Anh có thể chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp của mình không?
Tôi đi làm từ rất sớm. Tôi đam mê công nghệ và từ những năm 2011, tôi đã để ý đến iPad và sớm nhận thấy nó sẽ là một xu thế mới được ưa chuộng trong tương lai. Sau này, tôi mở ra dịch vụ "Tư vấn sử dụng iPad, iPhone tại nhà" để kiếm tiền. Lúc đó, tư duy của tôi còn hạn hẹp nhưng qua thời gian, mọi thứ dần hoàn thiện.
Tôi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội chuyên ngành Kỹ sư Hóa dầu nhưng tôi không thích làm kỹ sư. Tôi nhận ra điều đó vào năm 2013, lúc đi thực tập tại công ty đạm Phú Mỹ, tôi chỉ thực tập đúng 1 tuần rồi vác cặp ra về. Tốt nghiệp xong, tôi bỏ lại bằng cấp ở quê và tự đi một con đường riêng. Tôi đã từng rất khó khăn khi bị gia đình cắt trợ cấp. Tôi cũng không có vốn liếng nhưng làm rất nhiều việc để kiếm tiền. Tôi đọc sách, tôi đi khắp nơi nói về ý tưởng của mình. Tôi nói không phải vì thuyết phục người ta giúp mình mà nói về ý tưởng lập công ty một cách rất tự nhiên, như người mẹ nói về những đứa con. Cứ thế, ý tưởng của tôi hoàn thiện và khi tôi nói nhiều, mọi người quay sang để ý. Điều kỳ diệu đã đến khi họ bằng lòng giúp đỡ tôi. Khi có vốn, tôi liền mở công ty và đó là chặng đường khởi nghiệp của tôi.
Như vậy có thể nói anh đã gặp may vì nhận được sự giúp đỡ của nhiều người để có vốn gầy dựng sự nghiệp.
Đó không phải là may mắn, đó hoàn toàn do bản thân tôi. Về bản chất, sự giúp đỡ đến từ bản thân mình chứ không đến từ người khác. Gia đình tôi có 3 anh chị em mà tại sao họ không giúp đỡ 2 anh chị của tôi mà lại giúp đỡ tôi?
Đừng làm công việc chỉ vì tiền mà bỏ qua đam mê
Trong bài viết của mình, anh nói rất nhiều đến sự chăm chỉ và đam mê. Nó làm cho người khác có cảm giác rằng chỉ cần có đam mê là sẽ có tất cả, liệu đó có phải là suy nghĩ của anh?
Trước hết, tôi khẳng định luôn có đam mê là có tất cả. Vấn đề mấu chốt đang nằm ở chỗ chúng ta không hiểu thế nào là đam mê và luôn luôn ngộ nhận mình là người có đam mê.
Tôi dám hỏi bạn đam mê có thực sự tồn tại không khi một ngày làm việc bạn vẫn cứ cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi làm, luôn chờ đợi thời khắc 5h chiều để được xách cặp ra về? Khi bạn đam mê, bạn phải yêu thích công việc, bạn thấy vui vì được làm việc và hăng say đến độ làm quên ăn quên ngủ.
Đam mê không thể hiện bằng lời nói mà bằng hành động. Nêú một người thực sự đam mê, họ có thể làm việc mà không cần trả công. Chính họ sẽ nghĩ ra đủ mọi cách để có thể làm việc hiệu quả nhất và cho năng suất cao nhất. Những người như thế, không có lý do gì lại không đi được đến thành công?
"Đam mê không thể hiện bằng lời nói mà bằng hành động".
Nếu đam mê làm nên tất cả thì tại sao các nhà tuyển dụng khi tuyển nhân viên lại luôn đặt thêm dòng chữ "ưu tiên người có kinh nghiệm". Tôi biết rất nhiều bạn trẻ khi mới ra trường, họ chẳng có gì trong tay ngoài nhiệt huyết, đam mê và một số kiến thức học được ở trường lớp để rồi kết quả là họ đã thất bại trong cuộc đua tìm kiếm nhân lực của các công ty. Anh giải thích sao về điều này?
Các bạn nói mình có nhiệt huyết nhưng thực sự, các bạn có nhiệt huyết hay không?
Việc đưa ra yêu cầu là chuyện của nhà tuyển dụng. Yêu cầu là như vậy nhưng nếu thực sự bạn là người có nhiệt huyết và khả năng, bạn sẽ tự biết cách đáp ứng được những yêu cầu của họ. Nếu bạn cứ nói tôi giỏi, tôi nhiệt huyết nhưng tại sao ngay từ vòng “gửi xe” đã không lọt qua được thì không thể gọi là giỏi, không thể gọi là đam mê với công việc được.
Nếu mỗi cá nhân không nhìn ra rằng vấn đề nằm ở bản thân mình mà vẫn đổ lỗi cho các tác nhân bên ngoài thì họ không thể phát triển được. Nhà tuyển dụng có lỗi hay là chính các bạn có lỗi trong khi suốt quãng đời sinh viên không chịu học tập, rèn luyện, không tranh thủ đi làm để có thêm kinh nghiệm, thậm chí là không cả tìm hiểu xem vị trí mình ứng tuyển yêu cầu kỹ năng, phẩm chất như thế nào. Như thế mà nói là mình đam mê, nhiệt huyết thì tôi e là không đúng.
Vậy đứng ở cương vị của nhà tuyển dụng, anh nghĩ, sinh viên mới ra trường phải làm gì để anh tin rằng họ có đam mê?
