Tapchisaoviet -Hát bội ở Sài Gòn – Gia Định từng rất thịnh hành. Thời quan tổng trấn Lê Văn Duyệt, môn giải trí mà ngài tổng trấn này yêu thích chính là hát bội.
Tiếp các đoàn khách ngoại quốc hoặc tiếp đón vua xứ Cam Bốt sang Gia Định, quan tổng trấn thường cho diễn hát bội và ngồi thưởng thức cùng khách.
Hát bội phát triển cực thịnh trong các thập niên đầu thế kỷ 19, dưới thời Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định thành.
Ngay cả ở các vùng hẻo lánh miền Tây Nam bộ cũng có tuồng hát bội trình diễn ngoài trời hay trong đình làng. Xuống các tỉnh miền Tây các đoàn hát bội di chuyển bằng ghe thuyền, gánh hát bội vì thế cũng được gọi là “ghe hát bội”.
Qua sự tiếp cận với các lưu dân người Hoa đến miền Nam từ thế kỷ 17 lập nghiệp, mà đa số trở thành người Minh hương sau nhiều đời, hát bội cũng bị ảnh hưởng từ phong cách của hát Hồ Quảng ở miền nam Trung Hoa.
Hát bội rất phổ thông trong quần chúng, các tuồng có cả tiếng Hán-Việt (hát khách) và tiếng Việt (hát nam) bình dân, phản ảnh văn hóa của lưu dân Nam bộ và ảnh hưởng của người Minh Hương, tuy vậy diễn viên hát bội không được nhà nước và chính quyền coi trọng trong xã hội. Theo “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của thì từ hát bội là “con hát, kẻ làm nghề ca hát”, hát nam là “hát giọng ngâm nga” và hát khách là “hát giọng mạnh mẽ”. Lê Văn Duyệt, có lẽ vì là hoạn quan, ông không thích diễn viên hát bội đàn bà cho nên có một thời gian dài giữa thế kỷ 19, chỉ có các diễn viên hát bội nam đóng cả các vai nữ.
Ở Saigon và Chợ Lớn, vào đầu thế kỷ 20 đã có nhiều rạp hát bội. Rạp Lương Khắc Ninh ở ngay trung tâm Saigon trình diễn nhiều tuồng hát bội cho đến năm 1926 thì đổi thành rạp chiếu bóng Rex (tức Bến Thành A) hay rạp cô Huyện Chung hay rạp chợ Đủi (rạp Olympic sau này) ở Chợ Lớn nơi gánh hát bội Bầu Thắng trình diễn.
Hát bội được coi là tượng trưng cho văn hóa, sân khấu Nam bộ và rất đặc trưng vì thế được người Pháp để ý tìm hiểu. Năm 1889, hát bội được trình diễn ở Hội chợ thế giới Paris.
Từ hát bội, các nhạc sĩ chuyển dần sang nhạc tài tử và rồi đến cải lương. Ông Nguyễn Tống Triều thành lập một ban đàn ca tài tử ở Mỹ Tho. Ban nhạc tài tử này từng đến Hội chợ triển lãm thế giới ở Paris năm 1900. Đặc biệt tại Nhà hát Đông Dương (“Théâtre Indochinois”) ở Hội chợ 1900, người đẹp nổi tiếng ở Âu châu thời đó, Cléo de Mérode, đã mặc trang phục Cam Bốt múa với tiếng nhạc của ban nhạc tài tử Việt Nam. Sau đó ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều còn qua Pháp dự Hội chợ đấu xảo thuộc địa Marseille vào năm 1906, trong đó có cô Ba Đắc và cô Hai Nhiễu (con ông Triều).
Ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều sau khi từ nước ngoài trở về Mỹ Tho đã tự tin để đến với quần chúng lần đầu ở Khách sạn Minh Tân, và từ đó khởi đầu cho sự lan truyền trình diễn trên sân khấu của nhạc tài tử và “ca ra bộ” ở miền Nam.
Khi trình bày sự phát triển của nhạc tài tử ở Việt nam trong giai đoạn đầu và ảnh hưởng sau này đến sự hình thành cải lương, chúng tôi cũng nhấn mạnh đến vai trò của ông Nguyễn Phong Cảnh, chủ nhà hàng Cửu Long Giang và khách sạn “Phong Cảnh Khách lầu” gần chợ Bến Thành, trong việc nâng đỡ và phổ thông nhạc tài tử đến giới trí thức và quần chúng ở Saigon nói riêng và Nam bộ nói chung.
Qua nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang, đàn ca tài tử và ca ra bộ phát triển và phổ thông tới nhiều người trong mọi tầng lớp ở Saigon. Trong lịch sử đờn ca tài tử và cải lương thì vai trò của ông Nguyễn Phong Cảnh, chủ nhà hàng Cửu Long Giang và Phong Cảnh khách lầu, trong sự phát triển của chúng là không nhỏ.
Học giả Vương Hồng Sển cho biết sự chuyển biến từ hát tài tử ở dạng ngồi không diễn đến “ca ra bộ” bắt đầu từ cô Ba Đắc (mà trước đó cô đã có trong ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều) khi ông Mười Hai lúc ghé Mỹ Tho và có thấy cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán trong một buổi trình diễn. Cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán với giọng gần như đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Sau về nhà, ông Phó Mười Hai, nảy ra ý kiến cho người ca đứng trên bộ ván tứ có ra bộ. Điệu ca ra bộ phát sinh từ lối năm 1915 – 1916.
