09:43 | 29/10/2015

Cuộc đời ít biết của ca sĩ "Vợ người ta"

"Ca khúc này tôi viết sau Tết khoảng hai tháng. Khi viết ra, tôi thấy rất buồn cười vì lời bài hát “bựa” quá...", Phạm Mạnh Quỳnh chia sẻ.

"Ca khúc này tôi viết sau Tết khoảng hai tháng. Khi viết ra, tôi thấy rất buồn cười vì lời bài hát “bựa” quá...", Phạm Mạnh Quỳnh chia sẻ.

MV Vợ người ta nổi lên như một hiện tượng, kéo theo đó là sự nổi tiếng rầm rộ của nhân vật chính. Công chúng thích cái tưng tửng, khác người của Phan Mạnh Quỳnh, cả trong tinh thần của bài hát và vai diễn anh chàng “hụt” vợ.

Nhưng nếu ở trong MV, chàng trai ấy có vẻ bất cần và táo bạo khi quyết định phá đám cưới của người cũ bao nhiêu thì ngoài đời, Phan Mạnh Quỳnh lại tỏ ra e dè bấy nhiêu.

Đặc điểm chung duy nhất mà bạn có thể cảm nhận được giữa họ có lẽ đó là sự chân chất đã ăn vào máu.

Tuổi thơ ở miền quê nghèo

Phan Mạnh Quỳnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có năm người con ở Nghệ An. Là anh cả nên từ nhỏ ngoài việc học, anh phải phụ giúp bố mẹ làm việc nhà và làm bánh kẹo.

Ở làng tôi chủ yếu người ta làm nghề này, thu nhập cũng sống được chứ chẳng thể giàu. Hiện tại, tôi đang cố gắng lo cho gia đình nhưng cũng chưa giúp được nhiều lắm.

Nghĩ thấy tội mấy đứa em, tất nhiên những gì các em đang làm, tôi đã trải qua rồi nhưng đáng lẽ thời của các em không đáng phải như thế nữa.

Tôi muốn mình kiếm được tiền đủ để cho bố mẹ và mấy đứa nhỏ đầy đủ. Nếu trời thương, có lẽ cũng vài ba năm nữa mới ổn được”, anh tâm sự.

 

Năm lớp 9, Phan Mạnh Quỳnh bắt đầu làm quen với việc sáng tác. Ban đầu, anh viết về thầy cô sau đó đến Thánh ca. Không có đàn, anh phải tập “ké” ở nhà thờ.

Biết anh có máu nghệ sĩ, mỗi lần trường có dịp gì, thầy cô lại gọi anh lên hát. Mãi đến lớp 12, anh mới dám mượn đàn và phối ca khúc đầu tiên mang tên Nơi ấy còn tìm về.

Năm 2009, Phan Mạnh Quỳnh khăn gói lên thành phố Hồ Chí Minh để học Đại học với suy nghĩ rất đơn giản: “Phải có một đứa bươn ra để thay đổi cục diện, nếu đứa nào cũng ở quê, chẳng làm gì hết thì mãi mãi như thế. Ba mẹ kỳ vọng ở tôi rất nhiều”.

Thấy trên báo hay viết về những ca sĩ Nam tiến để tìm kiếm sự nghiệp, anh tự nhủ mình cũng đang Nam tiến cho... oách.

Đến năm thứ 2, trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ tới âm nhạc. Đi học thay vì nhìn lên bảng, tôi dùng bút để gõ nhịp. Nếu lúc đó có điện thoại để ghi âm như bây giờ chắc sẽ lưu được nhiều giai điệu thú vị.

Rồi tình cờ tôi quen một người anh có studio. Anh biết phần mềm, tôi biết nhạc lý, hai anh em trao đổi với nhau và học hỏi dần dần.

Sau một thời gian làm việc và quen biết với các ca sĩ nổi tiếng, tôi nghĩ cách này có thể duy trì để nuôi dưỡng ước mơ nên đã gọi về nhà xin nghỉ học. Rất may là bố mẹ đã tin tưởng và đồng ý.

Ban đầu, tôi định bảo lưu nhưng một thời gian nhưng rồi thấy bản thân yêu nghề quá nên nghỉ hẳn. Dần dần tôi cũng có một phòng thu nhỏ đủ trang trải kinh tế và làm âm nhạc cho riêng mình”, Phan Mạnh Quỳnh nhớ lại.

Cuộc sống mới sau lốc “Vợ người ta”

- Nghe anh kể thì công việc rất thuận lợi, tại sao anh lại quyết định “bốc” tất cả về Nghệ An?

Sau khi chuyển sang phòng thu lớn hơn, những chi phí như tiền nhà, tiền điện… tăng lên rất nhiều trong khi đó những gì thu về lại không được như mong muốn khiến tôi thấy chán.

Trong một buổi sáng ì ạch trên giường, bản thân cảm thấy sửng sốt và tự nhủ: “Trở về đi, mình đã ở nơi đây quá lâu rồi".

Về nhà không phải lo lắng nhiều nên đầu óc tôi rất thoải mái. Tiền kiếm được dư ra rất nhiều, tôi cũng tập lại thói quen sinh hoạt ở nhà thờ.

Nhớ năm ngoái, khi dựng một vở kịch, tôi có nói đùa với mọi người: “Thôi ráng tập đi, năm sau tao bận đi diễn chẳng có thời gian đâu”. Lúc ấy là chém gió thật nhưng bây giờ nghĩ lại, có khi thời gian sắp tới sẽ như thế. 

