Tapchisaoviet - Nhạc sĩ “4 chữ lắm” cho rằng anh và các nhạc sĩ trẻ cùng thế hệ nên bước ra vùng an toàn của chính mình, thể nghiệm nhiều hơn để mang đến những ca khúc sáng tạo hơn.
Vốn được khán giả yêu thích bởi những bản ballad ngọt ngào, lãng mạn nhưng nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng không ru vỗ bản thân bằng sự tự hài lòng. Quan điểm sáng tác của anh là phải mới mẻ, dám thể nghiệm dù thành công hay thất bại.
Tựa đề “Nắng cực” rất trong sáng
- Anh có suy nghĩ gì khi ca khúc “Nắng Cực” do anh sáng tác và trình bày cùng với Trúc Nhân, Trương Thảo Nhi và Bá Hưng vừa ra mắt đã tạo nên những tranh luận trái chiều của khán giả?
- Tôi nghĩ mọi người đang băn khoăn về tựa đề bài hát nhiều hơn chính bản thân tác phẩm. Mọi người có thể nghĩ nó là từ không trong sáng nhưng đó không phải là ý niệm của tôi khi sáng tác. Mọi ngưòi có thể bỏ qua không nghe nó nếu thấy tựa đề không phù hợp. Nếu khán giả nghĩ đơn giản đó là từ miêu tả "nắng cực kì", "nắng to" thì khi nghe ca khúc vui nhộn này giữa thời tiết mùa hè sẽ cảm thấy thú vị hơn.
Bài hát này là những thể nghiệm của tôi và nhạc sĩ Bá Hưng trong giai điệu và cách phối khí. Nó đơn thuần nói về những cảm xúc mệt mỏi giữa trời nắng to, gay gắt của mùa hè và không có một ẩn ý gì khác.
- Phiên bản demo trước đây chỉ có anh và Bá Hưng góp giọng và khá thú vị, sao anh phải “lôi kéo” hai ca sĩ khác vào cho bản thu âm chính thức?
- Trúc Nhân muốn góp giọng vì cậu ấy khá thích ca khúc này. Hơn nữa, với phiên bản chính thức, tôi có phát triển những phân đoạn cần có chất giọng vùng miền đặc trưng như những câu hò, câu hát dân gian phù hợp với cậu ấy. Trong ca khúc có một đoạn hát giả thanh, tôi nghĩ giọng nữ của Trương Thảo Nhi trình bày sẽ thuyết phục hơn.
- Giai điệu ca khúc khá bắt tai nhưng cách hòa âm lại có vẻ tham lam vì nhiều giọng hát cùng góp mặt khiến cho bài hát trở nên rối rắm. Anh có nghĩ sự tham lam này sẽ khiến khán giả kém hứng thú sau khi khám phá nét mới lạ của ca khúc?
- Như bạn nói thì rất có thể lắm chứ. Đây là một tác phẩm thể nghiệm và tôi cùng Bá Hưng muốn thử xem mình có thể kết hợp được bao nhiêu ý tưởng trong cùng một tác phẩm. Bài hát có thể thành công hay thất bại, tốt hoặc chưa tốt nhưng chí ít chúng tôi cũng đã thử để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.
Tôi muốn nhấn mạnh, đây không phải tác phẩm của riêng mỗi cá nhân mà là sự thử nghiệm mang tính ngẫu hứng của cả hai. Chúng tôi muốn mang đến sự mới lạ, vui vẻ, thú vị cho mùa hè này.
- Từ hit “4 chữ lắm” đến “Nắng Cực” anh phải có kinh nghiệm trong việc kết hợp các yếu tố âm nhạc đại chúng của thế giới và âm nhạc dân gian Việt Nam?
- Tính dân gian và làn điệu mỗi vùng mỗi khác và không phải lúc nào cũng dễ nắm bắt và kết hợp trong những ca khúc hiện đại. Trước đây, tôi có thể thành công với chất liệu Bắc Bộ nhưng chất liệu Nam Bộ là cả một thử thách lớn. Tôi cần nhạc sĩ Bá Hưng hỗ trợ cho việc này và ca khúc Nắng cực ra đời.