Cách hát trình diễn “ca ra bô” là tiền đề để nhạc tài tử ảnh hưởng và xâm nhập vào các tuồng hát bội trở thành hát bội cải cách hay hát bộ và từ đó ra hình thức mới của sân khấu nghệ thuật: cải lương
Ảnh hưởng của lối chơi nhạc tài tử trong các tuồng hát bội lần lần được chấp nhận trong quần chúng. Kịch nói, sân khấu nghệ thuật của Tây phương do người Pháp mang vào Việt Nam cũng có ảnh hưởng sâu rộng. Từ khi nhà hát lớn thành phố ở Saigon được khánh thánh năm 1900 thay thế nhà hát nhỏ tạm thời ở gần quảng trường Rigault de Genouilly (Mê Linh ngày nay) thì người Việt đã có dịp tiếp cận với kịch nói cổ điển hay tân thời Tây phương với phong cách dựng cảnh trí, bối cảnh. Những ý tưởng mới này cùng với âm nhạc Tây phương qua các đĩa hát, sau này đã được các nghệ sĩ người Việt tiếp thu và cải tiến hợp với dụng cụ nhạc và sân khấu Việt Nam.
Năm 1917 có hai sự kiện quan trọng trong lịch sử “cải lương”. Ngày 28/3/1917 ông Lương Khắc Ninh, một công chức, có diễn thuyết ở Hội khuyến học Nam Kỳ (Société d’Enseignement Mutuel de Cochinchine) về đề tài “Cải lương hí nghệ”. Và ngày 11/9/1917 vở kịch “Vì nghĩa quên nhà” của Lê Quang Liêm và Hồ Biểu Chánh mô phỏng hài kịch phương Tây được trình diễn ở rạp Eden Saigon và ngày hôm sau ở rạp Cô Tám (Chợ Lớn). Vở kịch này gây ra sự tranh luận giữa nhóm bảo tồn hát bội và nhóm hát bội cải tiến.
Năm 1918, tuồng hát bội “lai kịch nói và cải lương” với trang phục giản dị Pháp Việt sơ giaovới câu truyện về Gia Long tẩu quốc có sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc đã được công chức trình diễn ở nhà Hát Lớn Saigon với mục đích kêu gọi đóng góp giúp đỡ Pháp đang trong Thế chiến thứ nhất. Sau đó toàn quyền Albert Sarraut đã cho phép và giao cho các nghệ sĩ hát bội đi trình diễn ở các tỉnh Nam kỳ, và từ đó làm phổ thông kiểu hát bội mới này.
Hát bội “cải cách” càng ngày càng phổ biến từ Saigon đến Lục tỉnh và đến thập niên 1920 thì rất nhiều ban tuồng “cải cách” ra đời. Năm 1920, ông Trương Văn Thông lập ra gánh Tân Thịnh ở đuờng Boresse (nay là đường Yersin). Năm 1921, Vương Có lập ra gánh Tập Ích ban và André Thận lập ra gánh hátThầy Thận (xiếc, chiếu phim câm, ca ra bộ) ở Sa Đéc, vào dịp Tết đến Saigon, Mỹ Tho và Phnom Penh trình diễn. Qua năm sau, 1921, thì thầy Năm Tú (Pierre Châu Văn Tú) mua lại đào kép của gánh thầy André Thận để lập ra gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho và cuối năm gánh này lên Saigon trình diễn ở rạp Moderne (Chợ Lớn) và rạp Eden (Saigon). Hãng đĩa Pathé sau đó mời gánh Thầy Năm Tú thâu đĩa nhạc.
Năm 1920 cũng là năm bài “Dạ cổ Hoài lang” của ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sáng tác ở Bạc Liêu. Bài “vọng cổ” này sau đó được phổ biến trong các gánh “cải cách” đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật sân khấu mới gọi là Cải Lương.
Nghệ thuật sân khấu mới, Cải Lương, được ưa chuộng và phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Các ban cải lương mọc ra như nấm ở Saigon-Chợ Lớn.
Năm 1925, ông Nguyễn Ngọc Cương (thân phụ của nghệ sĩ Kim Cương) lập ra gánh cải lương Phước Cương. Và năm 1926, Trần Đắc Nghĩa lập ra gánh cải lương Trần Đắc, Nguyễn Văn Đẩu lập gánh “Nghĩa Hiệp Ban” và ông Sáu Ngọ (vua cờ bạc) lập ra gánh “Nam Hưng ban” ở Chợ Lớn .
Đến cuối thập kỷ 1920 thì cải lương thay thế hát bội truyền thống ở vị trí chính trong nghệ thuật trình diễn sân khấu miền Nam. Năm 1929, để chuẩn bị cho triển lãm Hội chợ thuộc địa quốc tế (Exposition Coloniale internationale de Paris) năm 1931 ở Paris, một ủy ban do thành phố Saigon thành lập để phối hợp tổ chức cho gian hàng Nam kỳ, đã chọn ông Gruet, kiến trúc sư thành phố thiết kế, và chọn chùa “Bà Lụa” chùa làng Phú Cường ở Thủ Dầu Một là đại diện kiến trúc Nam Kỳ. Ngoài ra để thu hút sự chú ý người xem, ngoài Hát bội, Ủy ban cũng chọn nghệ thuật sân khấu mới “Cải Lương” đưa ra trình diễn ở Hội chợ thuộc địa năm 1931.
Như vậy từ khi hát bội được coi là nghệ thuật sân khấu chính đại diện cho Nam kỳ ở hội chợ thế giới Paris 1889, và sau đó là nhạc tài tử và hát bội ở Hội chợ thế giới Paris 1900, Hội chợ thuộc địa Marseille 1906, 1922 cho đến sân khấu Cải Lương ở hội chợ Paris vào năm 1931 thì sự tiến hóa của sân khấu nghệ thuật từ hát bội đi đến hình thành sân khấu Cải Lương đã hoàn tất.
Lê Quang Thanh Tâm (ST)