ sinh vật học, đồng thời cũng là nơi lưu giữ và lan tỏa tình yêu Hóa thạch đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay.
Không gian trưng bày hơn 2000 mẫu hóa thạch tại Triển lãm
Dấu vết của sự sống cách đây hàng trăm triệu năm
Hiện nay rất nhiều loài sinh vật từng tồn tại trên Trái đất đã bị tuyệt chủng. Những di tích và di thể của chúng được bảo tồn trong các lớp đá. Tùy thuộc vào điều kiện bảo tồn, các di tích có thể nguyên vẹn hoặc chỉ còn phần xương cứng hoặc cành, lá cây, có khi chỉ là những dấu vết hoạt động sống. Trải qua quá trình hóa thạch những di tích đó còn được lưu giữ đến ngày nay.
Từ những nghiên cứu về hóa thạch của các nhà Cổ sinh vật học chúng ta biết được những dạng sống đầu tiên trên Trái Đất là gì? Chúng đến từ đâu, sự sống trên Trái Đất đã thay đổi theo thời gian như thế nào, tiến hóa ra sao… Chính hóa thạch là nguồn tư liệu tuyệt vời nhất làm sáng tỏ phần nào những thắc mắc của chúng ta về lịch sử phát triển sự sống trên Trái Đất. Làm thế nào để chúng được lưu giữ và bảo tồn cho nhiều thế hệ mai sau là cả một quá trình nghiên cứu, khám phá, tìm kiếm không ngừng nghỉ.
Cùng điểm qua một số mẫu hóa thạch được trưng bày tại triển lãm lần này.
Bộ sưu tập Cúc đá trưng bày tại triển lãm
Bộ sưu tập Cúc đá
Cúc đá (Ammonite) có niên đại 180 - 200 triệu năm được lưu giữ trong lớp vỏ xoắn ốc. Trong suốt lịch sử lâu dài của mình, Cúc đá đã sống sót sau ba lần tuyệt chủng hàng loạt, đáng chú ý nhất là cuộc tuyệt chủng kỷ Permi, sự nóng lên toàn cầu do hoạt động núi lửa gây ra khoảng 252 triệu năm trước và đã giết chết 96% các loài sinh vật biển trên hành tinh. Trong khi nhiều loài Cúc đá đã chết trong sự kiện tuyệt chủng đó, các nhà khoa học tin rằng những loài sống sót đã đa dạng hóa một cách mạnh mẽ trong một triệu năm sau đó. Cúc đá sống sót trong các vùng biển của hành tinh này cho đến khi chúng bị xóa sổ hoàn toàn bởi trận đại hồng thủy tương tự cướp đi sinh mạng của loài khủng long cách đây khoảng 66 triệu năm. Ngày nay, hóa thạch Cúc đá được sử dụng làm hóa thạch chỉ mục, có nghĩa chúng có thể giúp xác định niên đại của các hóa thạch khác được tìm thấy trong cùng lớp đá.
Hóa thạch Cúc đá trưng bày tại triển lãm
Bọ Ba Thùy (Trilobita)
Bọ Ba Thùy (Trilobita) có 15 lớp và hơn 01 triệu loài. Ngược dòng lịch sử về kỷ Cambri cách đây khoảng 500 triệu năm, Bọ Ba Thùy được coi là một trong những dạng sống phức tạp sớm nhất trên hành tinh và là một trong những sinh vật đặc trưng quan trọng của Đại Cổ sinh. Bọ Ba Thùy đã tuyệt diệt chủng trước khi khủng long tồn tại. Những đặc điểm nổi bật nhất của ngành động vật này bao gồm: cơ thể không có xương sống, chia thành nhiều đốt; lớp kitin cứng bao bọc bên ngoài trở thành bộ xương ngoài chắc khỏe.
