Tintuc - Tác phẩm Huyền Quang Mộng của tác giả Lương Đức Minh lấy cảm hứng từ vẻ đẹp phố cổ Hội An, với màu đỏ chủ đạo, điểm xuyến trên thân váy là hình ảnh chim phượng, đèn hoa đăng hình hoa sen.
Mô hình chùa Cầu – biểu tượng độc đáo của Việt Nam gắn ở viền nón quai thao, những dải lụa rũ xuống kết hợp với dây lồng đèn đem lại vẻ thướt tha, tôn vinh vẻ đẹp cao sang, nhẹ nhàng của người phụ nữ Việt Nam.
Lương Đức Minh từng là thí sinh nhỏ tuổi nhất vào Top 15 tại mùa thi năm 2017 với bài thi “Sắc nước hương trời” được khán giả bầu chọn nhiều nhất, đồng thời là tác giả bài thi “Sơn Tinh Thuỷ Tinh” của mùa thi năm 2019. Dù còn nhỏ tuổi, Lương Đức Minh sớm thể hiện năng khiếu thời trang qua hàng loạt tác phẩm có ý tưởng tốt, đa dạng chủ đề. Trở lại với năm nay, Lương Đức Minh dành tâm huyết cho bài thi mang tên “Huyền Quang Mộng”.
Lấy hình tượng bông lúa vàng cách điệu hoạ tiết tạo hình trên tổng thể bộ áo dài, Cánh diều vàng đậm thể hiện đường cong người phụ nữ Việt Nam một cách đầy tinh tế. Việc cách điệu diều sáo bay lên uốn lượn theo hình chữ “S” thể hiện một đất nước Việt Nam đi lên, phát triển phồn thịnh.
Tác giả Ngô Chí Tây – Top 18 mùa thi năm 2019 – là cựu sinh viên khoa Thiết kế Thời Trang trường Đại học Tôn Đức Thắng. Sau khi tốt nghiệp, anh cộng tác cùng nhiều nhà thiết kế nổi tiếng, cũng như trau dồi chuyên môn qua những công việc khác nhau liên quan đến thời trang. Ưu điểm của Ngô Chí Tây chính là kỹ thuật làm đồ và ý tưởng hiện đại. Bài thi “Cánh Diều Vàng Đậm” của năm nay là sự kế thừa và phát triển từ “Cánh Diều Vàng” của năm 2019.
Tham gia cuộc thi năm nay, Tạ Linh Nhân mang đến tác phẩm Phụng Liên lấy hình ảnh hoa sen kết hợp với chim Phụng cùng nguồn cảm hứng từ vẻ đẹp của Hoàng hậu Nam Phương. Phụng Liên được xử lý bằng công nghệ thêu nổi, in, cắt laser kết hợp với đính kết thủ công và chiếc mấn đội đầu, cánh đeo được chạm đồng, bộ trang phục như gợi nhớ đến ngành nghề thêu và đúc đồng truyền thống của dân tộc Việt. Bên cạnh đó, với cách đặt để họa tiết có chủ ý, thì vũ điệu rực rỡ của loài chim Phụng cùng vẻ đẹp mảnh mai của từng cánh sen đã được tái hiện đầy chất thơ và nghệ thuật trên bộ trang phục.
Họa sĩ, NTK Tạ Linh Nhân đã có hơn 10 năm gắn bó với công việc sáng tạo, anh từng lọt Top 10 mùa thi năm 2016. Đặc biệt, anh có kinh nghiệm thiết kế và thực hiện các mẫu quốc phục cho các Nguyên thủ Quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao ASEAN; thiết kế trang phục cho một số Bộ trưởng và Đại sứ của Việt Nam tại nước ngoài…
Đến với cuộc thi năm nay, tác giả Phạm Minh Phúc gửi gắm tình cảm vào bài thi Vu Quy tôn vinh phong tục cưới hỏi của người Việt. Vu Quy có đầy đủ những hình ảnh biểu trưng cho ngày cưới, với màu đỏ trên chiếc áo cô dâu, đeo vòng kiềng, hình ảnh chim phượng trên chiếc mấn. Thông qua trang phục, tác giả mong muốn quảng bá về một phong tục cưới hỏi đặc sắc, một hình ảnh đẹp viên mãn cho người phụ nữ.
