21:29 | 25/06/2018

Vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ” bất ngờ thu hút truyền thông quốc tế

Tintuc - Sau khi thắng giải Vàng Giải thưởng Stevie Award Châu Á - Thái Bình Dương ở hạng mục “Đổi mới trong Truyền thông, Truyền thông thị giác và Giải trí trực quan, mới đây, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” bất ngờ xuất hiện trong phóng sự mang tên “Destination: Hanoi” trên kênh truyền hình CNN đã tạo được ấn tượng sâu sắc với công chúng toàn cầu.

Phóng sự “Destination: Hanoi” dài 30 phút được sản xuất bởi CNN Vision, đem đến cái nhìn mang tính điện ảnh, kể lại những câu chuyện truyền cảm hứng về Hà Nội, Việt Nam cho các khán giả tại tất cả khu vực châu Á, châu Âu và Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á. Trong phóng sự này, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” được gợi ý như một trải nghiệm độc đáo khi du khách khám phá Hà Nội, bên cạnh tham quan làng miến Cự Đà, Việt Phủ Thành Chương, nếm bánh tôm Hồ Tây hay tìm hiểu về giá trị văn hoá tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu...

“Tinh hoa Bắc bộ” – nét độc đáo của văn hóa, nghệ thuật Thủ đô. Điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình “khám phá” Việt Nam.

Hai biên tập viên CNN hào hứng giới thiệu: “Hơn 10 năm dàn dựng, một vở diễn tại Hà Nội Việt Nam đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng và là cơ hội để người dân địa phương thể hiện khả năng nghệ thuật. Vở diễn lấy cảm hứng từ thơ ca đến nghệ thuật rối nước truyền thống được trình diễn hoàn toàn trên một sân khấu nước này gọi là “Tinh hoa Bắc bộ”. Không để khán giả đợi lâu, màn hình chuyển sang cảnh ngọn núi chùa Thầy linh thiêng (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), dưới chân núi, một thủy đình nhân tạo nặng 10 tấn hài hòa trên hồ nước rộng 4300m2. Đây chính là sân khấu thực cảnh với những đường đi ngầm và những mô hình hoạt cảnh “bí mật” dưới nước.

Thay vì để khán giả tiếp cận ngay với nội dung vở diễn, CNN đưa khán giả tới một khung cảnh hậu trường, những diễn viên không chuyên chân hăm hở trên nước, với ngư cụ trên tay, tập cảnh đi bắt tôm... gấp rút chuẩn bị cho màn diễn để thể hiện các phong tục văn hoá Bắc bộ Việt Nam. Một góc khác của sân khấu, các vũ công đang tập duyệt phân cảnh về cuộc sống thường ngày ở làng quê như cầm liềm gặt lúa, giã gạo...

Quan sát các diễn viên tập luyện, đạo diễn Hoàng Nhật Nam bày tỏ niềm xúc động: “Tôi cảm thấy rất tự hào về đất nước mình trong suốt thời gian thực hiện vở diễn. Đất nước Việt Nam thân yêu của tôi có rất nhiều những giá trị tốt đẹp được gọi ngắn gọn là “tinh hoa”. Đạo diễn cũng tiết lộ, hơn 200 diễn viên tham gia chương trình và trong đó có đa số là nông dân bản địa.

Đặc biệt xuất hiện trong phóng sự của CNN khi giới thiệu “Tinh hoa Bắc bộ” như một trong những nét đặc sắc khi trải nghiệm văn hóa Hà Nội mà du khách khó lòng bỏ lỡ, bà Sơn – 70 tuổi chia sẻ, nơi bà sống cách sân khấu biểu diễn chỉ vài phút đi bộ. Năm 2016, bà bắt đầu tham gia vở diễn Tinh hoa Bắc bộ và đóng vai một người bán hàng trong phân cảnh tái hiện khu chợ làng quê Việt Nam. Đối với bà, “Tinh hoa Bắc bộ” như một phương thức để phần nào truyền được những giá trị truyền thống từ thế hệ xưa đến lớp trẻ bây giờ. “Đi biểu diễn chẳng vất vả gì, thực chất rất vui như khi tôi đi chơi và nói chuyện với bạn bè” – bà Sơn tâm sự.

