Tintuc - Tối 2/10 tại TPHCM, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM công diễn vở kịch mélo mới nhất “Bến Lửa Lòng”. Đây là một dự án có nhiều sự “đầu tiên” và “trở lại”.
Lần đầu tiên đạo diễn Vũ Trần, phối hợp ăn ý với ngòi bút sắc sảo của Trác Thúy Miêu, dàn dựng kịch mục tại Sân khấu 5B. Vở diễn cũng đánh dấu sự trở lại “cái nôi kịch nói” của NSƯT Tú Sương và nghệ sỹ Ngọc Duyên. Nhiều bi kịch chồng chéo, đan xen trong kịch bản với thực lực diễn xuất mạnh mẽ để cuốn hút khán giả đến phút cuối cùng.
LỬA THAM-DỤC-SI NUỐT TRỌN LÀNG GẠCH YÊN BÌNH
Kịch “Bến Lửa Lòng” là dự án được nuôi dưỡng, thai nghén dài kỳ, từng được trình diễn dưới dạng tiểu phẩm và kịch café. Cặp đôi tác giả Vũ Trần – Trác Thúy Miêu chắp bút câu chuyện khốc liệt mà đầy chất thơ của nhóm bạn trẻ đầy hoài bão: Dũng, Côi và Bông (nghệ sỹ Bảo Kun, Quách Ngọc Tuyên và Gia Linh). 3 bạn trẻ sống thanh bình cùng người mẹ khờ khạo – bà Bí (NSƯT Tú Sương). Họ tìm đến làng gạch để tìm cơ hội mưu sinh, tích cóp để theo đuổi giấc mơ riêng mình.
Thế nhưng, chính nơi lò gạch oan nghiệt đó, ngọn lửa của lòng tham, dục vọng và sân si nổi dậy. Bà Vàng chủ lò gạch (NS Ngọc Duyên) cuốn mình vào lửa của tình yêu và tình dục với gia nhân, thỏa mãn khát khao được sống lại mãi với thanh xuân bà đánh mất. Ông Tường – chồng bà Vàng (NS Hoàng Ngọc Sơn) bệ rạc và tha hóa trong khói thuốc phiện, bị nuốt chửng trong lửa sân si với hạnh phúc người khác. Còn Dũng, chàng trai trẻ nhiều hoài bão với nỗi đau đáu về thân phận một đứa trẻ đẻ hoang, khó lòng thoát khỏi lửa của lòng tham bộc phát.
Lửa càng bén sâu thì thân phận từng nhân vật càng lộ rõ và đỉnh điểm của niềm đau dồn nén vào phân đoạn Bà Bí buộc phải phô bày những ký ức đau đớn nhất mà bà nhẽ ra phải quên. Vở kịch mở ra với lửa và đất của lò gạch – nóng rát và khô cằn – nhưng khép lại lấy cạn nước mắt khán giả bằng nước – cảnh vỹ thanh nơi nhân vật trở về với yên ả của dòng sông.
MANG ĐẾN MỘT MIỀN TÂY LẠ LẪM VÀ NÊN THƠ
Vở kịch “Bến Lửa Lòng” dàn dựng tại Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B lựa chọn thủ pháp ước lệ với nhiều thể nghiệm trong bục bệ và cảnh trí. Thoát ly khỏi lối tả thực; dòng sông, rặng dừa hay lò gạch hiện lên trong tâm trí khán giả qua thiết kế mỹ thuật gợi hình. Họa sỹ Kim B cùng đạo diễn Vũ Trần và giám đốc sản xuất Mỹ Uyên sử dụng tối đa hiệu ứng ánh sáng và tỉ mỉ sắp đặt phân cảnh để những sinh hoạt, nếp sống của người dân lò gạch Nam bộ hiện lên gần gũi mà lại đầy chất thơ.
Chia sẻ về cách dàn dựng này, đạo diễn Vũ Trần cảm thấy thú vị khi tình cờ một số kịch mục tại TPHCM gần đây cùng chọn sông nước Miền tây làm bối cảnh. Sự trùng hợp vô hình trung mang đến nhiều lựa chọn thưởng thức cho khán giả, bởi miền đất trù phú, ân tình này là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo. Và một lò gạch ảo mộng mà cũng nóng rát trong “Bến Lửa Lòng” sẽ trở thành một địa chỉ thưởng thức lý tưởng khác cho những khán giả yêu mến kịch nói nói chung và dòng kịch mélo nói riêng.
