Tapchisaoviet - MC Thanh Thảo chia sẻ: Bệnh nhân tâm thần không được quản lý có thể gây ra tội ác khó lường.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, xã Hòa Bình, Thường Tín (Hà Nội) có thêm chức năng quản lý những bệnh nhân có tâm thần có hàng rào được xây cao, chăng dây thép gai và nhiều phòng bệnh cửa sắt kiên cố và camera giám sát 24/24 giờ.
Nhưng không hiểu vì sao một người được xác định là “tâm thần" như Bạch Thành Phong lại có thể trốn thoát khỏi nơi giám sát.
Trước đó Bạch Thành Phong, được Viện Pháp y tâm thần Trung ương kết luận Bạch Thành Phong có bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm, bị can mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Khi biết được kết quả giám định, nhiều người từng biết Bạch Thành Phong ngạc nhiên và thấy “có gì đó sai sai”?
Họ không hiểu tại sao khi phạm tội Bạch Thành Phong tỏ ra rất tỉnh táo, tính toán rất kỹ đường đi, nước bước mà một kẻ tâm thần “mất khả năng nhận thức” và điều khiển hành vi khó có thể làm được?
Viện kiểm sát Nhân dân quận Nam Từ Liêm quyết định áp dụng chữa bệnh bắt buộc với Bạch Thành Phong, sinh năm 1976, hộ khẩu thường trú tại phường Nguyễn Du - Hà Nội.Căn cứ kết luận pháp ý số 408 ngày 9/12/2016 của Hội đồng giám định pháp y của Viện pháp y tâm thần trung ương, xét công văn số 215 ngày 28/12/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm đề nghị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.
Theo đó, bị can Bạch Thành Phong nghiễm nhiên được đình chỉ điều tra để chữa bệnh tâm thần.
Nhưng sau đó Bạch Thành Phong đã chứng minh rằng mình là người hết sức tỉnh táo bằng việc trốn thoát khỏi nơi điều trị bắt buộc một cách tinh vi, ngoạn mục.
Cuộc trốn thoát tinh vi ngày mồng 5 Tết Đinh Dậu với nhiều nghi vấn
Thông tin được biết vào hồi 4 giờ sáng ngày 2/2/2017 (tức mồng 5 Tết Đinh Dậu) kíp trực Bệnh viện Tâm thần Trung ương phát hiện bệnh nhân Bạch Thành Phong trốn khỏi viện.
Ngay sau đó phía bệnh viện đã tổ chức lực lượng bảo vệ, các bác sĩ và kíp trực của khoa Điều trị đi tìm và phát hiện Phong đang chạy ở đầu làng Thụy Ứng.
Khi tiếp cận thì bệnh nhân có vũ khí, đe dọa nếu vào bắt thì sẽ đâm và bỏ chạy, kíp trực không thể đuổi được nữa.
Qua tìm hiểu được biết căn phòng mà Bạch Thành Phong nằm điều trị không có cửa thông ra sân. Trong khi đó khoảng sân này được bao quanh bằng những bức tường cao có dây thép gai của những dãy nhà hai tầng lợp tôn xanh.
Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường trốn thoát, Bạch Thành Phong không thể trèo lên tầng 3 của dãy nhà vì khoảng cách giữa tầng 2 và tầng 3 khá cao và không có điểm tựa.
Trong trường hợp Phong lên được tầng 3 thì khi đi trên mái tôn sẽ gây tiếng động mạnh. Mà theo phán đoán của kíp trực tối đó, Bạch Thành Phong đã chui qua cửa thông gió tầng 2 để thoát ra ngoài.
Qua camera giám sát ghi lại và hiện trường hành trình trốn viện của Bạch Thành Phong nổi lên nhiều câu hỏi cần được làm rõ.
Lúc 3h30 phút sáng mùng 5 Tết, camera ghi được hình ảnh Bạch Thành Phong mặc bộ đồ đen, tay cầm một chiếc balo, nấp từ sau gốc cây rón rén đi từ góc sân này sang góc sân bên kia có gốc gây to sát tường.
Dưới gốc cây có sẵn một chiếc ghế, Phong dựng chiếc ghế lên để sát vào tường và trèo lên tầng 2 rồi biến mất.
Vì sao Bạch Thành Phong không bao giờ được lên tầng 2 lại có thể biết tầng 2 có lỗ thông gió để chui qua?
Vì sao ở gốc cây lại chuẩn bị sẵn một cái ghế, nhờ đó Phong trèo lên được tầng 2? Vì sao Phong lại có vũ khí, mang theo vũ khí để đe doa kíp trực và bảo vệ khi đối mặt?
Chia sẻ với phóng viên, MC Thanh Thảo lo lắng chia sẻ: “Không hiểu vì sao một đối tượng được giám định kết luận: “mất khả năng nhận thức” lại có thể ra ngoài xã hội và trốn tránh được sự truy bắt.
Trong khi, với một tính cách hung hãn của Phong mà lại mang cái “mác” bệnh nhân tâm thần mà không được quản lý có thể gây ra những tội ác khó lường cho tôi và gia đình cũng như, xã hội”.
Nếu đối tượng này gây tội ác, ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Không hiểu sao lực lượng Công an và cán bộ Viện pháp y tâm thần trung ương vẫn chưa thể truy bắt được một đối tượng tội phạm “mất khả năng nhận thức”?