Mẫu vật Bọ Ba Thùy trưng bày tại triển lãm
Ốc Anh vũ (Nautilus) là loài động vật thân mềm rất cổ xưa. Đến nay chúng là loài đã tồn tại trên Trái Đất 400 triệu năm kể từ kỷ Devon. Dựa trên những vệt màu trên thân của ốc Anh Vũ các nhà khoa học có thể tiên đoán được tuổi của Trái Đất. “Từ chối” tiến hóa trong suốt 400 triệu năm qua, cơ thể của ốc Anh Vũ vẫn giữ nguyên vẹn như xưa. Hình dáng ốc Anh Vũ tiêu biểu cho tỷ lệ vàng, chuẩn mực cho mọi thiết kế hoàn hảo nhất. Hiện nay ốc Anh Vũ sống ở vùng biển Indonesia và một số vùng lân cận thuộc Ấn Độ Dương và là một trong những loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Các mẫu vật hóa thạch trưng bày tại triển lãm
Hóa thạch rùa Na Dương (Banhxeochelys) được tìm thấy lần đầu vào năm 2015 tại mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, có niên đại khoảng 56 - 34 triệu năm và được đặt tên là Banhxeochelys bởi hình dạng mai rùa được gắn kết từ các khối đa giác đặc trưng rất giống chiếc bánh xèo. Banhxeochelys không chỉ mang những đặc điểm chung của họ Rùa cạn mà còn mang những đặc điểm riêng biệt trên mai và yếm, được xác lập là một giống loài mới từ năm 2019. Tại Việt Nam, Banhxeochelys đã tuyệt chủng cuối Eocen cách đây 34 triệu năm.
Cho đến nay hơn 100 mẫu vật hoá thạch của loài rùa này đã được phát hiện, tuy nhiên chỉ khoảng vài chục mẫu được bảo tồn khá nguyên vẹn. Rất nhiều mẫu hoá thạch được bảo tồn nguyên vẹn của loài rùa này thuộc bộ sưu tập của bảo tàng hoá thạch Hà Nội.
Hành trình khám phá nguồn gốc của sự sống
Để có được những mẫu Hóa thạch có niên đại hàng ngàn, hàng tỷ năm trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng là những chuyến thực địa, những lần đánh đổi thời gian và công sức cho đam mê và khát khao của những nhà Khoa học Cổ sinh vật học. Khát khao khám phá sự sống, chạm vào dấu tích thời gian dưới những lớp đất đá tưởng vô tri vô giác của các nhà khoa học đã cho chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng và hiểu rõ hơn về nguồn gốc của sự sống hôm nay trên Trái Đất.
Tràng Xá - Thái Nguyên: Nơi tìm thấy nhiều mẫu hóa thạch San hô vách đáy và San hô bốn tia có niên đại 380 triệu năm, có quần thể nặng tới gần nửa tấn. GS.TSKH.NGND Tống Duy Thanh đánh giá đây là những mẫu hóa thạch san hô thuộc loại quý hiếm nhất hiện nay.
Mẫu vật San hô vách đáy trưng bày tại Triển lãm
Na Dương - Lạng Sơn: Tìm thấy nhiều hóa thạch thân cây lớn cùng các động vật thân mềm, Cá, Bò sát, Thú… Đây từng là điểm đến của nhiều đoàn nghiên cứu cổ sinh trong và ngoài nước.
Một góc triển lãm trưng bày rất nhiều loại hóa thạch
Tây Nguyên: Tìm thấy hàng trăm mẫu hóa thạch Cúc đá lớn nhỏ. Chúng từng là những động vật biển sống cách nay khoảng 175 triệu năm.
Mẫu hóa thạch Cúc đá lớn nhất Việt Nam
Thừa Thiên Huế: Tìm thấy nhiều hóa thạch Bọ ba thùy, Tay cuộn, Huệ biển, San hô... Mới đây các nhà khoa học đã phát hiện San hô dưới sông Hương, Đồng Lâm, Đại Nội…
Đồng Nai: Nơi đây cũng giống như Tây Nguyên, có nhiều điểm hóa thạch Cúc đá và Hai mảnh vỏ. Bộ sưu tập hóa thạch phong phú ở đây có ý nghĩa lớn đối với nghiên cứu và trưng bày tại Bảo tàng và triển lãm.
Hành trình tìm kiếm, khai quật, nghiên cứu, lưu giữ và chia sẻ những mẫu hóa thạch đến với công chúng hôm nay là cả một quá trình không hề đơn giản. Qua triển lãm chúng ta thấy được con người quá nhỏ bé trước sự phát triển của vạn vật. Sau một chuỗi dài tiến hóa con người mới xuất hiện và trở thành chủ nhân của Trái Đất này. Điều quan trọng nhất đó là chúng ta phải biết bảo tồn, gìn giữ và trân trọng tài sản vô giá đã được tự nhiên ban tặng.
Triễn lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất” chính thức phục vụ tham quan từ 25/6 đến 31/10/2022, thời gian mở cửa từ 7h đến 21h tại Điểm di tích Bộ học số 76 Hàn Thuyên – TP. Huế.