08:00 | 26/11/2018

NSƯT Thanh Nga và 40 năm ngày mất của Nữ hoàng Sân khấu và Điện ảnh miền Nam

Tintuc - Đã tròn 40 năm ngày NSƯT Thanh Nga qua đời. Để tưởng niệm cố nghệ sĩ tài hoa "hồng nhan bạc mệnh" này, chúng ta hãy cùng nhìn lại một thời oanh liệt của "Nữ hoàng sân khấu".

Ngày 26/11/1978 (tức ngày 26/10 Âm lịch), khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc hoàng kim của nghề diễn, nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết cùng chồng ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng, Q.1, TP. HCM). Vụ án gây chấn động dư luận bấy giờ.

nsut thanh nga va 40 nam ngay mat cua nu hoang san khau va dien anh mien nam
Cố NSƯT Thanh Nga

Kỷ niệm 40 năm ngày NSƯT Thanh Nga và chồng ra đi vĩnh viễn, cháu trai cô – NSƯT Hữu Châu và gia đình sẽ làm giỗ của cô cùng chồng tại Riverside Palace vào trưa ngày 2/12 (tức ngày 26/10 Âm lịch).

Cố nghệ sĩ Thanh Nga và LHP Á châu lần thứ 17 năm 1971:

Thanh Nga, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng tại LHP Á châu lần thứ 20 năm 1974

Những chuyện đời thường

Thanh Nga mất đi, thì những câu chuyện liên quan đến Thanh Nga lúc sinh thời bỗng nhiên trở nên vô cùng đặc biệt, có những câu chuyện trở nên huyền thoại, ví dụ như chuyện 'nhân vật vận vào thân' khi mọi người hồi tưởng lại nhân vật mà Thanh Nga đã đóng trong phim Hai chuyến xe hoa (năm 1960, hoặc 1961 - đạo diễn Hoàng Anh Tuấn) và đây cũng là một trong những vở cải lương nổi tiếng của NSƯT Thanh Nga. Hay câu chuyện về 'mùi hương tự nhiên từ thân thể' của Thanh Nga đã khiến cho một mệnh phụ phu nhân giàu có tưởng lầm là một loại dầu thơm quí hiếm đã bỏ biết bao công sức săn lùng...

Thanh Nga có sở thích là “sưu tầm búp bê”. Trong nhà của nữ nghệ sĩ này là một thế giới búp bê - Thanh Nga đã bỏ công sưu tầm sau những chuyến lưu diễn, những chuyến xuất ngoại và của những khán giả ái mộ tặng.

nsut thanh nga va 40 nam ngay mat cua nu hoang san khau va dien anh mien nam

Thanh Nga sợ gián, hồi nhỏ, mỗi khi ai muốn hù dọa cô thì cứ đem gián ra, chắc chắn sẽ làm Thanh Nga chết khiếp.

Lúc sinh thời, Thanh Nga thích mặc áo dài, áo bà ba, thích màu vàng. Thanh Nga có thói quen hễ thích bộ trang phục nào thì cứ mặc hoài một kiểu. Mặc rồi giặt, giặt xong lại mặc tiếp.

Thanh Nga là người rất chăm chút đến mái tóc, cô rất cầu kỳ bới tóc mỗi khi lên sân khấu, đóng phim hoặc chụp ảnh.

nsut thanh nga va 40 nam ngay mat cua nu hoang san khau va dien anh mien nam
NSND PHùng Há, NSƯT Thanh Nga

Thanh Nga thích làm bếp, nấu ăn, nhất là làm bánh. Mỗi lần rảnh, cô lại tụ tập anh, em bạn bè tới nhà, tự tay nấu ăn hay làm bánh đãi mọi người. Lúc cải lương gặp khủng hoảng năm 1972, Thanh Nga còn tần tảo làm bánh cho em và cháu đi bán.

Thanh Nga là người rất tin đấng bề trên. Cô thờ Phật và cũng tin vào Chúa. Mỗi khi gặp chuyện buồn hoặc bế tắc, cô đều cầu cả Phật và Chúa.

Thanh Nga bày tỏ quan điểm của mình về phụ nữ như sau: “Phụ nữ cái gì tốt cũng nên học tập để biết”. Theo Thanh Nga, đó là điều cần thiết.

