Tapchisaoviet - Vừa qua nam ca sĩ Trọng Hiếu đã có một hoạt động ý nghĩa cùng với fanclub của mình để nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh, thăm hỏi và động
viên các bệnh nhi tại Viện huyết học và truyền máu Trung ương.
Trực tiếp trò chuyện và chứng kiến các gia đình có bệnh nhi bị căn bệnh nguy hiểm này, chàng ca sĩ từng được gán cho biệt danh “Hiếu tại sao” đã tự đi tìm câu trả lời cho mình. Đến từng giường bệnh thăm hỏi và trò chuyện với các bệnh nhi và gia đình, Trọng Hiếu đã hiểu đây là một căn bệnh nguy hiểm và dai dẳng, khi các bé sẽ phải thay máu liên tục với nhiều đau đớn, thiệt thòi và chi phí điều trị tốn kém suốt đời.
Nam ca sĩ vô cùng xót xa khi thấy có cậu bé chỉ muốn xin mẹ được đi đá bóng như các bạn cùng trang lứa nhưng em không thể vì thể trạng của em quá yếu. Câu hỏi vì sao lại vang lên trong đầu Trọng Hiếu: “Vì sao lại là em ấy? Vì sao có những người sinh ra đã không may mắn?”. Tất cả những người có mặt trong bệnh viện cũng đều có một cảm giác chung khi trực tiếp nhìn thấy hoàn cảnh của các bệnh nhi, hàng ngày đối mặt với các mũi tiêm và những dụng cụ y tế.
Bạn Vân Anh một bạn trong nhóm fan nói “Tôi rất xúc động khi được cùng anh Trọng Hiếu mang đến những món quà, những lời hỏi han để góp phần nhẹ bớt nỗi đau của các gia đình và để mọi người có thêm nhận thức về căn bệnh này. Trước đây tôi cũng không hề biết là phải xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh trước hôn nhân để phòng tránh nguy cơ cho con cái, bây giờ thì tôi đã biết rồi” Là một ca sĩ luôn quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện, muốn được mang lời ca tiếng hát và hình ảnh của mình để làm những việc có ích, Trọng Hiếu đã không ngần ngại nhận lời mời của Ban Tổ chức Rouge 2017 nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên đối với căn bệnh này.
Diễm Quỳnh – sáng lập viên của chương trình chia sẻ lý do muốn mời Trọng Hiếu tham gia sự kiện này: “Trọng Hiếu và âm nhạc của anh có một tinh thần rất lạc quan và Ban Tổ chức chương trình muốn tinh thần của anh ấy sẽ lan tỏa đến cho những em bé kém may mắn bị căn bệnh này. Trọng Hiếu thực sự yêu quý trẻ con và còn sáng tác ca khúc và tổ chức thi nhảy dành cho trẻ em. Giấc mơ Peter Pan về miền Neverland là một giấc mơ đẹp, nó sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ tốt hơn khi các em được nhìn thấy, được giao lưu với Peter Pan của Việt Nam”.
Sau khi đến thăm các bệnh nhân tại bệnh viện, Trọng Hiếu cũng đã góp mặt trong đêm nhạc từ thiện nâng cao nhận thức về căn bệnh tan máu bâm sinh (thalassemia) tại Học viện Báo chí tuyên truyền đêm 12/08 vừa qua. Sự xuất hiện của anh cùng với 2 ca khúc Peter Pan và Con đường tôi cùng với các bạn trẻ Hà nội đã làm cho không khí của chương trình thêm vui tươi và ý nghĩa và thu hút sự quan tâm của truyền thông.
Thông qua chương trình và hoạt động thiện nguyện cùng với các fan, Trọng Hiếu muốn gửi đến một thông điệp rằng “Thế giới này của chúng ta giống như một đội (team) lớn và chúng ta phải có trách nhiệm để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Và tôi vô cùng hạnh phúc khi được cùng các fan của mình làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng và mong muốn sẽ còn tiếp tục đóng góp cho những hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bệnh tan máu bẩm sinh - Thalassemia là một căn bệnh được ví như Quả bom nguyên tử giữa đời thường”, hồng cầu của người bệnh có đời sống ngắn hơn bình thường, khi không thể sản sinh kịp dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị thiếu máu và có nhiều mức độ nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh di truyền phổ biến trên thế giới với ước tính 7% dân số mang gen bệnh. Trên thế giới, trung bình cứ 10 người thì có 1 người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Ở nước ta, có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh, có trên 20.000 bệnh nhân đang phải điều trị và mỗi năm có trên 2.000 trẻ sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh.
Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi ngày có hơn 200 bệnh nhân được điều trị. Tan máu bẩm sinh là một căn bệnh chẩn đoán và điều trị không phức tạp nhưng chi phí cho điều trị rất tốn kém, vì phải điều trị cả đời. Chi phí cho điều trị 1 người bệnh hết khoảng 3 tỷ đồng (tính từ lúc sinh ra đến 30 tuổi). Ở Việt Nam, theo khảo sát sơ bộ, mới chỉ có khoảng 50% người bệnh tan máu bẩm sinh được điều trị, những người bệnh chưa được điều trị có rất nhiều biến chứng và chất lượng cuộc sống thấp.