07:21 | 06/08/2016

Alice through the looking glass: Hành trình đầy thú vị của các nhân vật Disney

Tapchisaoviet - Đó là hành trình phiêu lưu hoàn toàn mới của các nhân vật từng được khắc họa trong những câu chuyện của tác giả Lewis Carroll – những nhân vật mà bao nhiêu thế hệ độc giả trên khắp thế giới đều đã trở nên quen thuộc.

Chuyện phim xoay quay việc Alice Kingsleigh (Mia Wasikowska) sẽ một lần nữa phải quay trở lại xứ sở thần tiên Underland để có thể giải cứu cho người bạn cũ Mad Hatter (Johnny Depp) sau nhiều năm thực hiện ước mơ nối nghiệp cha mình và chu du trên biển. Alice through the looking glass được thực hiện dưới sự chỉ đạo của đạo diễn James Bobin dựa trên kịch bản do tác giả Linda Woodverton chắp bút. Phim do Joe Roth, Suzanne Todd, Jennifer Todd và Tim Burton sản xuất. John G. Scotti giữ vai trò điều hành sản xuất của phim.

Alice through the looking glass đánh dấu sự quay trở lại của dàn diễn viên từng góp mặt trong bom tấn điện ảnh mà đạo diễn Tim Burton đã cho ra mắt khán giả trong năm 2010: Johnny Depp, Anne Hathaway, Mia Wasikowska, Matt Lucas, Helena Bonham Carter cùng các gương mặt mới như Rhys Ifans và Sacha Baron Cohen. Alan Rickman, Stephen Fry, Michael Sheen, Timothy Spall, Barbara Windsor và Paul Whitehouse cũng sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò diễn viên lồng tiếng trong bộ phim này.

QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT

Sau khi được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1865, cuốn truyện “Alice’s Adventures in Wonderland” của Lewis Carroll đã chiếm được tình cảm của vô số độc giả tới từ khắp nơi trên giới. Lấy bối cảnh là một thế giới ảo diệu với những nhân vật kỳ lạ, câu chuyện đã mang lại cơ hội cho các bạn nhỏ được thả mình trong trí tưởng tượng với những cuộc phiêu lưu kỳ thú của cô bé Alice cùng các bạn nhỏ của mình trong xứ sở Wonderland rực rỡ sắc màu. Cuốn “Alice Through the Looking-Glass and What Alice Found There” được phát hành 6 năm sau đó đã góp phần khẳng định tài năng cũng như danh tiếng của tác giả Carroll và giúp ông trở thành một trong số những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học Thế giới.

Sau thành công của phiên bản hoạt hình “Alice in Wonderland” mà Disney giới thiệu với khán giả vào năm 1951, trong năm 2010, đạo diễn tài hoa Tim Burton (“Edward Scissorhands”, “Beetlejuice”) cũng đã cho ra mắt khán giả siêu phẩm điện ảnh “Alice in Wonderland”. Kết hợp live-action, đồ hoạ CGI, công nghệ motion-capture và 3D, ngoài doanh thu ấn tượng, bộ phim còn được coi là “một hiện tượng văn hoá”. Những nhân vật sống động cùng các câu chuyện của họ trong thế giới kỳ ảo đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc và có sức tác động lớn đối với văn học, nghệ thuật, âm nhạc cũng như thời trang.

Trong suốt nhiều năm qua, các nhà sản xuất của “Alice in Wonderland” đã không ngừng nghĩ về việc thực hiện phần tiếp theo cho bộ phim ăn khách này, và ý định này chỉ thực sự được triển khai sau khi nhóm nhận được kịch bản của tác giả Linda Woolverton (“Beauty and the Beast”, “The Lion King”). Nhận xét về kịch bản này, nhà sản xuất Suzanne Todd cho biết: “Đó là một sự tiếp nối tuyệt vời của câu chuyện đã diễn ra trong “Alice in Wonderland” của đạo diễn Tim Burton. Linda đã viết ra một kịch bản vô cùng hấp dẫn, không chỉ kể cho khán giả về những sự kiện đã xảy ra với những người bạn đáng mến của chúng ta kể từ lần cuối cùng họ xuất hiện trên màn ảnh rộng, mà còn cả những  điều mà họ đã từng phải trải qua trong quá khứ. Chúng tôi đã hoàn toàn bị kịch bản của Linda chinh phục.”