Tôi muốn nhìn vào gia tốc mà họ muốn phát triển trong cuộc sống. Một người có thể bắt đầu bằng một con số 0, họ có thể không có gì những ít nhất phải cho nhà tuyển dụng nhìn thấy niềm đam mê, tinh thần cầu tiến và mong muốn được cống hiến, gắn bó với công ty của mình. Khi đã nhìn thấy bạn là người có lợi, có thể kiếm ra tiền cho công ty, họ chắc chắn sẽ không buông tha bạn.
Vấn đề là chúng ta chỉ tiếp xúc nhau qua bộ CV xin việc và một cuộc phỏng vấn ngắn, làm sao để có cơ hội chứng minh được nhiều thứ như thế?
Thứ nhất nói về CV, rõ ràng khi ngồi viết CV, các bạn ai cũng ghi rằng mình là một người sáng tạo, chăm chỉ, nhiệt tình nhưng tại sao khi xem hồ sơ, tôi vẫn thấy nhiều người không có được điều đó. Họ sáng tạo ở đâu khi CV được trình bày một cách thiếu khoa học, họ chăm chỉ ra sao khi trong CV nhiều người thất nghiệp đã lâu nhưng vẫn an nhàn, không tìm cho mình một công việc để lao động và cống hiến. Như vậy, CV chính là giao tiếp đầu tiên khiến nhà tuyển dụng chú ý đến bạn. Nếu bạn là người biết thể hiện mình, chắc chắn bạn sẽ vượt qua được vòng đầu tiên và yên tâm dắt xe vào bãi gửi trước đã.
Tiếp theo là vấn đề trả lời phỏng vấn. Theo cá nhân tôi thì thực ra, nhà tuyển dụng không quan tâm quá nhiều đến nội dung mà bạn đang nói. Họ chủ yếu đánh giá bạn qua phong thái, ngữ điệu, trạng thái cơ thể. Nó sẽ chỉ cho họ thấy, bạn có phải là người đáng tin hay không.
Đa phần các nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm nhiều đến... năng lực. Vì thế, bạn đừng nghĩ đó là một cái gì đó quá ghê gớm. Họ quan tâm xem bạn có phải là người có chí cầu tiến, hết mình vì công việc và sẵn sàng gắn bó với công ty hay không nhiều hơn là việc để ý xem bạn có giỏi giang và nhiều kinh nghiệm hay không.
Chúng ta làm việc dựa vào năng lực, khi không có năng lực, rất nhiều người vẫn bị các công ty đào thải. Vậy tại sao anh lại nghĩ là nhà tuyển dụng không quan tâm nhiều đến năng lực của các ứng viên?
Trên facebook, anh nói rất nhiều đến ý tưởng thành lập công ty, khuyên họ hãy tự chủ lấy cuộc sống của mình. Tôi biết là rất nhiều người cũng có ước muốn như thế nhưng họ lại không có đủ vốn, trong khi một số người khác lại chịu nhiều ràng buộc nên nhất thiết phải tìm được công việc ổn định để tạo ra thu nhập, không có đủ thời gian và sự liều lĩnh để mở công ty. Trong trường hợp này, anh có lời khuyên gì cho họ?
Tôi nhấn mạnh là nếu thực sự muốn phát triển bản thân mình lên một tầm cao mới, thì hãy chạy theo đam mê. Đó là định nghĩa đam mê, khi bạn đam mê, bạn có thể làm bất cứ điều gì mà không cần quan tâm rằng mình sẽ mất đi cái gì, bạn mệt ra sao. Điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với việc cố gắng tìm kiếm một công việc ổn định, lương cao. Tôi chắc chắn nếu bạn xin được một công việc với mức lương 15 triệu thì bạn cũng chỉ có thể làm được chừng 5 tháng là bạn lại thấy chán, vì sự nhàm chán lặp đi lặp lại khi người ta chỉ làm công việc vì tiền.
Khi bạn làm một công việc vì tiền, bạn chỉ mong đến cuối tháng để lãnh lương, còn khi bạn làm việc vì đam mê, bạn sẽ muốn ngày tháng đó kéo dài mãi để bạn làm được nhiều hơn.
Thưa anh, nhưng khi người ta không làm việc vì đam mê mà vì mục tiêu thì sao? Họ cần phải có mục tiêu kiếm tiền, họ cần bao nhiêu tiền để đóng tiền nhà, tiền ăn uống, xăng xe, và chưa kể một vài người phải trích lương mỗi tháng để gửi về gia đình. Lúc đó, họ không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục công việc để có đồng lương đủ trang trải những vấn đề trong cuộc sống.
Ai cũng có vấn đề của mình, không ai là không có, và cũng không ai là không có đam mê cả. Theo thời gian, trách nhiệm của chúng ta chỉ có tăng lên chứ không bao giờ giảm đi. Cho nên lúc bạn còn trẻ là lúc bạn mạnh nhất. Cho nên các bạn nhìn nhận rằng phải đi làm kiếm tiền để duy trì cuộc sống thì chỉ đưa bạn về guồng quay cũ, nhận thức cũ và con đường cũ.
Tức là anh đang khuyên các bạn trẻ rũ bỏ trách nhiệm để sống theo đam mê?
Tôi không chấp nhận bất cứ lý do nào vì kiếm tiền mưu sinh mà phải bỏ qua đam mê cá nhân. Ai dám nói đam mê không tạo ra tiền? Thậm chí tôi được biết, ngay cả sở thích mặc quần áo cũng giúp người ta kiếm được tiền. Người ta kinh doanh dịch vụ mặc quần áo rồi đi check-in tại các địa điểm nổi tiếng thế giới và chiêu quảng cáo "độc" đó đã giúp chủ nhân của nó kiếm được rất nhiều tiền.