Tintuc - Sau khi tung teaser trailer và poster, ngày 20/8, phim điện ảnh Cám chính thức công bố tập phim hậu trường (BTS) kể về quá trình thực hiện phục trang của phim. Cám là bộ phim hư cấu lấy bối cảnh làng quê thời phong kiến.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn nhấn mạnh tiêu chí: Hay dở tính sau, phục trang phải đúng trước
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Bộ phim là dị bản kinh dị từ truyện Tấm Cám, thế nên chúng tôi phải làm sao để phần phục trang gần với hình dung của mọi người về câu chuyện này, nhưng đồng thời cũng phải mới lạ và sáng tạo. Những bộ trang phục trong phim lấy cảm hứng từ phục trang ở giai đoạn cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn”. Phần phục trang của phim do chuyên gia phục trang Nabongchua thực hiện, với thiết kế của họa sĩ Duy Văn và tư vấn từ nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam (Ấm Chè).
Trang phục các nhân vật trong phim
Ở góc độ tổ chức sản xuất, nhà sản xuất Hoàng Quân tiết lộ thách thức lớn với phim mới là số lượng diễn viên quần chúng đông đảo, có những đại cảnh đến 200-300 người. Chính vì thế, nhu cầu cho phần phục trang cũng cao hơn dự án trước là Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn. “Phim Cám có nhiều nhân vật, từ người dân quê đơn sơ đến những người giàu có hơn như gia đình lý trưởng; rồi cả Thái tử, Thái tử phi, các quan, thái giám, cung nữ, cận vệ, thị vệ… Chính vì thế, độ đa dạng trong trang phục là rất lớn”.
Bàn sâu hơn về quá trình làm phục trang, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Quá trình làm phục trang gồm ba bước. Đầu tiên, tôi và họa sĩ Duy Văn tạo ra bản phác thảo từ những nghiên cứu và ảnh tham khảo cổ phục. Sau đó, hình ảnh phác thảo đó sẽ được đưa qua nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam để có những nhận xét, góp ý. Cuối cùng, trang phục sẽ được đưa qua anh Nabongchua (Giám đốc phục trang của phim) để thực hiện”. Yếu tố màu sắc cũng được đạo diễn tính toán sao cho phù hợp khi lên hình với máy quay, ánh sáng, cũng như phản ánh tính cách của nhân vật.
Lần thứ hai hợp tác cùng đạo diễn Trần Hữu Tấn sau Tết Ở Làng Địa Ngục – Kẻ Ăn Hồn, nhà nghiên cứu Phan Thanh Nam chia sẻ: “Nói về truyện Tấm Cám, người ta chưa xác định rõ được niên đại của nó. Khi thực hiện phim Cám, tôi cũng lưu tâm cố ý lựa chọn những chất liệu văn hóa đậm nét Việt Nam. Chúng tôi khai thác phục trang, đạo cụ, cũng như những nét văn hóa đặc sắc mang tính chất bản địa của Việt Nam”.
Hành trình sáng tạo toàn bộ phục trang từ khảo cứu sử liệu
Trong phim, toàn bộ trang phục trong dự án được nhận dạng là trang phục trong dòng văn hóa dân gian Việt Nam xưa như áo Tứ thân, Ngũ thân, Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm… Không chỉ dừng lại ở kiểu dáng của cổ phục, tổ phục trang còn chú ý vào các chi tiết như cách mặc sao cho đúng; như cách đắp vạt áo theo cách của người Việt, các chất liệu, màu sắc phù hợp từng giai cấp cụ thể và tiệm cận với thời kỳ mà bộ phim lựa chọn, các phụ kiện hài, guốc hay việc các tầng lớp nào thì phải mang chân không trong phim.
Một số cảnh trong phim cần những bộ trang phục đặc biệt, ví dụ như phân đoạn Thái tử rước Tấm về cung. Nhà sản xuất chia sẻ: “Ở cảnh này, trang phục của Thái tử và Tấm phải thể hiện được không khí trang trọng của buổi lễ cũng như địa vị hoàng tộc. Đây là hai bộ trang phục khiến chúng tôi tốn nhiều thời gian và công sức để thực hiện nhất, vì độ công phu và chi tiết của nó từ những thứ nhỏ nhất như họa tiết thêu trên áo vừa phải mang dấu ấn nhân vật, nhưng cũng phải đáp ứng các tiêu chí về địa vị người mặc”.
Bộ trang phục Thái tử phi mà Rima Thanh Vy khoác lên lấy cảm hứng từ bộ trang phục của một vị Hoàng hậu thời Lê Trung Hưng, với tổng quan kín đáo cùng nhiều lớp áo, bên trong là áo Giao lĩnh, khoác ngoài Đối khâm, trên vai là Vân kiên và phần dưới là Tế tất với Thường. Ngoài ra, trang sức của nàng Tấm gồm nhiều trâm cài và kim hoa chạm khắc công phu bằng vàng, khăn Nhiễu với Ngọc bội tượng trưng cho sự uy quyền của phụ nữ quý tộc xưa.
Trang phục của Tấm (Rima Thanh Vy) khi trở thành Thái tử phi cạnh Thái tử (Hải Nam)
Bên cạnh đó, bộ trang phục Lý trưởng của Hai Hoàng (Quốc Cường) được lấy cảm hứng từ hình ảnh được lưu lại trong sử liệu về một hương lão thời Nguyễn, với các chi tiết nón, chiếc gậy, đôi dép cùng thời kỳ. Ngoài ra, các trang phục khác trong phim còn được lấy cảm hứng từ cách phối màu đặc trưng trong một số tranh dân gian tiêu biểu như tranh Đông Hồ, tranh Làng Sình của người Việt.
Một số phụ kiện trong phim:
Cám là dự án điện ảnh được thực hiện bởi ê-kíp Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, từ đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân. CÁM là dị bản kinh dị đẫm máu từ câu truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám, dự kiến khởi chiếu ngày 27.9.