Tintuc - Ngay khi lệnh giãn cách vì đại dịch Covid-19 được ban hành, các cửa hàng mỹ phẩm, spa, thẩm mỹ viện được xếp vào nhóm mặt hàng – dịch vụ không thiết yếu và tạm dừng mọi hoạt động. Các doanh nghiệp này sẽ ứng phó như thế nào, tạm dừng chờ “bão” qua hay nỗ lực tìm cách “sống chung với dịch”?
Cùng tìm hiểu về cách một doanh nghiệp đang nỗ lực “sống và cống hiến” qua những lời tâm sự chân thành của bà Lê Thanh Hương – Tổng Giám đốc Menard Việt Nam – Thương hiệu mỹ phẩm và spa cao cấp đến từ Nhật Bản.
Bà Lê Thanh Hương – Tổng Giám đốc Menard Việt Nam
Xin chào bà! Hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Bà có thể cho biết tác động lớn nhất của dịch bệnh đối với Menard Việt Nam là gì?
Bà Lê Thanh Hương: Có thể nói ngành mỹ phẩm làm đẹp nói riêng và bán lẻ nói chung bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất ngay khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay trong ngày đầu tiên giãn cách, chúng tôi đã bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng nhưng toàn bộ công ty xác định tuân thủ triệt để quy định chống dịch để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Văn hóa phục vụ khách hàng mà Menard Nhật Bản duy trì trong suốt 60 năm phát triển của thương hiệu là “Magokoro” – dịch vụ tận tâm xuất phát từ trái tim. Việc gặp gỡ trực tiếp để tư vấn làm đẹp và chăm sóc sức khỏe dựa trên nhu cầu cá nhân hóa là điểm chạm tất yếu để chúng tôi chinh phục khách hàng. Vì vậy khi bệnh dịch ập tới, nhân viên mất cơ hội gặp gỡ trực tiếp với khách hàng, toàn bộ hệ thống cửa hàng trên toàn quốc phải đóng cửa nhiều tháng trời và đến nay vẫn chưa xác định ngày được mở lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Có những thời điểm doanh số gần như về 0 trong khi chúng tôi vẫn phải thanh toán các chi phí để duy trì hệ thống.
Không phải đến làn sóng thứ 4 mà ngay từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, doanh nghiệp đã điêu đứng. Hệ thống cửa hàng phải đóng cửa do giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp không thể bán được hàng. Khi cửa hàng được phép mở cửa xen kẽ giữa các “làn sóng dịch”, tâm lý của khách hàng lại ngại tiếp xúc và giảm chi tiêu dẫn đến nguồn thu trở nên bấp bênh, thậm chí không đủ để chi các khoản tối thiểu. Hơn một năm qua, chúng tôi không mơ tới lợi nhuận mà chỉ mong có tiền mặt để trả lương cho nhân viên, tiền điện, tiền nhà, tiền hàng,… .
Trên 60% lực lượng lao động của chúng tôi là lao động trẻ, gánh vác gia đình và không có tích lũy, nguồn thu công ty sụt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm gia đình. Khó khăn chồng chất khó khăn bởi chúng tôi vừa phải lo đến sự sống còn của doanh nghiệp, vừa phải hỗ trợ người lao động trong suốt hơn một năm qua.
Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, công ty đã phải thay đổi hoạt động ra sao để thích ứng với tình hình và tồn tại?
Bà Lê Thanh Hương: Dù phải đối diện với muôn trùng khó khăn nhưng chúng tôi tiên quyết ủng hộ tất cả các chỉ thị của Chính phủ, bao gồm cả chỉ thị ngừng hoạt động hệ thống cửa hàng và spa để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Bởi vì chỉ khi cả xã hội tuân thủ nghiêm túc thì dịch bệnh mới được khống chế hoàn toàn, guồng quay kinh tế mới trở về trạng thái ổn định.
Chúng tôi đã thiết lập ban phòng chống dịch “trực chiến” 24/24 để chủ động ứng phó với mọi tình huống, mục tiêu là đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho nhân viên, khách hàng và cộng đồng.
Nhận thấy nhu cầu làm đẹp của phụ nữ luôn hiện hữu ngay cả trong đại dịch, chúng tôi xác định cần thiết phải chuyển đổi số, dịch chuyển phần lớn kênh truyền thống sang kênh Online là việc cấp thiết. Giãn cách là thời điểm để các nền tảng này phát huy thế mạnh: tư vấn 24/24, mua sắm tiện lợi, thanh toán và giao nhận an toàn. Điều này hoàn toàn được thực hiện bài bản, thông suốt bởi Menard Việt Nam đã sớm đầu tư vào chuyển đổi số từ khoảng 5 – 6 năm trước.
Chiến lược lớn thứ hai của chúng tôi là chuyển dịch hệ thống sản phẩm, ưu tiên nhiều hơn cho những sản phẩm chăm sóc sức khỏe so với sản phẩm dưỡng da và trang điểm. Quyết định này hoàn toàn có cơ sở, bởi Menard Nhật Bản đã có bề dày nhiều năm đầu tư vào các công trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu vào sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Thay vì đầu tư vào truyền thông, Menard đầu tư vào nghiên cứu và sở hữu rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học. Toàn bộ các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ của công ty đều được ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu nuôi trồng, chiết xuất và bào chế ra sản phẩm.