Năm 1968, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga sang Pháp diễn tại rạp Maubert Mutualité. Chuyến đi này còn có sự tham gia trong vai trò “cố vấn nghệ thuật” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Lực lượng diễn viên thật hùng hậu. Có cả Út Trà Ôn và Hữu Phước cùng diễn với Thanh Nga. Trong chuyến đi này, đoàn diễn nhiều vở từ xã hội cho đến tuồng cổ. Hai vở chủ lực là Giấc mộng đêm xuân và Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu thành. Đài truyền hình Pháp đã thu hình cảnh hai vở này phát trên đài trong chương trình Point Contre Point và Lle de France.

Hình ảnh Thanh Nga dịu dàng trong vai Xuân và Hữu Phước trong vai Tuấn người yêu của Xuân, than thở với nhau vì tình duyên ngang trái trong vở tuồng Giấc mộng đêm xuân hay hóa thân của Thanh Nga trong vai trò nữ tướng Lưu Kim Đính oai vệ, đầu đội mão lông trĩ, mình mặc áo giáp lộng lẫy, chân mang hia, lưng cắm cờ và múa cầm siêu với điệu bộ đẹp mắt, oai phong lẫm liệt vẫn còn in đậm trong mắt khán giả Pháp và kiều bào lớn tuổi.

Có lần trả lời trên báo Màn ảnh Sài Gòn, Thanh Nga từng tâm sự về những nỗi cực khổ khi đóng phim. Và cũng cho biết việc đóng phim chỉ là vì đam mê muốn thử sức mình trong lĩnh vực mới, chớ thật ra thu nhập trong nghề diễn viên không thể sống nổi. Tất cả diễn viên đều phải có nghề khác để sống. Nghề nuôi sống cô chính là sân khấu. Thanh Nga còn bày tỏ mơ ước khi nào nghành điện ảnh Việt Nam mạnh, cô sẽ đứng ra thành lập hãng phim riêng của mình để sản xuất những bộ phim theo ý của cô.

nsut thanh nga va 40 nam ngay mat cua nu hoang san khau va dien anh mien nam

Có một dạo vào khoảng giữa thập niên 1960, sân khấu cải lương gặp nhiều điêu đứng do phim ma, phim kiếm hiệp và do cả chuyện tuồng tích không có chiêu lạ. Bà bầu Thơ liền tung chiêu chứng tỏ vị trí “đệ nhất bầu show” của mình bằng cách tung ra hát tuồng “ma” và đã thành công nhiều với số khán giả đông đảo ủng hộ. “Soạn giả” Thanh Nga viết tuồng ma cũng đã là lí do thu hút sự tò mò của khán giả rồi. Báo chí và quảng cáo ì xèo làm cho khán giả nô nức đi xem vì lần đầu tiên thấy Thanh Nga viết tuồng, nhiều khán giả vốn ái mộ đã đi coi cho biết, thành ra “ma” của cô cũng khá ăn khách.

Thanh Nga đưa vở tuồng Ngôi nhà ma lên sân khấu nhà, tức gánh Thanh Minh - Thanh Nga và nghệ sĩ đóng vai cô gái ma là Đào Thanh Lệ (chị dâu của Thanh Nga, mẹ của nghệ sĩ Hữu Châu). Cũng trong tuồng Ngôi nhà ma này, cô đào Thúy Lan đã xuất thần thủ vai “đào độc” đến nỗi khán giả chửi mắng um sùm, quên rằng họ đang coi hát, chớ không phải ngoài đời. Thanh Nga đã khai thác đào Thúy Lan đúng mức, trong một vai chọc giận khán giả chưa từng có trên sân khấu cải lương. Sau vở tuồng Ngôi nhà ma làm bà bầu Thơ hốt bạc, thì tiếp đó trên sân khấu Sao Ngàn Phương xuất hiện vở tuồng Nàng ma trên sông Dương Tử của soạn giả Hoài Nhân, cũng đồng thời là bầu gánh và cô đào trẻ đẹp đóng vai nàng ma là Kiều Hoa. Chọn người đẹp làm nàng ma, soạn giả Hoài Nhân cố tạo yếu tố ăn khách, thì quả thật sau khi xem tuồng nhiều người đã khen: “Con ma nữ này đẹp quá!”. Tuồng được khán giả chiếu cố, đi coi đầy rạp nhiều đêm và Kiều Hoa sau khi đóng vai hoàng hậu ma này thì lên như diều gặp gió. Rồi kế tiếp sân khấu cải lương lại có thêm tuồng Tình tục duyên ma của nhóm Hoa Phượng bên đoàn Dạ Lý Hương và tuồng này cũng ăn khách luôn. Không riêng gì mấy gánh hát lớn ở Sài Gòn hốt bạc nhờ ma, mà các gánh nhỏ hát đình hát chợ ở tỉnh cũng làm ăn khá. Các gánh hát làng xã cũng bắt chước Sài Gòn, liền đêm đêm cho ma hiện về trên sân khấu, với những vở tuồng của các soạn giả ít ai nghe tên. Bởi tuồng của các gánh nhỏ hát thường là do bầu gánh và nhạc sĩ của gánh đó tự viết ra cho đào kép của mình hát mà không cần đề tên. Kịch Sài Gòn bây giờ cũng nhiều “Ma” lắm… Còn phim nữa… Ma về theo chu kỳ: lạ, tò mò, hấp dẫn, ăn khách… lịch sử thời nào cũng thế!.

