22:00 | 27/08/2024

“Đồng Chí” vở kịch tiếp nối dòng chảy tự hào của dòng kịch hậu chiến

Tối 27/9 tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đã diễn ra suất đầu tiên của vở kịch tâm lý hậu chiến mang tên ‘Đồng Chí’. Đây là dự án nghệ thuật của Hội Sân khấu TPHCM. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ chịu trách nhiệm sản xuất, dựa trên kịch bản đoạt giải A của tác giả Lê Thu Hạnh tại Trại Sáng tác kịch bản sân khấu do Hội tổ chức.

Vở kịch xoay quanh những trăn trở của ông Trung (do nghệ sĩ Quốc Thịnh thủ vai, anh đồng thời giữ vai trò phó đạo diễn) khi chứng kiến những thay đổi của thời cuộc, của chính những thành viên trong gia đình. Bản thân ông vô số lần vào sinh ra tử cùng đồng đội, nên trọn đời kiên trung với lý tưởng cách mạng. Tuy nhiên, khi thế hệ tiếp theo; là con trai, con dâu và cháu trai – ông Thành, bà Duyên và Đạt (ba vai diễn của nghệ sĩ Huỳnh Phương, Đặng Phương Trâm và Khánh Đăng) lựa chọn bước vào hàng ngũ vũ trang phụng sự Tổ quốc, thì nảy sinh những mâu thuẫn thế hệ, mâu thuẫn trong cách ứng xử với lý tưởng cách mạng thời kỳ mới.

Điều hấp dẫn của vở diễn, là đặt để nỗi khắc khoải của nhân vật ông giữa những người đồng đội từng một thời sát cánh (4 người đồng đội – ông Tâm, ông Chính, ông Lâm, ông Cường do nghệ sĩ Chánh Trực, Trọng Hiếu, Lâm Thắng và Quốc Cường thể hiện). Để từ những phản biện đó, thông điệp lớn của tác giả Lê Thu Hạnh được làm rõ và in đậm trong tâm trí khán giả; rằng: lớp lớp thế hệ hôm nay không bao giờ quên công ơn và xương máu của cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; song, những giá trị cốt lõi ấy là nền tảng soi chiếu chứ không thể rập khuôn áp dụng trong cuộc sống hiện đại hôm nay; đòi hỏi vận dụng linh hoạt để những giá trị ấy luôn tuôn chảy trong tâm khảm của người Việt.

Tác phẩm ‘Đồng Chí’ do NSND Trần Ngọc Giàu trực tiếp dàn dựng, nghệ sĩ Quốc Thịnh đảm nhận vai trò Phó đạo diễn. Với bề dày kinh nghiệm trong nghề cũng như lợi thế gắn bó với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ lâu năm, đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã khai thác triệt để lợi thế tương tác của điểm diễn này. Để từ đó, những phân đoạn tâm lý được đẩy lên đỉnh điểm, đưa cảm xúc khán giả liên tục được đánh động; thông qua kỹ thuật biểu diễn và xử lý tinh tế trên nền mỹ thuật ước lệ. Dù trong không gian nhỏ đặc trưng, những lớp diễn tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh vẫn chạm sâu được đến lòng tự hào của người xem.

Nghệ sĩ Quốc Thịnh, Chánh Trực, Trọng Hiếu, Kỳ Thiên Cảnh trở thành điểm tựa vững chắc về tiết tấu và truyền tải thông điệp xuyên suốt. Tuy nhiên, sự tham gia của thế hệ nghệ sĩ trẻ như Lâm Thắng, Đặng Phương Trâm, Khánh Đăng, Quốc Cường, Minh Quốc trong những vai diễn mang tính chất đối trọng cũng thổi những làn gió trẻ trung cho tác phẩm lấy đề tài hậu chiến này. Nghệ sỹ Huỳnh Phương, vốn quen thuộc hơn với khán giả qua các vai diễn vui nhộn, đã hoàn toàn lột xác, đảm nhận một vai diễn nặng tâm lý giằng xé, có thể được đánh giá là tuyến nhân vật ‘phản diện’ nhiều nỗi niềm trong kịch ‘Đồng Chí’ lần này.

Đây là vở diễn sẽ được Hội Sân khấu TPHCM lựa chọn tham dự trình diễn và tranh tài tại Liên hoan Sân khấu TPHCM năm 2024, với nhiều mong mỏi gửi gắm thông điệp về lòng tự hào, ái quốc đến thế hệ khán giả trẻ.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...