Tapchisaoviet - Bạn sợ ăn cơm nhiều tăng bệnh tật nhưng không thể từ bỏ "nó" được, do thói quen bao đời nay? Chi bằng hãy tham khảo cách nấu cơm sau để vẹn đôi đường
Dù nói thế nào hay sở thích, quan niệm có thay đổi ra sao thì cơm gạo vẫn là thành phần không thiếu nổi trong chế độ ăn của hầu hết gia đình Việt và châu Á nói chung. Thói quen nhiều đời để lại khiến ta có thể ăn cơm ngày này sang ngày khác, trong khi các món đổi vị như bún, phở, mỳ… sau vài ngày ăn đã thấy không nuốt nổi. Và không chỉ người châu Á mà cả ở phương Tây, ở Mỹ, cơm gạo cũng được sử dụng khá nhiều; Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho hay người Mỹ dù ăn ít gạo hơn thì lượng tiêu thụ cũng đã lên đến hàng tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, do chứa lượng lớn tinh bột và calories, cơm gạo trắng không phải là không gây nên những lo lắng với sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề đường huyết, tiểu đường, béo phì... Thế nên, nhân danh sự mê cơm, khoa học phải tìm cách giảm thiểu nguy cơ này. Và một nhóm các nhà nghiên cứu ngành Hóa Thực phẩm tại đại học ở Sri Lanka, đứng đầu là trưởng nhóm Sudhair James, đã tìm ra một cách nấu cơm để chúng ta vẫn được ăn cơm mà không bị nạp calories dư thừa, không tăng mỡ mà thậm chí ngược lại còn đốt được cả mỡ.
Họ nhận thấy lượng hấp thụ calories được giảm đến một con số bất ngờ là tận 50%, chỉ nhờ kết hợp gạo trắng với dầu dừa theo cách nấu: đun sôi nước, cho một muỗng cà phê dầu dừa vào trước khi cho gạo vào, rồi tiếp tục nấu như bình thường cho đến khi cơm chín. Sau khi cơm chín, bạn để nguội nhanh, cất trong tủ lạnh 12 tiếng rồi mới lấy ra ăn. Lúc ăn, nếu không thể ăn được cơm lạnh thì bạn có thể hâm nóng lại trước khi dùng.
Sở dĩ yêu cầu nhiều công đoạn phức tạp như vậy, các chuyên gia giải thích rằng trong quá trình nấu, dầu dừa sẽ thâm nhập và làm tăng lượng RS, và sau đó, công đoạn làm lạnh sẽ kích thích một loại men phân giải tinh bột. Việc tăng lượng RS (tinh bột kháng hay tinh bột phản tính, là loại tinh bột khó tiêu hóa, ít chuyển đổi thành glucose hơn sau khi tiêu hóa so với các loại tinh bột tự nhiên) có ý nghĩa rất lớn trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường, không chỉ tốt cho những người bị tiểu đường mà cả những người bị béo phì cũng được hưởng lợi.
Phương pháp nấu cơm nghe có vẻ tốt này, dẫu vậy, vẫn cần được nghiên cứu thêm vì các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được loại gạo nào sử dụng thì tốt nhất, và liệu các loại dầu khác có cùng công hiệu như dầu dừa hay không.
Trong thời gian chờ đợi những nghiên cứu thêm này, bạn có thể cân nhắc thay thế một phần cơm gạo trắng - loại thực phẩm được cho là có hàm lượng tinh bột đường cao nhất, dễ gây bệnh - bằng những loại thực phẩm chứa tinh bột nhưng tốt hơn, giàu chất xơ hơn như khoai lang, bí đỏ, yến mạch, súp lơ… để chủ động giảm nguy cơ tiểu đường và béo phì. Ngoài ra, hãy kết hợp cơm/các loại thực phẩm giàu tinh bột thay thế với các món ăn kèm giàu dinh dưỡng, cân bằng và lành mạnh nhé!