Tintuc - Giản lược tối đa các đoạn hội thoại, “Tiếng Yêu Không Lời” gây ấn tượng mạnh khi đưa người xem khám phá tâm trạng hai nhân vật chính qua những khung hình đậm chất điện ảnh, ngôn ngữ hình thể kết hợp cùng với thanh âm sâu lắng, nhẹ nhàng từ chiếc dương cầm.
Giản lược tối đa các đoạn hội thoại, “Tiếng Yêu Không Lời” gây ấn tượng mạnh khi đưa người xem khám phá tâm trạng hai nhân vật chính qua những khung hình đậm chất điện ảnh, ngôn ngữ hình thể kết hợp cùng với thanh âm sâu lắng, nhẹ nhàng từ chiếc dương cầm.
Poster phim “Tiếng Yêu Không Lời.”
Dù là chủ đề đã được môn nghệ thuật thứ bảy khai thác dưới vô vàn lăng kính khác nhau, tình yêu trong mỗi bộ phim lãng mạn, tình cảm vẫn đem lại những gam màu khác biệt, chẳng hề trùng lắp. Trình làng khán giả Việt Nam đúng dịp lễ tình nhân trắng (White Valentine) đang đến rất gần, Tiếng Yêu Không Lời (Silent Love) gây chú ý bởi sự tham gia của “phù thủy âm nhạc” Joe Hisaishi, cũng như dàn sao trẻ đẹp, thực lực.
Trailer “Tiếng Yêu Không Lời”:
Do đạo diễn Eiji Uchida cầm trịch, tác phẩm xoay quanh chàng trai câm tên Aoi (Ryosuke Yamada). Làm nhân viên tạp vụ tại Nhạc viện, anh tình cờ phát hiện và kịp thời ngăn cản Mika (Minami Hamabe), nữ sinh viên bị mất đi thị lực sau một tai nạn giao thông, khỏi ý định tự tử. Mong muốn vực dậy tinh thần nơi cô gái trẻ, Aoi quyết định giúp Mika giữ lửa giấc mơ trở thành nghệ sĩ piano chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, biết bản thân không thể đánh dương cầm, chàng ta đành phải bỏ tiền “thuê” cậu giảng viên đang nợ như chúa chổm Yuma (Shuhei Nomura) kèm cặp cho Mika. Lúc Aoi nhận ra mình đã thích nàng ta thì cũng là lúc mọi rắc rối, thị phi bắt đầu ập tới.
Câu chuyện kể về tình yêu của đôi trẻ bị khiếm khuyết sau những biến cố bất ngờ.
Dẫu sở hữu nội dung khá quen thuộc, thế nhưng Tiếng Yêu Không Lời sớm khiến người xem thích thú nhờ lối tiếp cận, dẫn dắt câu chuyện độc đáo. Chẳng cần hô hào “tôi yêu em nhiều lắm” hay “tình yêu anh lớn cỡ này,” yếu tố lãng mạn và tâm trạng mỗi nhân vật trong phim đều được biểu đạt bằng những cái “chạm” cực kì tinh tế.
Đó là cảnh thiên nhiên vùng ngoại ô Nhật Bản yên bình, các góc máy đặc tả nam chính chăm chú ngắm nhìn Mika, gương mặt nữ sinh viên ấy rạng rỡ lúc chơi đàn piano đến loạt cử chỉ chăm sóc ngây ngô, vụng về mà Aoi dành cho đối phương.
Cái cách Aoi chủ động đi trước, dọn dẹp mọi chướng ngại vật vì sợ Mika vấp ngã; cái cách anh cẩn thận lau kỹ tay mình trước khi chạm vào bàn tay cô gái mù đã đủ để khán giả cảm nhận rõ tình cảm chân thành, không chút so đo toan tính nơi chàng trai câm.
Tác phẩm có lối dẫn chuyện độc đáo và tinh tế khi tiết chế tối đa lời thoại.
Trái ngược sự tĩnh lặng ở nam chính, những cung bậc cảm xúc của Mika lẫn Yuma được biểu lộ thông qua âm nhạc. Đơn cử, tiếng dương cầm lúc da diết, lúc mãnh liệt của Liebestraum No.3 (Love Dream – Franz Listz) như muốn nói thay tiếng lòng Mika về nỗi buồn hoài niệm quá khứ, bên cạnh khát khao theo đuổi con đường chơi nhạc. Trong khi đấy, tiết tấu dồn dập xuyên suốt Beethoven Virus (Banya) khắc họa một Yuma đang cố che đậy tâm trạng bi quan, chán chường bằng lớp vỏ bọc tự tin ngạo nghễ.
Ngoài các bài nhạc cổ điển (classical music) phù hợp bối cảnh Nhạc viện, những sáng tác do Joe Hisaishi chấp bút riêng cho Tiếng Yêu Không Lời cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Vẫn nhẹ nhàng và lãng đãng nhưng hoàn toàn khác biệt với “chất Ghibli” mà đại chúng thường biết đến, âm nhạc của Hisaishi sẽ là chất truyền tải, giúp mối tình giữa đôi trẻ dễ dàng khiến trái tim người xem thổn thức.
Âm nhạc trong phim giúp lột tả cảm xúc của các nhân vật chính.
Tuy phát triển theo mô-típ cổ tích giữa đời thường: chàng câm nghèo trót yêu nàng tiểu thư khiếm thị, Tiếng Yêu Không Lời chẳng hề tránh né hiện tại khắc nghiệt. Giống lời bình luận từ nhân vật phụ lúc chứng kiến hai người họ sánh bước bên nhau, nam chính sớm đặt chân đến thế giới nằm ngoài tầm với, vốn chỉ dành cho tầng lớp trí thức khá giả.
Bên cạnh áp lực về tài chính (kiếm tiền thuê Yuma), định kiến xã hội hay mặc cảm bản thân, việc Yuma chen ngang vào mối quan hệ giữa Aoi và Mika càng khiến mọi chuyện thêm phần phức tạp, bởi anh ta không chỉ chơi piano thuần thục mà còn thấu hiểu rất rõ niềm đam mê âm nhạc ở nữ sinh viên.
Chưa kể, nhờ khâu xây dựng nhân vật đa chiều, ai cũng có điểm đáng khen, đáng trách kết hợp cùng màn hóa thân thuyết phục của các diễn viên Ryosuke Yamada, Minami Hamabe và Shuhei Nomura đã giúp câu chuyện tam giác tay ba này trở nên cuốn hút, thậm chí khó đoán đến tận phút cuối.
Mỗi nhân vật đều có cho riêng mình góc khuất nội tâm cùng nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.
Nhìn chung, giữa một rừng phim chiếu rạp ngập tràn hội thoại, Tiếng Yêu Không Lời hiện là cái tên hiếm hoi đem lại trải nghiệm thưởng thức thú vị, đậm chất điện ảnh. Qua đứa con tinh thần lần này, đạo diễn Eiji Uchida gửi gắm niềm tin mạnh mẽ về tình yêu chân thành.
Trong thời đại xô bồ khiến con người ngày càng ích kỷ lẫn thực dụng hơn, ngoài kia hẳn vẫn sẽ có ai đó vì bạn mà không ngại vượt qua mọi khó khăn, sóng gió chỉ để được ở gần bên và “chạm” vào trái tim bạn.
Tiếng Yêu Không Lời (Silent Love) khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 08/03.