Đặc biệt đây là một tác phẩm đề cao sự hài hướt nên mọi thứ với tôi cũng là lần đầu. Việc luôn phải tìm một hướng đi khác là một việc luôn cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật nên không thể chắc một tác phẩm sau sẽ thành công như tác phẩm trước. Mọi thứ có thể không an toàn, nhưng chúng ta cần thiết phải bước ra vùng an toàn của mình.
|
Phạm Toàn Thắng và nhóm nghệ sĩ thân thiết trở lại với sản phẩm mới Nắng cực. |
Nhạc sĩ trẻ nên bớt an toàn
- Vậy theo anh, đâu là vùng không an toàn của Phạm Toàn Thắng nói riêng và các nhạc sĩ trẻ của Việt Nam hiện nay?
- Tôi hoàn toàn có thể viết những ca khúc đẹp lòng mọi ngưòi và giữ nguyên vị trí của mình trong lòng khán giả nhưng như thế mọi thứ sẽ dần bão hòa. Bản thân tôi cũng ngày càng chán ghét mình hơn nếu không tự biết cách làm mới.
Để tạo nên bóng đèn dây tóc, Thomas Edison cũng phải trải qua cả ngàn lần thất bại. Tôi nghĩ mình cũng cần thể nghiệm bản thân. Hành trình thử nghiệm đó tuy có lúc sai, lúc chưa tốt nhưng chí ít mỗi buổi sáng thức dậy tôi cảm thấy mình còn có cái để tìm tòi, để trải nghiệm bản thân. Đó cũng là hạnh phúc của một ngưòi làm nghệ thuật.
Theo ý kiến của tôi, vùng an toàn của hầu hết các nghệ sĩ chính là áp lực của sự thành công và luôn bám víu vào đó, sợ đi chệch hướng. Vương miện thành công tuy nhẹ đấy nhưng để nhất ra đặt xuống là cả một quá trình nặng nề mà không phải ai cũng dám thử, dám làm.
- Vậy nên âm nhạc của Phạm Toàn Thắng hay có sự "đổi giọng" và đó là cách để anh cân bằng về mặt sáng tạo âm nhạc cũng như sinh sống từ sáng tác?
- Phải nói chính xác tôi chưa bao giờ viết nhạc vì tiền, đặc biệt là khi kết hợp với các ca sĩ. Tôi có thể sống bằng nhạc quảng cáo và những thứ khác. Tôi hầu như làm việc với các bạn trẻ và tôi cũng không kiếm tiền từ họ.
Tôi viết nhạc cần ngẫu hứng và cảm xúc, cái cảm xúc cho tôi viết ra những ca khúc ballad thật nhất với lòng mình. Cái ngẫu hứng cho tôi sự phá phách, nghịch ngợm trong âm nhạc. Tôi cân bằng cả hai và để mỗi ngày trôi qua, âm nhạc đối với tôi vẫn là một niềm vui lớn chứ không phải cái cần câu cơm hay một công cụ kiếm tiền. Tôi vẫn sẽ tiếp tục phá phách trong âm nhạc của mình để mình có thể trải qua mọi hỉ, nộ, ái, ố của cuộc sống và như thế tôi yêu âm nhạc hơn
- Vpop đang định hình một thế hệ nhạc sĩ trẻ như Phạm Toàn Thắng, Châu Đăng Khoa, Mew Amazing, Đỗ Hiếu, Khắc Hưng… Anh thấy âm nhạc của nhạc sĩ cùng thế hệ đã thực sự "làm chủ" thị trường?
- Sự xuất hiện của những ngưòi viết nhạc mới mang đầy màu sắc cá nhân theo tôi là một tín hiệu đáng mừng. Đã qua rồi thời "cái ta" chung chung, âm nhạc bây giờ nên thể hiện cái tôi nhiều hơn cũng như quan điểm sống và cách nhìn cá nhân của mỗi ngưòi.
Những ngưòi anh kể trên, họ đều đang cố gắng cống hiến những sắc màu riêng biệt trong âm nhạc, và những nhân tố mới hơn sắp xuất hiện cũng sẽ là những màu sắc khác gớp phần tô điểm hơn bức tranh âm nhạc Việt Nam ngày càng phong phú hơn. Đó là cái tôi mong mỏi và chờ đợi ở thế hệ tôi và thế hệ trẻ sau này.