Đến đây, những người thực hiện phóng sự “Destination: Hanoi” mới để khán giả biết đến sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” khi đón khán giả. Mặc dù CNN quay vào một thứ 7 trời mưa, nhưng thời tiết bất lợi cũng không ngăn được khán giả đến với vở diễn. Trong suốt thời gian khoảng 1 tiếng đồng hồ, chương trình mang đến những điểm nhấn trong cuộc sống của người dân Bắc Bộ Việt Nam. Từ nghệ thuật múa rối nước đến âm nhạc truyền thống rồi tái hiện quang cảnh kinh thành Thăng Long.

Biên tập viên CNN bày tỏ sự ngỡ ngàng với bàn tay tài hoa của đạo diễn Hoàng Nhật Nam khi biến hoá diễn viên, từ một người đàn ông lao động bình thường rồi đến vai quan tứ trụ triều đình. Biên tập viên CNN nhấn mạnh, đây dù là thử thách nhưng là cơ hội để diễn viên có thể thể hiện vẻ đẹp văn hoá nghìn năm đến với khán giả. Và, lý giải cho sức biến hóa tài tình này, đạo diễn Hoàng Nhật Nam tiết lộ, khi bắt đầu chương trình, anh đã rất lo lắng các diễn viên nông dân không thể diễn tốt, vì họ là những người không chuyên. Nhưng bởi anh và những người nông dân đã kiên trì luyện tập mỗi ngày và đặc biệt khi khán giả xuất hiện, đèn và âm thanh bật lên, dường như người nông dân đã biến thành những người khác.

 
 

Không ngừng vươn ra thế giới
CNN được mệnh danh là người khổng lồ trong việc thu thập những tin tức trên khắp thế giới và truyền đạt những sự kiện theo một phong cách hấp dẫn. Việc một sản phẩm văn hóa như “Tinh hoa Bắc bộ” do doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đầu tư sản xuất đã tự lực vươn ra thế giới khẳng định sức hút của văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam tới du khách và giới truyền thông quốc tế, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, nỗ lực vươn xa hơn của doanh nghiệp Việt Nam với những sản phẩm được đầu tư chất xám.
Điều đáng nói ở đây, trước khi “Tinh hoa Bắc bộ” bén duyên với khán giả toàn cầu, vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ” đã nhận được những thiện cảm của khán giả quê nhà. Tại Việt Nam, không ít khán giả đã ngỡ ngàng trước cảnh ngôi thủy đình bỗng nhiên “trồi” lên giữa mặt hồ rồi lại “lặn” xuống đáy hồ; cảnh các tố nữ vận trang phục xưa bước ra từ những bức tranh “Tứ bình” nổi tiếng và cả hình ảnh Thiền sư Từ Đạo Hạnh - ông tổ của nghề múa rối bước ra từ ánh hào quang giữa tiếng đồng vọng của quá khứ - hiện tại và tương lai. Cùng với cốt truyện gắn với thiền sư Từ Đạo hạnh, ý tưởng “Tinh hoa Bắc bộ” được đạo diễn Hoàng Nhật Nam hình thành, phát triển, chia thành 6 phần nội dung chặt chẽ: “Thi ca”, “Cõi Phật”, “Hoài cổ”, “Nhạc họa”, “An vui” và “Ngày hội”. Đặc biệt, những nét tinh hoa nghệ thuật của làng quê Bắc Bộ đã hòa quyện trong những giai điệu mượt mà của dân ca quan họ Bắc Ninh, tiếng sáo, tiếng hát ru, chầu văn… gợi trong lòng người xem những kỷ niệm và tạo nên những ký ức tươi đẹp về quê hương xứ sở. Chọn thưởng thức “Tinh hoa Bắc bộ” với gia đình, khán giả Ly Tạ tiết lộ, từ em bé 3 tuổi tới thanh niên 23 tuổi, người dì và mẹ hơn 50 tuổi của cô đều xem “Tinh hoa Bắc bộ” không rời mắt, mọi người cùng hòa nhịp với tiếng rao của bà bán bánh giò, hò reo khi thấy cậu bé trên lưng trâu...

Có lẽ, điều khiến “Tinh hoa Bắc bộ” không ngừng vươn xa, hòa nhịp với thế giới đó chính là bởi yếu tố thực của câu chuyện, của vẻ đẹp rất thực của thiên nhiên, đất nước, con người Việt.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...