Sau khi có được kịch bản hấp dẫn, đã đến lúc các nhà sản xuất phải tìm ra một nhà làm phim phù hợp để đảm nhận cương vị đạo diễn của bộ phim. Đây hoàn toàn không phải là một công việc dễ dàng vì Burton thực sự đã lập ra một chuẩn mực mới với tác phẩm mà ông thực hiện vào năm 2010. Và lựa chọn cuối cùng của họ chính là James Bobin. Lý giải về quyết định này, nhà sản xuất Jennifer Todd (“Must Love Dogs”, “Prime”) cho biết: “James đã từng chỉ đạo thực hiện “The Muppets” – một bộ phim do Disney sản xuất. Và anh ấy đang trong giai đoạn hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng của “Muppets Most Wanted” khi chúng tôi tìm tới. Sau khi lắng nghe James chia sẻ về những suy nghĩ, những nhận định cũng như những ý tưởng mà anh ấy muốn làm với bộ phim này, cùng với tài năng, óc hài hước sự đáng mến của James.

NHÂN VẬT & DIỄN VIÊN

Alice through the looking glass sẽ đón chào sự quay trở lại của dàn sao tên tuổi đã từng góp phần làm nên thành công cho “Alice in Wonderand” của đạo diễn Tim Burton vào năm 2010. Tiếp tục vào vai Hatter Tarrant Hightopp, còn được gọi là Mad Hatter, nam diễn viên Johnny Depp cho biết: “Thật tuyệt khi lại có được cơ hội để hoá thân vào một nhân vật mà mình vô cùng yêu thích.”

Sau khi quay trở lại xứ Underland, Alice nhận ra người bạn của mình đang chìm trong tuyệt vọng và những gì đã xảy ra với gia đình của Mad Hatter khiến anh rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn. Đạo diễn James Bobin giải thích: “Nhà Hatter đang phải trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn. Chúng ta biết rằng anh ấy đã trở nên điên loạn do hậu quả của việc tiếp xúc với thuỷ ngân quá nhiều trong suốt quá trình làm mũ, nhưng trong câu chuyện này, khán giả sẽ hiểu được thực sự thì điều gì đã xảy ra với gia đình họ. Johnny sẽ phải vào vai một nhân vật dù đã trưởng thành, nhạy cảm nhưng vẫn có những hành động ngớ ngẩn, và đó là một công việc vô cùng khó khăn. Nhưng anh ấy đã hoàn thành vai diễn của mình thực sự xuất sắc.”

Anne Hathaway (“Les Miserables”, “The Devil Wears Prada”) sẽ tiếp tục quay trở lại với vai Mirana – Nữ hoàng Trắng xinh đẹp, tốt bụng và dịu dàng – em gái của Nữ hoàng đỏ trong lòng chất chứa hận thù. “Điều khiến tôi cảm thấy hứng thú nhất được khai thác ở nhân vật của mình trong bộ phim này chính là cô ấy không phải là một người hoàn hảo. Người xem sẽ được biết tới một bí mật khủng khiếp mà Mirana đã cất giữ bao lâu nay, và nó liên quan trực tiếp tới những gì đã xảy ra giữa cô ấy và chị của mình khoảng một năm về trước.”

Mia Wasikowska một lần nữa lại vào vai Alice Kingsleigh – nhân vật đứng ở vị trí trung tâm của câu chuyện, một thiếu nữ trẻ tuổi mơ mộng sống ờ London dưới thời Nữ hoàng Victoria. Khi còn nhỏ, Alice đã từng ghé thăm xứ sở Wonderland kỳ diệu, và giờ đây, khi bước sang độ tuổi trường thành, nàng đang phải đánh vật để có thể cân bằng được tính tò mò cố hữu với những kỳ vọng mà mọi người đặt ra cho mình. “Khá rụt rè trong các mối quan hệ xã hội và cảm thấy không hề thoải mái với lớp vỏ bọc bên ngoài của mình, nhưng Alice là người có chính kiến và cách suy nghĩ của riêng mình. Giờ đây cô ấy đã trở nên tự tin hơn với các quyết định của mình và quyết tâm sẽ trở thành một người phụ nữ hiện đại. Tôi cho rằng rất nhiều khán giả sẽ cảm thấy đồng cảm với Alice.” Wasikowska nhận xét.