MV Vợ người ta - Mạnh Quỳnh

- Nói vậy, sau cơn sốt của “Vợ người ta”, cuộc sống của anh đã có nhiều thay đổi?

Thay đổi nhiều chứ, công việc bề bộn hơn. Ra đường đi nhậu hay cafe với bạn bè, tôi bị nhiều người nhận ra nên hơi mất tự do một chút.

Đây là điều nằm ngoài dự tính, tôi cũng không quá sung sướng vì nổi tiếng đâu nhưng… lỡ rồi. Bản thân cứ bị ngại, có lẽ một thời gian nữa sẽ ổn hơn.

- Ở quê nhà, phản ứng của bố mẹ anh như thế nào khi đi đến đâu cũng nghe bài hát của con trai?

Bố mẹ tôi sống theo nếp quê nên phản ứng cũng lặng lẽ chứ không nói những lời chúc mừng đâu. Gọi điện thoại, nghe tiếng cười là tôi biết bố mẹ đang vui. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là sự lo lắng, bố mẹ sợ tôi nổi tiếng sẽ mệt mỏi.

- “Vợ người ta” ra đời trong hoàn cảnh nào?

Ca khúc này tôi viết sau Tết khoảng hai tháng. Khi viết ra, tôi thấy rất buồn cười vì lời bài hát “bựa” quá. Hai câu đầu giống như đang đọc thời sự, chẳng có gì nghệ thuật cả nhưng phong cách ấy lại chưa ai viết.

Đó cũng là lúc mối quan hệ giữa tôi và bạn gái cũ nhen nhóm sự rạn vỡ trong tình cảm. Khi viết, tôi nghĩ sau này cô ấy sẽ lấy người khác nên đã bật ra câu: “Giờ em đã là vợ người ta”.

Nếu mọi người nghe kỹ thì sẽ thấy có một đoạn nhạc nhẹ xuống, cả bản gốc và bản phối lại. Đó chính là tâm trạng thật của tôi khi đón nhận chuyện này chứ không phải lúc nào cũng tưng tửng như tinh thần xuyên suốt bài hát.

- Ba năm là khoảng thời gian không ngắn, vậy khi thể hiện ca khúc này, ắt hẳn có lúc anh cảm thấy nghẹn lòng?

Thật ra tôi thấy vui nhiều hơn. Bài hát như là một sự động viên cho chính mình vậy. Có nhiều người hỏi tôi: “Sao buồn mà lại là lá la?” nhưng đó là cách để mình biến mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn.

- Bản thân anh cũng dùng từ “bựa” khi nói về lời bài hát, anh có sợ người khác sẽ cho rằng những gì anh viết ra quá dễ dãi?

Tôi đang muốn thay đổi cách dùng lời bài hát của những ca khúc Việt Nam bây giờ. Có một số bạn bây giờ đã và đang làm rất tốt nhưng những anh chị lớn không còn sự mới mẻ trong cách dùng từ ngữ nữa.

Có rất nhiều cụm lời giống nhau cứ được tái sử dụng. Tất nhiên chúng cũng giúp tròn trịa một bài hát nhưng chung quy người nghe vẫn cảm thấy sự na ná.

Với những ai thường xuyên nghe nhạc của Phan Mạnh Quỳnh sẽ thấy mọi ca khúc của tôi trước nay đều làm kĩ về phần lời, đặc biệt là cụm từ.

Những ca khúc của tôi hầu như chẳng có hiện tượng lặp, lời và nhạc là 50/50 chứ không phải là điền đủ từ để cho ra một bài hát.

- Nghe cách anh nói thì hình như việc sáng tác một bài hát phải mất rất nhiều tâm sức?

Tôi không bao giờ ép bản thân sáng tác. Tôi viết nhẹ nhàng chứ không mệt như một số người. Tôi cứ viết một câu, cảm thấy thích rồi để đó.

Nhiều ý tưởng xuất hiện nhất là lúc tôi vừa ngủ dậy, ngại bước xuống nên cứ nằm lì trên giường. Điển hình nhất và gần như trọn vẹn trong một buổi sáng là bài Ai cũng có ngày xưa.

- Những tâm sự của anh gửi vào âm nhạc có vẻ ướt át, vậy một Phan Mạnh Quỳnh ở ngoài đời như thế nào?

Đôi khi mọi người thấy tôi giống như vô cảm nhưng thật ra trong đầu lại nghĩ nhiều lắm. Tôi gần như cảm nhận được nỗi đau của những người đã gặp qua, thậm chí kể cả khi họ không nói ra. Thế nên, cuộc đời tôi chẳng bao giờ vui.

- Tôi nghe người ta đồn vì anh nhát nên bây giờ vẫn chưa dám bước lên sân khấu để biểu diễn...

Không hẳn như thế. Ba tháng trước đây, có được mời sô tôi cũng không dám nhận vì thấy mình chưa nổi tiếng lắm. Tôi xác định nếu lên sân khấu thì phải nhiều người biết mình, lúc đó tôi mới hát.

Hiện tại, công ty đã nhận sô nhiều nhưng đến ngày 10.11 tới tôi mới bắt đầu đi hát. Mình phải dành thời gian để tập bài vở nữa, chứ lên sân khấu làm gì sai thì ngượng lắm.





Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...