Ngày 17/9, trên diễn đàn mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về người đàn ông bị bại não và phải sống cảnh bị treo cứng trên những sợi dây khiến cho nhiều người không khỏi xúc động, xót thương.
Câu chuyện được lan truyền xuất phát từ trang cá nhân của facebook-er với nickname S.R khi kể về tình cảnh thương tâm của một người đàn ông mắc căn bệnh bại não, tê liệt chân tay trong suốt 47 năm trời. Đi cùng với đó là bức ảnh một người đàn ông gầy guộc, chân tay bị bó chặt bằng những miếng túi nilon bọc đệm mút và treo lơ lửng trên không bởi chiếc giường bằng thép được thiết kế đặc biệt.
Người chia sẻ câu chuyện cũng đăng kèm thông tin, địa chỉ của người đàn ông này và kêu gọi sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm với ước mong có thể góp phần một nào đó giúp anh và gia đình vơi bớt khó khăn.
"Mình đã giúp đỡ giúp anh và gia đình nhưng không thể giúp được cả đời, nên đã liên hệ với chị 2 anh để xin phép chia sẻ thông tin này lên cộng đồng hy vọng sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ", thành viên S.R viết.
Ngay sau khi được chia sẻ, trường hợp của người đàn ông đáng thương này đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Họ bày tỏ mong muốn kêu gọi rộng rãi sự giúp đỡ của cộng đồng cùng chung tay ủng hộ anh và gia đình. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra nghi ngờ về câu chuyện hi hữu này và cho rằng đây lại là một trò câu like trên facebook.
Để tìm hiểu thực hư vụ việc, chúng tôi đã tìm đến tận nơi và tận thấy câu chuyện về sự trớ trêu của số phận...
Câu chuyện về người đàn ông phải treo mình trên những sợi dây suốt 47 năm qua thu hút sự quan tâm của dư luận - (Ảnh chụp màn hình).
Trong cơn mưa chiều nặng hạt của vùng đất mỏ Cẩm Phả, chúng tôi cùng cán bộ phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả xuống thăm gia đình bà Lê Thị Hòe (Sinh năm 1931, trú tại số nhà 22, ngõ 162, đường Đặng Châu Tuệ, tổ 2, khu 7B, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) – nơi có anh Cao Bá Quát (con bà Hòe) đang nằm treo lơ lửng trên những “mạng nhện” dây để chống chọi với cơn đau giằng xé từ căn bệnh bại não, tê liệt chân tay và sự ăn mòn từng thớ da thịt trong suốt 47 năm.
Bước vào căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là một người đàn ông gầy guộc, chân tay bị bó chặt bằng những miếng túi nilon bọc đệm mút và treo lơ lửng trên không bởi chiếc giường bằng thép thiết kế đặc biệt. Tiếng kêu “ú ớ” ngọng nghịu tỏ vẻ vui mừng được anh Quát cố gắng phát ra khi thấy đông người đến thăm. Riêng cái đầu của anh Quát luôn cố định trong tư thế ngửa cổ, mắt hướng lên trần nhà và “chịu khó” đưa cái nhìn quan sát đến ai đó có lời hỏi thăm.
Vuốt mái tóc của con trai, bà Hòe kể: “Ngày lọt lòng, Quát cũng giống như những đứa trẻ bình thường khác với cân nặng và sức khỏe khá tốt. Nhưng chỉ sau 1 tháng 6 ngày, Quát bị trúng gió và mắc bệnh viêm màng não biến chứng tăng trương lực cơ và phải sống đời thực vật đến bây giờ. Mặc dù gia đình đã dồn hết tiền của và sức lực đi chữa bệnh cho Quát ở khắp mọi nơi nhưng đều bị trả về. Tính đến nay cũng đã 47 năm Quát đã phải nằm trong góc nhà với tình trạng treo lơ lửng”.
Giải thích về việc phải treo anh Quát lên không trung với những sợi dây nilon bọc đệm, chị Cao Thị Thu Hương (chị anh Quát) cho biết, suốt 47 năm qua, em trai của chị luôn phải gánh chịu nỗi đau thể xác từ những cơn co giật, chân tay của anh Quát vẫn có cảm giác đau nhức và bị thối rữa từng ngày do không thể hoạt động. Mỗi lần đau đớn là anh Quát tự vùng vẫy, cọ xát cơ thể xuống giường, mặt đất hay bất cứ đồ vật gì bên cạnh để được “gãi ngứa”, chính vì vậy những vết thương chảy máu đã giăng khắp cơ thể của anh. Ngoài ra, để thuận lợi trong việc ăn uống, vệ sinh và thay đổi tư thế chống mỏi, ngứa ngáy cho anh Quát, gia đình đã sử dụng phương pháp treo anh lên không trung với nhiều sợi dây buộc chằng chịt từng bộ phận.
“Mỗi lần tắm toàn cơ thể cho Quát phải mất khoảng một tuần. Việc tháo dỡ dây nilon rồi vệ sinh từng bộ phận, thậm là những nơi bị thối rửa và chắp dây treo lên không trung là cả một vấn đề đối với người phụ nữ như tôi. Nhà thiếu đàn ông nên có thể nói đây là công việc nặng nhọc nhất của tôi. Dẫu vậy, thương em, thương mẹ già nên suốt 47 năm qua, tôi và mẹ vẫn tận tâm chăm sóc tốt cho cậu Quát”, chị Hương tâm sự.
Chia sẻ với chúng tôi, người mẹ già nay đã 86 tuổi không ngăn nổi nước mắt: “Quát là con trai duy nhất của gia đình nhưng lại bị mắc bệnh nan y, mọi gánh nặng mưu sinh trang trải cuộc sống đều đè lên vai tôi. Thương con nên còn sức ngày nào tôi cũng chăm lo cho nó ngày đó nhưng chỉ sợ nay mai tôi mất đi thì không biết ai chăm sóc tiếp cho nó được nữa. Nhìn cảnh con rên rỉ “ú ớ” trong góc giường cả cuộc đời mà tôi cứ tự trách hận bản thân mình. Chỉ mong sao được chính quyền quan tâm, hỗ trợ và lui tới hỏi thăm nó cho đỡ tủi”.
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Tuyết Mai (Chủ tịch UBMTTQVN phường Quang Hanh) cho biết, anh Cao Bá Quát là đối tượng tàn tật không có khả năng tự phục vụ ở mức độ đặc biệt nặng và đang được hưởng mức 600.000 đồng/tháng theo trợ cấp thường xuyên người tàn tật nặng, người tâm thần đúng với quy định của Nhà nước. Ngoài ra, chính quyền vẫn đang thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc thường xuyên cho gia đình bà Lê Thị Hòe với mức tiền 300.000 đồng/tháng.
Quyết định về việc hỗ trợ anh Quát theo chết độ người khuyết tật của chính quyền địa phương
Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình anh Cao Bá Quát, bà Tuyết Mai cho hay: “Nói đến anh Quát thì người dân toàn TP. Cẩm Phả đều biết vì tình cảnh của anh và gia đình rất khó khăn. Bệnh tật đã bám lấy anh ngay từ lúc lọt lòng và cho đến nay đã 47 năm. Nhà nghèo, người lao động thì không có nên mọi cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đều phải nương tựa vào những khoản trợ cấp và giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức hảo tâm và người dân địa phương. Gần đây nhất, một tổ chức từ thiện đã tặng cho anh Quát một chiếc giường bằng thép đủ rộng để anh có thể nằm thoải mái hơn và gia đình chăm sóc anh thuận tiện hơn”.