Nữ diễn viên này tiếp tục chia sẻ: “Bộ phim “Alice in Wonderland” là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ đối với tôi. Tính tới thời điểm hiện tại, đó vẫn là bộ phim đáng chú ý nhất mà tôi từng được tham gia trong sự nghiệp của mình. Và thật hào hứng khi biết rằng khán giả đang nóng lòng được biết phần tiếp theo của câu chuyện này. Tôi không bao giờ có thể nghĩ điều đó sẽ trở thành hiện thực. Và cảm giác được tái hợp với tất cả các bạn diễn của mình mới tuyệt vời làm sao!”

Iracebeth, Nữ hoàng Đỏ nóng tính và hay cáu giận – người từng có thời trị vì xứ sở Underland – vẫn sẽ do nữ diễn viên Helena Bonham Carter thủ vai. Miêu tả về nhân vật của mình, Bonham Carter nói: “Iracebeth đã bị giáng chức bởi chính em gái của mình là Mirana ở phần cuối của tập phim trước. Giờ đây, khi không còn là Nữ hoàng nữa, cô ấy đã bị đày tới vùng đất Outlands xa xôi, và việc không thể kiểm soát được sự nóng giận của bản thân vẫn là vấn đề lớn nhất mà nhân vật này gặp phải.” “Nữ hoàng Đỏ vốn là một nhân vật mà trong lòng chất chứa sự hận thù và lòng đố kỵ, nhưng Helena đã nhập vai một cách thật hài hước, và đó chính là điều mà tôi vô cùng thích thú.”

Matt Lucas (“Paddington”) sẽ tiếp tục thổi hồn cho Tweedledee và Tweddledum – hai anh em sinh đôi tính tình trẻ con ít kinh nghiệm và đôi lúc thật khó hiểu. Để chuẩn bị cho vai diễn của mình, Matt đã phải dành hầu hết thời gian đứng trên trường quay, mặc một bộ đồ màu xanh trùm kín người chỉ để lộ mỗi khuôn mặt và đóng cùng với một nam diễn viên khác cũng mặc một bộ đồ tương tự để vào vai một trong hai nhân vật này. Các biểu cảm trên gương mặt cũng như những hành động của Matt sẽ được ghi lại và sau đó được xử lý bằng công nghệ đồ hoạ máy tính trong quá trình xử lý hậu kỳ.

Rhys Ifans (“The Amazing Spider-Man”) sẽ góp mặt trong thành phần dàn diễn viên với vai Zanik Hightopp, cha của Hatter. Khác với cậu con trai của mình, Zanik vốn có tính cách thận trọng và dè dặt hơn nhiều. “Đó là một người cha với lối suy nghĩ truyền thống và tình cách có phần bảo thủ. Nhưng ông ấy yêu con trai của mình và luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho cậu ấy.” Rhys nhận xét về nhân vật mà mình thủ vai.

Sacha Baron Cohen (“Borat”, “Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street”) là lựa chọn của nhà sản xuất để vào vai Time – một sinh vật kỳ dị nửa người nửa đồng hồ với khả năng điều khiển thời gian. Đây cũng chính là nhân vật phản diện chính trong câu chuyện này, giống như những gì mà Nữ hoàng Trắng Mirana đã từng cảnh báo Alice: “Time không phải là người mà cô muốn đối đầu đâu.”

“Sacha rất giỏi trong việc hoá thân vào những nhân vật mà luôn có thái đội ngạo mạn, tự tin thái quá về những việc mình làm mà không nhận ra rằng bản thân mình cũng có đầy rẫy những điểm yếu và các sai lầm.” Đạo diễn Bobin nhận xét.

