Đạo diễn Nguyễn Hải Anh lên tiếng về những hạt sạn trong phim cổ trang Việt đang “gây sốt”.
Đạo diễn Nguyễn Hải Anh lên tiếng về những hạt sạn trong phim cổ trang Việt đang “gây sốt”.
“Nghệ thuật không có hạng hai, một là vàng, hai là thau”
Sau trailer Mỹ nhân được công bố, nhiều “hạt sạn” từ trang phục đến chi tiết nội dung bộ phim cổ trang này lập tức được giới yêu điện ảnh “vạch vòi”. Trong số đó, gây chú ý nhất là chiếc áo một vị quan thời Trịnh – Nguyễn có in hình sư tử mà theo lời nhận xét của chuyên gia phục trang – đạo diễn Hải Anh – thì đó là hình ảnh Lion King.
Họa tiết hình con sư tử Lion King trên áo quan thời Trịnh- Nguyễn
Không giấu sự gay gắt khi chứng kiến hình ảnh “thú cưng” của hãng phim hoạt hình Walt Disney ngang nhiên “đậu” trên áo quan Trịnh, chủ nhân của loạt phim dài 24 tập ”Đi tìm trang phục Việt” – nữ đạo diễn Hải Anh – viết trên trang cá nhân: “Trình độ thấp đến nỗi để vị quan triều Trịnh – Nguyễn mặc áo thêu hình Lion King của Walt Disney thì thật không còn lời nào để nói. Vậy là công trình nghiên cứu lịch sử trang phục Việt phục vụ các bố làm phim lịch sử chẳng có nghĩa lý gì cả”.
Hình ảnh của Vua Sư Tử trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Disney
Liên hệ với đạo diễn Hải Anh, chị thẳng thắn chia sẻ: “Tôi giật mình khi xem bức ảnh chụp cận cảnh phim phía dưới trailer. Quả thật tôi bị sốc khi thấy hình con sư tử Lion King thêu trên bổ tử của một vị quan thời Trịnh – Nguyễn”.
Nữ đạo diễn cũng cho biết, trong quá trình 3 năm làm phim Đi tìm trang phuc Việt, tiếp cận nhiều nguồn tư liệu bằng hình khác nhau trong nước và cả ở nước ngoài, chị chưa bao giờ bắt gặp hình một con sư tử nguyên dạng “thô thiển” đến thế trong các phục trang của vua chúa quan lại xưa.
Áo gấm của một vị đại quan thế kỷ 17-18 dưới thời Trinh Nguyễn được khai quật trong một ngôi mộ cổ, giờ thuộc sở hữu của bảo tàng Hưng Yên.
“Hình ảnh chú sư tử này hoàn toàn là một tạo hình phương Tây xa lạ, rõ ràng, thô ráp, khỏe mạnh, độc lập chứ không phải của mỹ thuật cổ phương Đông. Mỹ thuật của người Việt luôn mềm mại, tinh tế, lãng mạn, thâm thúy, triết lý, phức hợp mà lại vô cùng bí ẩn đến mức quyến rũ” - nữ đạo diễn nhấn mạnh.
Lướt lại một lượt các trang phục vương triều thời Lê – Trịnh thế kỷ 17, chị Hải Anh khẳng định thời đó quần áo của quan lại chỉ có tạo hình hổ phù, hoa văn họa tiết rồng cách điệu… chứ không thấy bóng dáng con lân nào, nhưng trong Mỹ nhân, hình ảnh in trên chiếc áo ấy chắc chắn là… một chú sư tử.
Đạo diễn Nguyễn Hải Anh – người tâm huyết cùng sử Việt
Nữ đạo diễn cá tính cũng chia sẻ, việc khán giả phản ứng quyết liệt với Mỹ nhân một phần vì bộ phim này được thực hiện sau nhiều phim cổ trang khác, khi các nhà sản xuất đã có trong tay đầy đủ tư liệu về trang phục Việt cổ. Công trình nghiên cứu Đi tìm trang phục Việt do chị cất công thực hiện đã phát sóng rộng rãi trên đài Quốc gia, chưa kể bộ sách Ngàn năm áo mũ được tìm tòi rất công phu của tác giả Trần Quang Đức lúc nào cũng có sẵn… “Tại sao các nhà làm phim không chịu tham khảo nguồn tư liệu, hay họ đã quá quen với việc làm nhanh làm ẩu?”, chị Hải Anh đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, với tư cách là người làm phim tài liệu về sử Việt, đạo diễn Hải Anh cũng thông cảm cho những khó khăn mà đoàn phim Mỹ nhân phải đối mặt. Vấn đề đầu tiên là vì hầu hết lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến, tiếp đó thiên tai họa hại khiến tư liệu bằng hình hầu như không còn hoặc còn rải rác… khiến yêu cầu tái hiện một cách chuẩn mực luôn là một thách thức lớn với êkip làm phim lịch sử.
Những trang phục Việt cổ được phục dựng trong “Đi tìm trang phục Việt”
Ngoài ra, chi phí làm phim cũng là “bài toán khó” cho các nhà sản xuất vì thể loại phim này cần nhiều kinh phí hơn các thể loại khác. Đạo diễn Hải Anh chia sẻ về kinh nghiệm làm phim của bản thân: “Phim không có kinh phí, muốn làm phải tự đi tìm nhà tài trợ, tự tìm kinh phí. Công trình ‘Đi tìm trang phục Việt” là một ví dụ. Khi sắp hoàn thành phim thì hết kinh phí, và tôi phải tự bỏ tiền để hoàn thành nốt”.
Cuối cùng, đạo diễn Hải Anh khẳng định, chị vẫn luôn trân trọng và cảm phục những nhà làm phim lịch sử. Tuy nhiên: “Nghệ thuật không có hạng hai, một là vàng, hai là thau”.
“Phục trang của ‘Mỹ nhân’ hoàn toàn giống với lịch sử”
Trước ý kiến đánh giá sắc sảo của chuyên gia Hải Anh, đạo diễn Đinh Thái Thụy, người chịu trách nhiệm chính về bộ phim Mỹ nhân phản hồi chắc nịch: “Phục trang trong phim là do một chuyên gia phụ trách. Người này đã đảm bảo với tôi tất cả trang phục của diễn viên trong đoàn đều hoàn toàn giống với lịch sử”.
Xung quanh chi tiết vua sư tử trên áo nhân vật áo quan thời Trịnh – Nguyễn, đạo diễn họ Đinh từ chối bình luận mà chỉ nhắn nhủ: “Khi phim chính thức ra mắt, tôi sẽ lên tiếng cụ thể về những thắc mắc của khán giả và truyền thông”.
Trong khi đó, liên lạc với người phụ trách phục trang cho đoàn phim Mỹ nhân, phóng viên nhiều lần nhận được lời từ chối trả lời với lý do đang bận theo đoàn phim, không có thời gian tiếp chuyện.