Viên uống Linh Chi Menard Reishi – Sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng trong mùa dịch.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo công ty, trong “nguy” có thể tìm thấy “cơ” và “Cái khó ló cái khôn” hay không, bởi vì tôi biết nhiều chủ doanh nghiệp đã thấm mệt?
Bà Lê Thanh Hương: Có một “nghịch lý” song hành cùng hoạt động kinh doanh của Menard Việt Nam xuyên suốt các làn sóng dịch bệnh trong hơn 2 năm qua: càng giãn cách, chúng tôi càng gần gũi với khách hàng nhất có thể. Trước khi dịch bệnh bùng phát, hầu hết khách hàng của công ty tôi đều bận bịu với công việc xã hội và gia đình. Họ không có thời gian để tìm hiểu tất cả các ứng dụng, công cụ, tính năng trực tuyến mới của thời đại kỹ thuật số. Trong những ngày giãn cách, họ có thời gian để nghiên cứu dùng thử, lúc ấy, chúng tôi là người chủ động hỗ trợ tạo cho khách hàng những trải nghiệm thú vị trên nền tảng này. Khi có thêm nhiều cơ hội chia sẻ với khách hàng, chúng tôi nhận thấy khách hàng vẫn có nhu cầu chăm sóc vẻ đẹp trong thời gian làm việc tại nhà. Do vậy, chúng tôi khuyến khích khách hàng tạo không gian spa ngay tại nhà bằng tất cả những vật dụng nội thất mà khách hàng đang có.
Team Menard Việt Nam cũng chia sẻ với khách hàng các công thức làm bánh, làm kem, cắm hoa, giới thiệu nghệ thuật thưởng trà trên thế giới... Công ty không đơn thuần chỉ bán thỏi son, hộp phấn mà mong muốn tạo cho mỗi người phụ nữ một phong cách sống đẹp của riêng mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chuyển đổi số hoàn toàn là giải pháp tình thế trong thời gian giãn cách, tuy nhiên, đó cũng là giải pháp tối ưu để tăng tương tác với khách hàng trong mọi thời điểm, để thương hiệu gần gũi hơn với khách hàng và để tiếp tục đồng hành cùng nhau sau dịch. Liệu có thể xem đây là “cơ” hay không?
Dù đã “thấm mệt”,trong đại dịch này, Menard vẫn tiếp tục nối dài câu chuyện về sự chân thành và tử tế thông qua chiến dịch thiện nguyện mang tên “Nối vòng Việt Nam”.
Nói khách quan thì việc đóng cửa hoạt động kinh tế nhằm chống dịch chắc chắn ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực làm đẹp. Bà có kiến nghị gì với Nhà nước để điều chỉnh cách làm cho phù hợp hơn, xuất phát từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua?
Bà Lê Thanh Hương: Ở cương vị “chèo lái” một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), tôi tin rằng không chỉ Menard mà các doanh nghiệp khác có quy mô tương đương đều đang gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi ảnh hưởng của đại dịch, trong khi khối SME chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 47% vào GDP cả nước. Vì thế, tôi xin phép được bày tỏ một số quan điểm mà tôi nghĩ rằng Chính phủ có thể xem xét điều chỉnh.
- Doanh nghiệp cần vốn để duy trì hoạt động khi không có doanh thu
Rất nhiều doanh nghiệp đang phải “gồng mình” trả lương cho người lao động, trả chi phí thuê mướn mặt bằng và hàng loạt các chi phí khác suốt gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, trong khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, có thời điểm gần như về 0. Menard Việt Nam cũng vậy. Giờ là lúc doanh nghiệp cần vốn vay để duy trì hoạt động tối thiểu. Thông tư 03/2021/TT-NHNN về vấn đề giãn nợ đang gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm này. Để gia hạn nợ và được hưởng lãi suất thông thường, thông tư đưa doanh nghiệp vào nhóm đối tượng nợ xấu là chưa thỏa đáng. Việc này vô tình đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn chồng chất khó khăn.
- Khoanh vùng nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine
Đặc thù của ngành bán lẻ là mỗi ngày đều phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, do vậy đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine. Ngoài ra, shipper – lực lượng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh cầm chừng của doanh nghiệp suốt thời kỳ giãn cách – cũng cần được đưa vào diện ưu tiên.
- Nới rộng danh mục “mặt hàng thiết yếu”
Bên cạnh công tác chống dịch, chúng ta còn phải chống đói, chống sụt giảm kinh tế, do đó, “định nghĩa” mặt hàng thiết yếu cũng nên được xem xét mở rộng. Không nhất thiết mặt hàng nào phục vụ cho nhu cầu ăn uống, điều trị mới được liệt vào danh mục này. Điều quan trọng nhất hiện nay chính là làm thế nào để hàng hóa được lưu thông thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn cho người dân.
Xin cảm ơn bà đã tham gia phỏng vấn!