Alan Rickman (loạt phim “Harry Potter”) sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò lồng tiếng cho Sâu bướm Absolem, sinh vật có đôi chút tự mãn và luôn coi mình là kẻ biết tuốt mà khán giả đã từng biết tới thông qua “Alice in Wonderland”. Tuy nam diễn viên này đã qua đời trong giai đoạn bộ phim vẫn chưa hoàn tất nhưng phần thu âm của ông đã được hoàn thành từ trước đó. Nhận xét về diễn viên kỳ cựu này, đạo diễn Bobin cho biết: “Alan là một huyền thoại của làng điện ảnh. Được làm việc với ông ấy thực sự là một niềm vinh dự lớn đối với đoàn làm phim chúng tôi. Alan sở hữu một chất giọng rất đặc trưng, và hoàn hảo để vào vai Sâu bướm Absolem.”

Ngoài ra, trong Alice through the looking glass còn có sự tham gia góp giọng của Stephen Fry (“The Hobbit: The Desolation of Smaug”) trong vai Mèo Chessur với điệu cười nham nhở và hành tung thoắt ẩn thoắt hiện, Michael Sheen (“The Twilight Saga: Breaking Dawn—Part 2”) trong vai Thỏ trắng McTwisp, Timothy Spall (“Mr. Turner”) trong vai Bayard Bayard – chú chó thuộc dòng bloodhound từng có thời là cận vệ trung thành của Nữ hoàng Đỏ nhưng giờ đã trở thành một trở thủ đắc lực của Alice cùng các bạn của cô…

THIẾT KẾ SẢN XUẤT

Quá trình sản xuất Alice through the looking glass được chính thức bắt đầu vào mùa thu 2014, đánh dấu sự tái hợp của những nhà làm phim đã từng góp sức thực hiện “Alice in Wonderland” vào năm 2010, trong đó bao gồm Thiết kế phục trang từng 3 lần giành giải thưởng Oscar Colleen Atwood, chuyên gia xử lý kỹ xảo hình ảnh từng nhận giải thưởng Oscar Ken Ralston và nhà soạn nhạc từng 4 lần nhận đề cử Oscar và là chủ nhân của giải thưởng Grammy Danny Elfman.

Một số gương mặt mới góp mặt trong thành phần đoàn làm phim gồm có Quay phim từng nhận đề cử Oscar Stuart Dryburgh (“Bridget Jones’ Diary”, “Analyze This”), Thiết kế sản xuất từng giành giải thưởng Oscar Dan Hennah, Biên tập viên từng nhận đề cử Oscar Andrew Weisblum (“Noah”, “Black Swan”), Giám sát hiệu ứng hình ảnh Jay Redd (“Men in Black 3”, “Monster House”), Chuyên gia hoá trang-làm tóc từng nhận giải thưởng Oscar Peter Swords King.

Những cảnh quay diễn ra ở nước Anh dưới thời Nữ hoàng Victoria trị vì vào những năm 1860 đã được ghi hình tại các địa danh ở London cùng các vùng nông thôn phụ cận. Còn các phân cảnh diễn ra tại xứ sở Underland lại được thực hiện tại những cảnh dựng hoặc trên phông xanh để nhóm thiết kế và biên tập hình ảnh có thể dễ dàng xử lý bằng công nghệ kỹ thuật số trong giai đoạn xử lý hậu kỳ.

“Dĩ nhiên là phim vẫn nhờ tới sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ đồ hoạ CG, nhưng tôi vẫn rất thích ý tưởng để các diễn viên của mình nhập vai trên những cảnh dựng được thực hiện riêng cho mỗi cảnh quay, vì điều đó hỗ trợ rất hiệu quả cho họ trong quá trình diễn xuất.” Đạo diễn Bobin cho biết.

Và Thiết kế sản xuất Dan Hennah, người mà tên tuổi gắn liền với thành công của các phim “King Kong”, “The Lord of the Rings: The Return of the King” cũng như “The Hobbit: The Desolation of Smaug” là lựa chọn của các nhà sản xuất để phụ trách cho phần hình ảnh của bộ phim này.