SỰ TRỞ VỀ VÀ NHỮNG LẦN ĐẦU TIÊN
Dự án kịch nói “Bến Lửa Lòng” ngay từ khi khởi công gây chú ý bởi sự xuất hiện trở lại của NSƯT Tú Sương. Trước đó, NS Tú Sương từng gây thổn thức với vai Bé Hai trong kịch “Tình Lá Diêu Bông “ (đạo diễn NSƯT Hữu Quốc). Lần dàn dựng này, đạo diễn Vũ Trần với những lời thoại được Trác Thúy Miêu trau chuốt, mang đến một Bà Bí – vai diễn “đào điên” ấn tượng và khốc liệt, rút cạn nước mắt khán giả; đặc biệt với 5 phút độc diễn gần cuối kịch. Nhưng, tình thương của khán giả với bà Bí được bồi đắp ngay từ những phân cảnh đầu tiên, khi NSƯT Tú Sương khắc họa một người mẹ ngờ nghệch, nửa điên nửa tỉnh nhưng đầy lòng trắc ẩn, sống bình yên trong vòng tay yêu thương của người dân làng gạch.
Với NS Ngọc Duyên và Hoàng Ngọc Sơn, lần trở về này cũng đong đầy cảm xúc. Những vai diễn đầu tiên của NS Ngọc Duyên bắt đầu từ điểm diễn Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ. Cô cũng nhiều năm cộng tác và theo dõi tác phẩm tại đây. Cảm xúc lớn nhất khi đến với vở kịch này chính là sự đồng cảm của NS Ngọc Duyên với bà Vàng, một phụ nữ rắn rỏi, thô ráp, một tay gầy dựng cơ đồ nhưng phải theo đuổi một hạnh phúc vay mượn và nghiệt ngã.
Vai diễn “Ông Tường” đánh dấu sự lột xác của NS Hoàng Ngọc Sơn khi trở lại sân khấu nhỏ 5B. Hoàng Ngọc Sơn không còn bước lên sàn gỗ trong diện mạo một soái ca thanh xuân vườn trường mà đã hóa thân vào một nhân vật nhiều tham hận và sân si; mua vui trên tủi nhục của gia nô.
Với Quách Ngọc Tuyên, mỗi lần lên sàn tập hay bắt đầu hóa trang là một lần ngọn lửa làm nghề được hun đúc. Đã gần 10 năm, Quách Ngọc Tuyên mới trở lại với kịch dài và quan trọng hơn, nhân vật Côi của anh cùng mối tình ngây dại với Bông (NS Gia Linh) nhận được tình thương tuyệt đối của khán giả. Không còn một Quách Ngọc Tuyên bặm trợn, “đại ca” trong một số tác phẩm phim; Quách Ngọc Tuyên hóa thân thành Côi toát lên một tình cảm trong sáng, đơn phương nhưng bền bỉ.
Điểm sáng mới nhất của vở kịch lần này không thể không nhắc đến Bảo Kun – một ca sỹ nhạc trẻ lần đầu tiên tham gia kịch dài. Vai diễn Dũng xuất hiện gần như xuyên suốt, là mạch dẫn dắt từ bi kịch đến những phân đoạn của lòng vị tha. Thế nhưng, sự tán dương và rung động của khán giả ngay trong suất đầu tiên với nhân vật Dũng do Bảo Kun thể hiện đã chứng minh cho sự tin tưởng của NSX, đạo diễn và cả ekip với nhân tố mới toanh này. Dũng do Bảo Kun thể hiện rất bốc đồng, lưu manh, toan tính và nhiều hằn học nhưng cuối cùng vẫn nhận được cảm thông bởi thân phận đã chịu quá nhiều bất hạnh.
Bi kịch nối tiếp bi kịch, thế nhưng phương pháp đạo diễn và biên kịch của Vũ Trần và Trác Thúy Miêu vẫn thổi những khoảnh khắc hồn hậu, tươi sáng đan xen bởi nhóm thợ lò gạch (NS Nguyễn Hồng Đào, Trần Tuấn Kiệt, Minh Triết và các diễn viên trẻ nhà hát) để cân bằng cảm xúc cho khán giả.
Có thể nói, sự xuất hiện của “Bến Lửa Lòng” trong làng kịch nói TPHCM hiện nay tiếp tục mang đến một dư vị quen mà lạ cho khán giả. Một tác phẩm mélo khốc liệt mà đầy vị tha, đầy mưu mô nhưng cũng có những con người vụng dại; cùng hòa quyện để người xem trọn vẹn nhiều đúc kết cho riêng mình.