Tintuc - Tự ngàn xưa, những cánh rừng già rộng lớn đã luôn được xem là địa hạt thiêng liêng, là cội nguồn khởi sinh cho sự sống muôn loài.
Trong lòng thiên nhiên, vạn vật được trở về với bản thể nguyên sơ nhất, không bụi bặm, chẳng xô bồ nhưng trong lành và tràn trề nhựa sống. Hành trình tìm về đại ngàn của con người và những cá thể động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương vừa qua đã chứng minh rõ rệt điều ấy.
Ngôi nhà chung của muôn loài
“Ngôi nhà của muông thú” đã trở thành khái niệm quen thuộc cho bất cứ ai khi nói về rừng. “Nhà” có nghĩa là nơi trú ẩn, chở che, nơi mang đến những giá trị tốt đẹp nhất. Rừng có những thảm cỏ dày đặc, có khoảng trời xanh bát ngát để hàng triệu loài động vật hoang dã an cư. Từ Mẹ thiên nhiên, muông thú được trao tất cả những gì chúng cần: nguồn ánh sáng chan hoà, dòng nước mát lành, nguồn thức ăn phong phú và môi trường sống an toàn. Muôn đời, rừng vẫn dành cho những “đứa con” của mình sự bảo bọc ấm áp và đầy thiêng liêng ấy.
Nhưng rừng đâu chỉ là “ngôi nhà của muông thú”, rừng còn là mái nhà chở che nhân loại qua hàng chục thế kỷ. Dẫu không trú ngụ giữa rừng già linh thiêng, con người vẫn chẳng thể phủ nhận bao “đặc ân” đã nhận được từ đại ngàn xanh thẳm. Rừng cho nguồn không khí trong lành, chắn gió, chắn bão để con người bình yên trước thiên tai. Rừng cung cấp lương thực, cho bao sản vật quý giá,... Con người đã dựa vào rừng mà tồn sinh, phát triển như thế.
Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Cậu bé rừng xanh”, chú gấu Baloo đã nói rằng: “Họ có thể lấy Mowgli ra khỏi rừng, nhưng không thể lấy rừng ra khỏi Mowgli”. Đó cũng là câu chuyện của rừng đối với muôn loài. Định nghĩa “ngôi nhà” ta dành cho đại ngàn không chỉ dừng lại ở một nơi chốn, một sự chở che. “Ngôi nhà” ấy còn mang sự gắn kết linh thiêng không thể tách rời. Rừng là hơi thở. Nếu ta tách những cá thể động vật hoang dã ra khỏi rừng sâu, nếu ta quên đi sự liên kết giữa chính mình và đại ngàn, những trật tự vũ trụ đã định từ ban đầu sẽ không còn nguyên vẹn. Tái thiết mối quan hệ giữa chính mình với rừng thiêng, đưa muông thú trở về với bản thể nguyên sơ giữa lòng đại ngàn đang là những điều nhân loại nỗ lực thực hiện để bảo vệ “ngôi nhà chung” của muôn loài.
“Lá nằm trong lá, Tay nằm trong tay”
Trước sự nỗ lực của rất nhiều tổ chức, cá nhân để bảo vệ rừng và động vật hoang dã, Menard - thương hiệu mỹ phẩm cao cấp từ Nhật Bản, cũng đưa những đôi tay vào cuộc với ước mong góp thành sức mạnh lớn. Rời xa phố thị ồn ào, náo nhiệt, hơn 30 “người con” Menard đã tìm về Vườn Quốc gia Cúc Phương, trao lại rừng gần 10 cá thể động vật hoang dã sau khoảng thời gian chúng được cứu hộ, phục hồi.
“Lá nằm trong lá, Tay nằm trong tay” là cái tên đầy yêu thương được đặt cho hoạt động về rừng lần này của thương hiệu Menard. Ẩn trong câu chữ, vần thơ ấy là muôn hình ảnh xúc động.
Khoảnh khắc từng cá thể hoang dã đưa bước chân, tung cánh về lại rừng, ta hình dung đến hình ảnh “Lá nằm trong lá”. “Lá nằm trong lá” chính là sự sinh sôi nảy nở trọn vẹn theo đúng quy luật của tự nhiên, không chịu bất cứ một tác động tiêu cực nào từ bên ngoài. Mỗi chiếc “lá”, dẫu nhỏ bé nhưng cũng là đại diện cho một sinh thể - một “hạt nhân” không thể thiếu trong hệ sinh thái tự nhiên và trong cả bầu khí quyển chúng ta đang sống. Quý trọng từng sinh thể tự nhiên như một bé thú nhỏ, một cội cây non cũng là cách chúng ta gìn giữ chính sự sống và hơi thở của mình. Đó cũng là tầng nghĩa lớn nhất của hình ảnh “Lá nằm trong lá" mà Menard muốn lan toả.
Giữa đại ngàn ngày hôm ấy, ta còn có thể chứng kiến một hình ảnh đẹp không kém. Đó là khoảnh khắc “Tay nằm trong tay”. Trước khi các sinh thể hoang dã chính thức về rừng, đôi tay con người đã đưa ra đỡ lấy từng người bạn rùa nhỏ, mở cửa lồng cho những bạn gà, bạn mèo bước ra. “Tay nằm trong tay” biểu trưng cho sự nâng niu, bảo vệ con người dành cho thiên nhiên, đặc biệt là các động vật hoang dã. Với riêng Menard, “Tay nằm trong tay” còn là nỗ lực chung tay bảo vệ sức sống cho Mẹ thiên nhiên cùng nhiều tổ chức, đơn vị khác. Menard tin tưởng mạnh mẽ rằng với hơi ấm cộng hưởng từ nhiều đôi “tay”, chúng ta sẽ truyền thêm sức sống hồi sinh cho đại ngàn. Niềm hy vọng vào sức mạnh cộng đồng cũng là động lực để Menard vững bước trên hành trình thực hiện giấc mơ bảo tồn thiên nhiên không ngơi nghỉ.
Chuyến đi về rừng đã khép lại, nhưng hành trình sự sống của đại ngàn linh thiêng và muôn loài vẫn sẽ còn ở đó. Để “mái nhà chung” giữ mãi màu xanh ôm lấy những người con trở về, cần lắm những đôi “tay” luôn sẵn sàng, hợp sức với nhau để bảo vệ rừng. Rồi một ngày, cả ta, cả rừng đều được trở về với bản thể nguyên sơ, tươi đẹp như tạo hóa xếp đặt từ đầu.