Với nhiệm vụ phải lên ý tưởng xây dựng hai thế giới riêng biệt – một thế giới thuộc về thời kỳ lịch sử đã qua trong quá khứ và một thế giới chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, nơi mà tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra – Hennah đã lấy cảm hứng từ chính những bức hoạ đen trắng mà hoạ sỹ tài ba John Tenniel đã vẽ minh hoạ cho cuốn truyện gốc của tác giả Carroll. “Đó là những tư liệu thực sự quý giá. Những bức vẽ đó đã giúp chúng tôi dễ dàng đưa ra các lựa chọn về màu sắc tổng thể cho bộ phim này. Và đó là nền tảng để chúng tôi tiếp tục phát triển các ý tưởng và bổ sung các chi tiết cụ thể cho hình ảnh của ALICE THROUGH THE LOOKING GLASS.” Ông hồi tưởng. 

Hennah đã bắt đầu công việc của mình với việc lên ý tưởng sơ bộ cho từng cảnh dựng cụ thể cho bộ phim. Dựa vào đó, nhóm thực hiện sẽ phát triển thành những bản vẽ khổ lớn hơn trước khi tiến hành dựng các mô hình 3D cho các bối cảnh này. Tổng cộng số lượng bức vẽ đã lên tới con số 722.

Bộ phận quay phim đã dành tới 3 tuần để ghi hình cho các cảnh quay diễn ra tại hiện trường. Trong đó, trong tuần đầu tiên, nhóm đã tiến hành quay phim tại Syon House – một ngôi nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ điển nằm ở Brentford thuộc ngoại ô của London. Những dãy hành lang dài, phòng ăn lớn và khu vực đón khách sang trọng đã giúp Syon House thực sự trở thành một địa điểm lý tưởng để thực hiện những cảnh quay diễn ra phía bên trong của lâu đài Ascot.

Tuy nhiên, phần ngoại cảnh của lâu đài này lại được thực hiện tại Ditchley Manor ở Oxfordshire. Lâu đài lịch sử được xây dựng vào năm 1722 này đã từng vinh dự được đón tiếp rất nhiều chính trị gia nổi tiếng, trong đó có cả Thủ tướng Anh Winston Churchill. Trong khi đó, ngoại cảnh ngôi nhà thời thơ ấu của Alice đã được ghi hình tại phố Fournier nằm ở phía Đông London. Tất cả những ngôi nhà nằm trên con phố này đều được xây dựng vào thời kỳ những năm 1720 và mang nét đặc trưng của phong cách kiến trúc George.

Cảng Gloucester Docks ở Gloucestershire là nơi mà đoàn làm phim đã lựa chọn để thực hiện cảnh quay khi Alice trở về trên con thuyền “The Wonder” của mình sau chuyến phiêu du trên biển. “The Earl of Pembroke”, một con tàu neo ở cảng này đã được sử dụng để ghi hình cho những cảnh quay ngoại cảnh cho con tàu “The Wonder” của Alice. “Đây là một trong số những cảnh quay tốn kém nhất của bộ phim, nhưng những hình ảnh tuyệt vời xuất hiện trên màn ảnh rộng là một phần thưởng xứng đáng đối với nhóm thực hiện.”

Sau 3 tuần quay phim tại hiện trường, nhóm thực hiện đã chuyển tới phim trường Shepperton Studios nằm ở ngoại ô London và tiến hành ghi hình tại 12 cảnh dựng được thực hiện tại 7 sân khấu chính ở đây.

Cảnh dựng lớn nhất của phim được dựng ở Shepperton chính là thị trấn Witzend tại sân khấu H. Với kích thước lên tới 73m x 30m, phải mất tới 16 tuần để nhóm thực hiện có thể hoàn thành cảnh dựng này. Có tất cả 13 công trình được dựng ở đây, trong đó bao gồm cừa hiệu bán mũ của gia đình Hightopp, cửa hàng bán đồng hồ, tiệm bán kẹo, một vài ngôi nhà và một toà lâu đài cổ kính. Ngôi nhà của gia đình Hatter được dựng tại sân khấu S. Ngôi nhà này cao 2 tầng và có hình dáng của một chiếc nón.

