Khi nói đến talk show giải trí, bản thân đó đã là khái niệm rất lớn, trong đó có nhiều “mái nhà” nhỏ khác nhau. Mỗi thể loại trong đó đều có tiêu chí riêng gồm chương trình nói về vấn đề gì, phong cách show là gì và điều người xem nhận được là gì.
Do đó, việc cắt gọt, biên tập show phụ thuộc rất nhiều vào những tiêu chí nói trên.
Tôi quan niệm khi thực hiện một talk show riêng, mọi chi tiết đều phải mang dấu ấn cá nhân, nhưng vẫn phải đặt trong tập thể.
“Online” hay “on air” đều phục vụ cho mọi người, do đó phải tính đến yếu tố cộng đồng. Quy về một điều chung, khi làm show, bạn phải tự hỏi mình làm điều đó cho ai.
Nếu cho bản thân thì hãy làm hết tất cả điều mình muốn vì cuối cùng bạn là người hạnh phúc với điều đó. Nếu làm cho mọi người thì chắc chắn phải có sự lắng nghe.
Truyền hình nói riêng và giải trí nói chung có tầm quan trọng rất lớn trong việc cổ vũ người xem sẽ làm gì. Với quan điểm cá nhân, tôi không khuyến khích những chương trình đánh động nguồn năng lượng xấu của khán thính giả.
Bên cạnh đó, lối sống của người thực hiện cũng ảnh hưởng rất nhiều đến đường hướng của chương trình đó. Nếu đó là người “chán ghét cuộc đời”, chắc chắn không thể làm show trong sạch được.
MC Tùng Leo bày tỏ quan điểm về việc làm talk show tại Việt Nam.
Nói về những tranh cãi vừa qua liên quan đến Bitches in town – Những kẻ lắm lời, tôi xin nói ngắn gọn vì không theo theo dõi talk show này thường xuyên. Không xem không có nghĩa không ủng hộ.
Tôi yêu thích cá tính mạnh mẽ và suy nghĩ mới mẻ của người tạo ra chương trình này. Tuy nhiên, nó không thuộc về phong cách của tôi nên không muốn tiếp nhận.
Cá nhân tôi nghĩ con người nên hướng đến những năng lượng tích cực trong cuộc sống thay vì những điều tiêu cực, cụ thể ở đây là sự chỉ trích.
Khi đặt tên show, những người thực hiện xác định không cần người khác yêu thương, và rõ ràng họ đang đi đúng concept mà mình đã chọn. Tuy nhiên, cuộc sống đã có quá nhiều khó khăn, có quá nhiều điều phải đối mặt hằng ngày, xin hãy dành cho nhau những điều tích cực trước đã.
Trong 3 VJs của Bitches in town, tôi cảm thấy Thùy Minh ổn nhất. Qua số mới nhất mà tôi được xem, những câu phát ngôn tệ nhất không đến từ cô ấy.
Đó gọi là kỹ năng của người dẫn chương trình. Nghề này rất khó, phải có kiến thức và kinh nghiệm chứ không thể ngồi và tự ý bày tỏ quan điểm được. Hai bạn còn lại do chưa đủ tầm nên hớ hênh nhiều lời không phải.
"Trong 3 VJs của Bitches in town, tôi cảm thấy Thùy Minh ổn nhất".
Đặc biệt, sau khi biết những câu chuyện phía sau bó hoa của Đông Nhi được nhận từ một chương trình từ thiện, rõ ràng chính vì chưa hiểu rõ ngọn nguồn mà đã nhận xét người khác. Cách ứng xử này không đúng và “con nít”.
Vai trò của talk show là nêu quan điểm, ngay cả những chương trình thực hiện thiên về hướng giải trí. Nhưng nêu quan điểm như thế nào là một vấn đề không đơn giản. Nhìn chung, văn hóa chỉ trích của giới trẻ hiện nay rất đáng báo động.
Ai cũng có quyền tự do phát ngôn trên mạng xã hội, tự do đánh máy, điều đó họ nghĩ họ có quyền được nói tất cả điều mà khi gặp trực tiếp sẽ không bao giờ dám nói. Do đó, làm giải trí mà quên đi trách nhiệm xã hội là điều sai lầm.
Mấu chốt của người làm truyền hình tại Việt Nam là phải nắm văn hóa Việt một cách cụ thể. Nếu làm chương trình cho người nước ngoài, cứ thực hiện y nguyên format của quốc tế.
Nhưng nếu xác định người xem là người Việt dĩ nhiên phải có những lưu ý riêng. Không xác định được những điều này, đó là sự cẩu thả. Nói đến những show nước ngoài, những chi tiết chế giễu của họ rất vui. Mục đích của họ không phải hạ bệ nhau mà nêu vấn đề một cách vui vẻ.
Có lẽ do đã “quá tuổi” nên những talk show giải trí của Việt Nam thời gian gần đây tôi không còn cảm hứng để xem hay thấy hay nữa.
Thời kỳ các talk show đầu đời đã tạo nên những dấu ấn rất đẹp. Đó là khi những người làm chương trình đóng vai trò là người đi trước, chủ động bắt tay làm bạn với giới trẻ, vừa đùa giỡn nhưng vẫn có tính định hướng. Còn bây giờ, các chương trình đang đi về 2 hướng.
Nếu định hướng quá nhiều, tính giải trí bị giảm và ngược lại. Do đó, cụm từ “edutainment” tại Việt Nam vẫn còn quá xa vời.
Nói về sự thẳng thắn, truyền hình Việt Nam không thiếu. Và tôi gọi đó là thẳng thắn có văn hóa. Còn việc chương trình Những kẻ lắm lời này có mở ra một chương mới cho talk show Việt hay không thì phải còn chờ.
Các chương trình phát hành online đến nay vẫn có sự kiểm định cụ thể, ai thích thì xem như một dạng Vblog.
Thôi thì cứ cùng nhau tìm tòi, đến một ngày nào đó họ nhận ra điều gì cần thiết sẽ tự biết để giữ lại cho riêng mình!
Tùng Leo sinh năm 1984, hiện là Giảng viên Đại học Kiến trúc TP HCM. Bên cạnh công việc giảng dạy, anh đảm nhận vai trò sản xuất cho Vietnam's Next Top Model, Project Runway.
Anh tham gia viết báo từ năm 2004 đến nay, đã và đang đảm nhận công việc biên tập viên và MC truyền hình.
Anh cũng có các chương trình talkshow cá nhân như Leo's Show, Leo & U. Là một chàng trai đa tài, Tùng Leo được nhiều bạn trẻ yêu thích và bình chọn là "hot facebooker" - nhân vật tạo được ảnh hưởng cho giới trẻ.