Tintuc - Trở lại với Tiếng Rao 4.0 tuần này là cụ Nguyễn Thị Tèo (87 tuổi) – huyền thoại kẹo ú cuối cùng ở Buôn Hồ.
Nếu tuổi thơ người miền Nam gắn liền với những cây kẹo kéo thì người dân miền Trung sinh ra vào những năm 60, 70 của thế kỷ 20 lại chẳng thể nào quên được hương vị kẹo ú. Kẹo ú hay còn gọi là kẹo củi, kẹo bột thường bị nhầm là kẹo kéo nhưng so với kẹo kéo thì kẹo ú có độ giòn nhiều hơn. Kẹo ú được làm từ đường nấu sôi, thắng cho keo lại rồi để nguội thành khối. Sau khi nguội, người bán bắt đầu cầm khối đường quất nhiều lần vào một cây cột gỗ lớn để tạo ra khối kẹo màu vàng nâu dẻo quánh. Khối kẹo sau đó sẽ được kéo dài và dùng kéo cắt thành từng cục nhỏ chừng một đốt ngón tay, lăn trong bột sắn cho khô để không dính lại với nhau. Những viên kẹo màu vàng phủ lớp bột trắng xóa là cả tuổi thơ của lũ trẻ con ngày xưa bởi thời điểm đó không có nhiều thức quà như bây giờ.
Vậy mà chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh những người bà, người cô cầm thúng đi bán kẹo ú dần ít đi và thế hệ trẻ con sau này chẳng còn mấy cơ hội để được thưởng thức những viên kẹo thơm ngon ấy nữa.
Nhưng may mắn thay, ở một thị xã nhỏ thuộc thủ phủ cà phê vẫn còn một người phụ nữ dành trọn tình yêu với món kẹo tuổi thơ này, đó là cụ Tèo. Cụ Tèo tên thật là Nguyễn Thị Tèo, năm nay 87 tuổi, hiện đang sinh sống ở thị xã Buôn Hồ tỉnh Daklak. Người dân Buôn Hồ không ai không biết đến cụ Tèo bởi cụ là người làm nên tuổi thơ của rất nhiều thế hệ tại đây với món kẹo ú huyền thoại. Gắn bó với thúng kẹo ú hơn nửa thế kỷ, cụ chưa từng nghĩ mình sẽ ngưng làm kẹo để sống an dưỡng tuổi già bên con cháu vì “Không có kẹo của bà thì lũ trẻ con buồn thiu. Có kẹo nó ăn nó mới vui đó”. Có người còn nói với bà: “Bà nội ơi, cái hồi con đi học lớp 1 rồi con lên 12, con ra trường con có vợ 2 trai 2 gái mà giờ con vẫn còn thấy bà làm” rồi bà cười vui vẻ. Bà vui vì khi con người ta lớn lên vẫn không quên đi những ký ức tuổi thơ tươi đẹp. Bà còn “khoe” thêm với Color Man:“Tự bà, bà làm cái cũng tự bà hết. Cái lương tâm bà làm cho sạch sẽ”, “Mà đứa mà không có tiền bà vẫn đưa cho ăn thôi. Không có hề chi đâu con”.
Đến thăm nhà cụ Tèo, Color Man bắt gặp hình ảnh cụ đang mải miết làm kẹo trong căn bếp tối om. Sau khi nấu sôi đường, để nguội thành khối, cụ bắt đầu vắt khối đường lên một cây cột gỗ lớn, đen bóng, đánh nhiều lần cho đến khi nó trở thành một khối kẹo màu vàng nâu. Rồi đôi bàn tay nhỏ bé, gầy guộc ấy tiếp tục lấy khối kẹo từ trên cây cột xuống, đổ đậu phộng vào giữa, cuộn lại, kéo dài và cắt thành từng viên nhỏ. Sẽ không ai tin được ở độ tuổi 87 cụ có thể làm hết mọi công đoạn như vậy nhưng nhờ vào lòng yêu nghề và tình yêu dành cho những đứa trẻ, cụ Tèo đã làm được.
Thời gian dường như ngưng lại bên mâm kẹo ú thơm ngọt được cụ gìn giữ suốt bao lâu. Được chứng kiến những hình ảnh chân thật như vậy ta mới nhìn thấu được cái tâm của người làm nghề, đặc biệt là người nghề thủ công như cụ Tèo. Color Man còn nói đây chính là một trong những thước phim đẹp nhất mà anh từng chiêm ngưỡng qua.
Cũng giống như những tập trước, Color Man sẽ giúp nhân vật chính bán hàng trong 1 tiếng đồng hồ. Ở thử thách lần này, anh tự “làm khó” mình với số lượng ước tính 800 bịch kẹo ú. Liệu với thời tiết mưa bão khó lường trong buổi ghi hình cộng với số lượng kẹo nhiều như vậy, Color Man có làm nên điều kỳ tích?
Đón xem tập 9 Tiếng Rao 4.0 sẽ được phát sóng vào lúc 20g25 Thứ 6 ngày 18/12 trên kênh HTV7. Tiếng Rao 4.0 – để tình yêu thương lan tỏa.