Bên cạnh đó, các cảnh dựng quan trọng khác cũng đã được thực hiện cho bộ phim này gồm có: thị trấn Witzend, những tàn tích của Lâu đài Marmoreal Castle, ngôi nhà của gia đình Hatter, phòng riêng của Iracebeth tại lâu đài ở Outlands, phòng khách trong toà lâu đài của Time, khu bếp, phòng công chúa và khu vực đại sảnh của Lâu đài Witzend…

PHỤC TRANG

Colleen Atwood, nhà thiết kế từng giành giải Oscar và BAFTA với phần phục trang trong “Alice in Wonderland” đã tỏ ra rất phần khích với việc tiếp tục được quay trở lại xứ sở diệu kỳ cùng những thần dân kỳ lạ ở đó. 

Để chuẩn bị cho bộ phim này, Atwood đã nghiên cứu những phong cách thiết kế của Nhật Bản ở những thập niên 80 và các hình khối, kết cấu và hoạ tiết của trang phục phổ biến của thời kỳ này. “Tôi tìm được rất nhiều cảm hứng ở đó. Và tôi nóng lòng muốn biết mình có thể làm được những gì với những tư liệu có được.” Nhà thiết kế này hào hứng chia sẻ.

Với một số nhân vật, nhà thiết kế mà tên tuổi gắn liền với các phim nổi tiếng như “Memoirs of a Geisha”, “Chicago” và “Into the Woods” này đã quyết định sẽ dựa trên chính những mẫu thiết kế mà mình từng sử dụng trong “Alice in Wonderland”, kết hợp vào đó những chi tiết để bổ sung hay chỉnh sửa, giúp các nhân vật xuất hiện trên màn ảnh rộng trông vừa lạ lại vừa thân quen với khán giả. Nhưng với trang phục của Alice, bà đã có những thay đổi đáng kể.

 Với nhận định rằng giờ đây Alice đã trở thành một thiếu nữ độc lập với góc nhìn độc đáo về thế giới theo cách của riêng mình, Atwood quyết định sẽ không để Alice xuất hiện trong chiếc váy yếm màu xanh đáng yêu và mái tóc mượt mà – một hình ảnh đã trở nên uá quen thuộc với đông đảo độc giả của bộ truyên cũng như những khán giả của “Alice in Wonderland”. Nhà thiết kế này cho biết: “Ở phần đầu của câu chuyện này, Alice sẽ mặc một chiếc áo khoác cao cổ màu xanh nước biển và ve áo màu vàng, giống như trang phục mà các thuyền trưởng vẫn mặc. Lúc Alice chuẩn bị ra biển, cô ấy sẽ mặc một chiếc áo bằng vải lanh trắng với đường viền màu xanh theo phong cách của một người lính. Nhưng tuyệt vời nhất là khi nhân vật này lựa chọn chiếc áo màu hoa oải hương và một chiếc quần pajama mà cô ấy đã mang về từ chuyến đi của mình. Đó là một trong số những bộ trang phục bắt mắt nhất mà nữ diễn viên Wasikowska đã từng khoác lên người trong suốt quá trình nhập vai của mình.”

Với hơn 1000 diễn viên phụ góp mặt trong phim, chủ yếu là vào vai khách tới dự tiệc, các cư dân của London, những người dân của làng Witzend và những công nhân của xưởng đóng tàu, Colleen cũng thiết kế ra những bộ trang phục tỉ mỉ và ấn tượng không kém, đúng như những gì mà nhà sản xuất Suzanne Todd đã nhận xét: “Colleen đã quan sát từng diễn viên và cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn trang phục cho từng người trong số họ. Cô ấy luôn có những chuẩn bị vô cùng cẩn thận cho mỗi cảnh quay.”

KỸ XẢO

Sau khi quá trình ghi hình chính thức được hoàn tất, Ken Ralston (“Men in Black”, “Forrest Gump”) – chuyên gia giám sát hiệu ứng hình ảnh của phim là người chịu trách nhiệm xử lý các công đoạn còn lại để có được các hình ảnh hoàn thiện cho ALICE THROUGH THE LOOKING GLASS. Chuyên gia từng nhận đề cử Oscar đồng thời cũng là một trong số những nhà sáng lập của Industrial Light & Magic cho biết: “Tôi đã có mặt trên trường quay trong suốt những ngày đoàn làm phim tiến hành công việc ở London để có thể tìm ra những cách thức hiệu quả nhất để giải quyết công việc của mình sau này.”

