17:55 | 21/03/2016

Phương Thanh, Uyên Linh hát tưởng niệm cố nhạc sĩ Thanh Tùng

Tapchisaoviet - Ca khúc “Một thoáng quê hương” vang lên trong Câu chuyện hòa bình số thứ ba dưới dự xúc động của khán giả.

Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời vào ngày 15/3 để lại niềm thương tiếc cho nhiều nghệ sĩ, khán giả yêu mến con người và các tác phẩm của ông. Đêm qua ca khúc Một thoáng quê hương do Phương Thanh, Đoan Trang, Phương Linh, Uyên Linh, Hoàng Quyên trình diễn khiến người xem xúc động.

Câu chuyện hòa bình là rất nhiều câu chuyện được kể bằng âm nhạc về các thế hệ thanh niên VN đã cùng nhau dựng xây và gìn giữ hòa bình trong suốt thời xuân trẻ của mình, giúp người trẻ hôm nay cảm nhận rõ hơn về lòng yêu nước, tự hào với truyền thống của các thế hệ thanh niên đã đóng góp cho đất nước, hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, về trách nhiệm của thanh niên, sinh viên trong bảo vệ xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế.

Câu chuyện của hòa bình không chỉ là những gợi nhớ về những ngày chiến đấu gian khó, những ngày dựng xây đất nước thấm đẫm mồ hôi mà còn là những câu chuyện của thế giới tuy thanh bình những vẫn đầy những xung đột cần hòa giải của ngày hôm nay.

Những tiết mục cuối đầy ắp hình ảnh thanh bình với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Châu Đăng Khoa – Ái Phương), Chuyện người đánh cá (Tạ Quang Thắng), Việt Nam trong tôi là (Yến Lê – bé Hồng Minh). Câu chuyện hòa bình cũng là cách chia sẻ của tuổi trẻ trước những xung đột, những cuộc chiến mà con người trên toàn thế giới đang phải đối diện qua ca khúc Người (Phạm Toàn Thắng – Hà Anh Tuấn), ra đời ngay sau vụ thảm sát ở Paris vào tháng 11-2015, kêu gọi con người “bỏ súng và hôn lấy nhau đi”.  

Tiếp mạch cảm xúc đó, là câu chuyện về Bác Hồ qua những ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác (Hoàng Hòa) qua phần biểu diễn của tốp ca nam: nhóm Oplus, Quốc Thiên, Trúc Nhân; Dấu chân phía trước (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Hồ Thi Ca) qua giọng hát Hoàng Quyên.

 

Sau câu chuyện về người thanh niên tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc là câu chuyện về nữ dân quân tự vệ Vũ Thị Nhâm. Bà là một trong số những thiếu niên tình nguyện ở lại bảo vệ Thủ đô và xông lên chiến hào ngày ấy - nữ Vệ út duy nhất ở Hà Nội.

Ca khúc Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương) do Uyên Linh trình diễn đã tái hiện lại câu chuyện của tháng 12-1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến. Cô bé Nhâm ngày ấy chỉ mới 13 tuổi và được phân công trong đội cứu thương cảm tử của Vệ quốc đoàn… Hòa bình còn được thể hiện ở việc tuổi trẻ lao vào cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước qua các ca khúc: Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa), Biển hát chiều nay (Hồng Đăng), Hát về cây lúa hôm nay (Hoàng Vân), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê).  

Sau 1975, hai miền Nam, Bắc thống nhất. Đất nước bước vào giai đoạn kiến thiết. Một trong những thành quả lớn nhất là việc ra đời các nhà máy thủy điện với quy mô lớn, đem ánh sáng đến với mọi nhà. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã viết Trị An âm vang mùa xuân vào năm 1984 để kể về sự vất vả của con người khi đem lại ánh sáng văn minh cho đất nước. Bài hát được đón nhận nhiệt tình và truyền thêm sức mạnh cho những người thực hiện công trình trong suốt hơn 7 năm.

Ca sĩ Phương Thanh một lần nữa tái hiện không khí sôi sục năm xưa trong đêm nhạc tối 20/3. Câu chuyện hòa bình số 3 không chỉ để lại những kỷ niệm đẹp từ các tiết mục sâu sắc, lay động lòng người mà còn bằng những hành động cụ thể, trong đó có các suất học bổng Câu chuyện hòa bình dành cho các bạn sinh viên là con em chiến sĩ , cán bộ thuộc các lực lượng đang trực tiếp tham gia giữ gìn sự bình yên của Tổ quốc, hòa bình của đất nước .

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Ban dân vận Trung ương và ông Bùi Đặng Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội - đã thay mặt ban tổ chức trao học bổng. Câu chuyện hòa bình đợt đầu tiên cho 17/85 sinh viên thuộc đối tượng trên ngay trên sân khấu Câu chuyện hòa bình số 3 (mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng).

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...