nsut thanh nga va 40 nam ngay mat cua nu hoang san khau va dien anh mien nam

Ngoài đời, Thanh Nga cho biết từ nhỏ đến lớn rất sợ đánh nhau và thường tránh xa những nơi xung đột. Nhưng tháng 7/1962, Thanh Nga đã nếm mùi “đánh lộn”. Trong phim Đôi mắt người xưa, Thanh Nga đóng vai chính có đoạn phải đánh nhau trong vũ trường với diễn viên Linh Xuân. Cô nàng này quá nhập vai đã đánh nhau một buổi ra trò.

Thanh Nga hiền lành với mọi người, nhưng có lần cô đã tức giận. Đó là vào giữa năm 1974, báo Sân khấu mới đưa tin Thanh Nga sẽ kiện thẩm mỹ viện Việt Nam, vì đã dám dùng hình ảnh của cô quảng cáo là cô đã đi thẩm mỹ viện sửa mũi. Thanh Nga khẳng định mình “đẹp thật 100%” không hề đi thẩm mỹ viện sửa hay tân trang gì cả.

Năm 1974, Thanh Nga cùng với La Thoại Tân chu du thiên hạ trong các chương trình đại nhạc hội Trường Xuân. Cô và La Thoại Tân diễn hài rất duyên dáng.

nsut thanh nga va 40 nam ngay mat cua nu hoang san khau va dien anh mien nam

Năm 1969, Thanh Nga là nữ diễn viên được Đại hội Điện ảnh Ấn Độ mời đích thân tham dự phái đoàn điện ảnh miền Nam Việt Nam sang dự. Cô cũng là gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969. Tại LHP, Thanh Nga đã được cố nữ Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp rất chân tình, hình ảnh đăng đầy trên báo chí Ấn Độ và Sài Gòn. Khi đến đêm giao lưu nghệ thuật, tại xứ sở Ấn Độ, Thanh Nga cũng diễn trích đoạn Hoa Mộc Lan cho phái đoàn quốc tế xem.

Sau năm 1975, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga có diễn lại vở này và cũng thành công vang dội. Nhưng sau đó không lâu, cuối năm 1975 thì vở hát được lệnh của Sở Văn hóa thông tin tạm thời cấm hát do tình hình quan hệ Việt – Trung bị xấu đi.

Nhưng đến năm 1977, một hôm, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga được chỉ đạo là tập hợp và tập lại gấp vở diễn Hoa Mộc Lan... Người muốn xem Thanh Nga diễn lại Hoa Mộc Lan chính là bà Indira Grandhi - Thủ Tướng Ấn Độ. Sau khi thắng cuộc lần 2 của nhiệm kỳ, bà có chuyến công du một số nước và có ghé thăm Việt Nam. Chính bà đã yêu cầu được xem Hoa Mộc Lan của đoàn Thanh Minh và phải chính Thanh Nga đóng vai này.

nsut thanh nga va 40 nam ngay mat cua nu hoang san khau va dien anh mien nam

Đêm hát diễn ra tại Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc đêm hát, bà Thủ Tướng lên sân khấu bắt tay, khen ngợi Thanh Nga.

Thanh Nga hai lần diện kiến Thủ Tướng Ấn Độ. Một lần tại LHPQT tại New Delhi - Ấn Độ, một lần tại Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam, cách nhau trên dưới 10 năm và cũng sau ngày Thanh Nga mất năm 1978, năm 1984, bà Thủ Tướng Ấn cũng bị ám sát và chết.

Năm 1984, Thanh Nga được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú;

Năm 2015, tên bà được đặt cho một con đường tại khu dân cư Gia Hòa (Q.9, TP. HCM).

Phim tư liệu kỷ niệm 40 năm ngày mất:

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...