Nếu như toàn bộ phần hình ảnh trong phim của Burton đều được thực hiện trên phông xanh và xử lý bằng công nghệ số trong quá trình xử lý hậu kỳ, thì phần lớn các cảnh quay của Alice through the looking glass lại được thực hiện tại hiện trường hoặc trên các cảnh dựng, chỉ một số cảnh là được dàn dựng trên phông xanh với sự xuất hiện của những nhân vật được tạo ra hoàn toàn từ đồ hoạ máy tính.

Một số cảnh quay được Hennah và nhóm của mình thực hiện trên phông xanh bao gồm: Lâu đài của Time, ngoại cảnh Lâu đài của Iracebeth… Sau khi quá trình ghi hình trên phông xanh kết thúc, Ralston và nhóm của mình đã bắt tay vào việc bổ sung những hiệu ứng đặc biệt để hoàn tất các cảnh quay. Đồng thời, nhóm cũng đã thiết kế và tạo ra các sinh vật kỳ lạ sống ở xứ sở Underland như Thỏ March Hare, Mèo Cheshire và Thỏ trắng… cũng như những nhân vật mới xuất hiện, cư ngụ trong lâu đài của Time như Wilkin, Hour, Minute và Second… Tất cả đều là sản phẩm của công nghệ đồ hoạ máy tính.

Những công đoạn cuối cùng của quá trình ghi hình đã diễn ra trong suốt nhiều đêm liền tại trường quay Longcross Studios ở London. Tại đây, nhóm thực hiện đã dựng lên mô hình của con tàu “The Wonder” theo đúng đúng kích thước chuẩn của con tàu mà Alice sở hữu. Mô hình này được đặt trên một hệ thống khớp vạn năng có thể điều chỉnh nghiêng 45 độ theo các hướng khác nhau. Tổng trọng lượng của con tàu và thiết bị này lên tới 62 tấn.

Các nhà sản xuất của Alice through the looking glass thực sự quan tâm tới những vấn đề về môi trường. Sau khi kết thúc quá trình ghi hình chính thức, lượng gỗ không dùng tới đã được nhóm tặng lại cho một trường học ở địa phương và số vải còn thừa cũng đã được quyên góp cho tổ chức hoạt động vì môi trường có tên TRAID (Textile Recycling for Aid and International Development). Bên cạnh đó, ga trải giường và khăn tắm được mang từ Mỹ sang để phục vụ cho đoàn làm phim cũng đã được đem ủng hộ cho các hội từ thiện dành cho người vô gia cư. Và hơn 20 tấn thức ăn thừa cũng đã được ủ làm phân bón cho cây trồng.

ÂM NHẠC

Nhạc sỹ Danny Elfman, người từng phụ trách âm nhạc cho các siêu phẩm đình đám như “Avengers: Age of Ultron”, “Alice in Wonderland” và 15 phim khác do Tim Burton làm đạo diễn, đã tiếp tục thể hiện được tài năng của mình thông qua phần nhạc phim của Alice through the looking glass.

Bên cạnh việc sử dụng lại những giai điệu đã từng xuất hiện trong bộ phim của năm 2010, Elfman đã sáng tác thêm 2 ca khúc mới để góp phần khắc hoạ được sự trưởng thành của nhân vật Alice bằng âm nhạc. Nhạc sỹ tài hoa này nhận xét: “giờ đây Alice đã lớn hơn, trưởng thành hơn và mạnh mẽ hơn. Vì thế các giai điệu cũng sẽ giàu cảm xúc và ấn tượng hơn, giúp thể hiện quyết tâm cao độ của Alice trong hành trình giải cứu cho người bạn cũ của mình là Hatter.”

Ngoài ra, trong phim cũng có sử dụng ca khúc “Just Like Fire” do P!nk – ca sỹ/nhạc sỹ từng nhận giải thưởng Grammy trình bày. Ca khúc do P!nk, Max Martin, Shellback và Oscar Holter sáng tác này đã được đưa vào trong album Những ca khúc nhạc phim do Walt Disney Records phát hành. P!nk cũng đã thực hiện một video ca nhạc ngắn cho bản cover của ca khúc “White Rabbit” để phục vụ cho chiến dịch quảng bá của bộ phim.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...