Top 6 mùa thi năm 2017 – Phạm Minh Phúc từng khiến Hoa hậu H’Hen Niê ấn tuợng với bộ trang phục “Nữ quyền”. Vốn yêu thích và trân trọng các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, Phạm Minh Phúc luôn tìm tòi, học hỏi từ những chất liệu ấy để phát triển thành những bộ trang phục đậm đà bản sắc Việt.
Top 18 mùa thi năm 2019 – Vũ Hương Giang là cô gái dành tình cảm đặc biệt cho hoa sen. Vẫn lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen như năm ngoái, bài thi Cô gái và hoa của Vũ Hương Giang cách tân tà áo dài phù hợp với yếu tố trình diễn trên sân khấu. Cụ thể, phần hoa sen đằng sau được thiết kế dễ tháo lắp bằng khớp, có gắn bánh xe tiện cho việc di chuyển.
Tác phẩm “Cô gái và hoa”.
Bài thi Phụng Liên lấy ý tưởng chính là hoa sen và những hoa văn trang trí, Rồng – Phụng thời Lý. Phần áo dài được thay đổi theo xu hướng thời đại với những mảng cut-out khoé léo ở phần eo nhưng vẫn đảm bảo tính dân tộc – văn hoá trong áo dài truyền thống.
Phạm Lâm Mỹ – Top 5 mùa thi năm 2016 (Phụng Bào), Top 18 mùa thi năm 2019 (Ngọc Phương Đông) là đại diện cho những cô gái trẻ có ước mơ, tâm huyết với trang phục dân tộc Việt.
Á quân mùa thi năm 2016, Nguyễn Hữu Bình chính là tác giả của trang phục “Hồn Việt” được Nguyễn Thị Loan trình diễn cho phần thi National Costume tại Miss Universe 2017. Anh rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, có trình độ chuyên môn cao và tận tâm với nghề.
Giải thích về cách tạo hiệu ứng trên sân khấu của tác phẩm Mây trắng, Nguyễn Hữu Bình cho biết: “Hình ảnh cô gái nữ sinh Việt Nam trong tà áo dài trắng, đầu đội nón lá dắt xe đạp (1 bánh) liên kết với cổng trường phía sau (có gắn bánh xe), sau đó cô gái thoải mái trình diễn cùng chiếc nón lá trên tay hoặc tay vẫy chào mọi người…”.
Quay trở lại cuộc thi năm nay, Nguyễn Hữu Bình đầu tư cho tác phẩm “Mây Trắng” lấy cảm hứng từ hình ảnh nữ sinh Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài. Cùng với đó là hình ảnh trường trung học Trưng Vương mang kiến trúc đặc trưng của Pháp, gợi nhớ ký ức đẹp của bao thế hệ học sinh TP HCM.
Đến với cuộc thi năm nay, Thái Trung Tín quyết định làm mới bản thân bằng bài thi Ô Mê Trô. Trước đó, Quán quân mùa thi năm 2016 – Thái Trung Tín cùng với bộ trang phục “Nàng Mây” giúp Lệ Hằng và Việt Nam ghi dấu ấn trong phần thi National Costume tại Miss Universe 2016. Từ “Nàng Mây”, mở ra thời kì mới cho trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam tại Miss Universe, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về sự sáng tạo, phá cách. Thái Trung Tín cũng là người đứng sau trang phục dân tộc cho các nhan sắc Việt chinh chiến tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế
“Ô Mê Trô” vượt khỏi những quy tắc thường thấy trong một thiết kế, hứa hẹn sẽ tiếp tục là một tác phẩm ấn tượng mang thương hiệu Thái Trung Tín.