Tapchisaoviet - Chỉ tập trung vào thành tích học tập và ngoại khoá mà bỏ quên những hoạt động giúp xây dựng tính cách như làm việc nhà, chúng ta có thể khiến con trẻ trở thành những người khuyết thiếu về đạo đức và nhân cách.
Làm sao để tránh nuôi dạy nên một thế hệ tồi? Đó là câu hỏi mà Deborah Gilboa, bác sĩ nhi kiêm chuyên gia về phát triển trẻ em nêu ra trong cuộc toạ đàm “The Expectation Gap” (tạm dịch: Khoảng cách của sự kỳ vọng) tại Đại học Carnegie Mellon hồi tháng 3.
“Làm việc nhà nói có liên quan gì đến việc xã hội này rồi sẽ tiến tới đâu? Có thể ví việc nhà chính là dấu hiệu cảnh báo tính cách của trẻ”, Gilboa nhấn mạnh khi mở đầu bài diễn thuyết của mình. Cô cũng tiết lộ với khán giả rằng, trong lúc trò chuyện với một nhóm phụ huynh rất có tầm ảnh hưởng tại Thung lũng Silicon, cô nhận thấy, phần lớn trong số họ đều từng làm việc nhà – giặt giũ, nấu nướng, lau chùi – khi còn nhỏ. Nhưng chỉ có 4/150 phụ huynh, giờ đây, trao công việc nhà cho con cái họ.
Theo Gilboa, cha mẹ cảm thấy con trẻ ngày nay đã có quá nhiều gánh nặng, từ việc học ở trường, các môn thể thao, các câu lạc bộ và công việc. Về cơ bản, con cái họ không phải làm việc nhà. Thay vào đó, trẻ được kỳ vọng sẽ thể hiện xuất sắc cả về mặt học thuật và các hoạt động ngoại khoá.
Nhưng chỉ tập trung vào thành tích học tập và ngoại khoá mà bỏ quên những hoạt động giúp xây dựng tính cách như làm việc nhà, Gilboa tin rằng, chúng ta có thể khiến con trẻ trở thành những người khuyết thiếu về đạo đức và nhân cách.
“Khi kỳ vọng của chúng ta đối với thành tích của trẻ tăng lên, kỳ vọng vào nhân cách trẻ cũng đồng thời giảm xuống. Người lớn sẵn sàng bao dung, tìm cớ biện hộ, thậm chí, khuyến khích những hành vi sẽ huỷ hoại chính những người mà họ thương yêu”, Gilboa phát biểu. “Tôi là một bác sĩ gia đình và một vài phụ huynh từng nói với tôi, họ không chỉ thấu hiểu mà còn trả tiền mua rượu, mua thuốc cho con để cố gắng kiểm soát áp lực nặng nề từ khối lượng công việc khổng lồ mà trẻ phải xử lý”.
Bác sĩ Gilboa cũng kể câu chuyện về một trong bốn cậu con trai của cô. Cậu bé chưa bao giờ thể hiện chút nỗ lực nào trong các ngày hội khoa học ở trường. Cuối cùng, ở tuổi 12, cậu bé đã thực hiện được: cậu làm việc chăm chỉ, tự mày mò nghiên cứu và xếp thứ 3 trong ngày hội khoa học của trường. Cậu bé thậm chí còn vượt trội trong cuộc thi cấp vùng.
Gilboa và chồng cô rất tự hào về con trai họ. Cậu bé đã biết nâng cấp những nỗ lực của mình và giành chiến thắng… cho tới khi họ nhận ra, cũng chính con trai họ tham gia vào một trò đùa ích kỷ – chế giễu một bạn khác trong lớp chỉ vì có dự án khoa học kém thành công hơn.
Theo Gilboa, con trai cô đã cảm thấy bối rối khi cha mẹ thể hiện sự thất vọng dành cho mình trong ngày hôm đó. Cậu bé đã giành giải tại ngày hội khoa học. Đó không phải là điều cha mẹ mong muốn hay sao? Cậu bé không hiểu rằng, cha mẹ cậu quan tâm nhiều hơn tới sự việc cậu đã tỏ ra chẳng tử tế gì với người bạn học cùng lớp.
“Khi chúng tôi nhấn mạnh với con trai về tầm quan trọng của việc thể hiện xuất sắc trong dự án khoa học của con, thằng bé coi đó là ưu tiên cao nhất của chúng tôi”, Gilboa chia sẻ. “Chẳng phải lỗi của con trai chúng tôi khi thằng bé, trong tiềm thức, quyết định rằng, thành công của mình là tất cả những gì mà cha mẹ coi trọng”.
Gilboa cùng chồng cô nhận thấy, họ đã đặt nặng vấn đề thành tích và chỉ chăm chăm vào nó thay vì tư cách của con. “Cư xử tệ hại với những đứa trẻ khác không xoá bỏ giải thưởng ở ngày hội khoa học của con tôi mà nó xoá bỏ bản thân thằng bé với tư cách một con người”, Gilboa bộc bạch. “Trong khi chính là con tôi, với tư cách một con người, mới là điều mà chúng tôi cần nuôi dạy sao cho đúng đắn”.
Cũng trong bài diễn thuyết của mình, bác sĩ Gilboa kết luận rằng, một thế hệ không biết làm việc nhà bởi vì “quá bận rộn” với lịch trình đủ các môn thể thao, các hoạt động ngoại khoá, các lớp danh dự, không hiểu được rằng, mình là ai quan trọng hơn so với mình đạt được gì. Cô nhấn mạnh: “Giải pháp cho vấn đề của chúng ta không phụ thuộc vào những điểm thi cao chót vót. Chúng phụ thuộc vào những người nắm giữ khả năng giải quyết vấn đề có nhân cách tốt – những người biết điều gì là sai và đặt câu hỏi: “Tôi có thể làm gì để xử lý chuyện đó?””.
Lưu ý tới việc cha mẹ dành rất nhiều thời gian lo lắng về hạnh phúc của con cái, Gilboa cho biết, hạnh phúc của trẻ không thực sự là trách nhiệm của cha mẹ mà chính là nhân cách của chúng. “Khi chúng ta tập trung vào nhân cách của trẻ, chúng sẽ đạt được những điều có ý nghĩa và rất có khả năng tìm thấy và tạo ra hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng ngược lại thì không đúng. Bởi vì khi chúng ta tập trung vào thành tích và hạnh phúc tức thời của trẻ, chúng khiến trẻ dễ dàng trở thành những người không tử tế, mà đó chắc chắn không phải là mục tiêu của chúng ta”.