07:59 | 31/03/2016

Hoàng Phúc - Lê Phương thay phiên làm khán giả phẩn nộ

Tapchisaoviet - Trong khi Lê Phương trong Trận Đồ Bát Quái khiến khán giả “khóc lên khóc xuống” thì nhân vật của Hoàng Phúc lại khiến người xem khá tức giận bởi sự cố chấp, ích kỷ.

Ý tưởng kịch bản cho bộ phim Trận Đồ Bát Quái được biên kịch Võ Uyên Dung “thai nghén” từ rất lâu, từ lúc hình thành ý tưởng cho đến lúc viết xong bộ phim khoảng ba năm. Võ Uyên Dung chia sẻ lúc chị xem “Bẫy Rồng” của đạo diễn Lê Thanh Sơn, chị bất ngờ trước thần thái của chàng trai Hắc Long (diễn viên Hoàng Phúc đóng). Chị nhớ khoảng thời gian trước, Hoàng Phúc thường đóng những phim với vai hiền lành là đại đa số nhưng đến khi chị chạm phải ánh mắt, biểu cảm lạnh lùng của Hắc Long, Võ Uyên Dung đã ấp ủ việc “đo ni đóng giày” cho Hoàng Phúc một bộ phim với thần thái một đại ca giang hồ, đa tính cách và gặp rất nhiều sóng gió trong cuộc sống. Võ Uyên Dung đã bắt tay kể câu chuyện cùng với những ý tưởng kịch bản sau đó.

Câu chuyện “Bầu” Kiên được nhắc nhớ trong Trận Đồ Bát Quái

Thời điểm triển khai kịch bản cũng cùng thời điểm nhân vật “Bầu Kiên” bị bắt nên Võ Uyên Dung đã dành nhiều thời gian theo dõi những cuộc xử án của bầu Kiên trước tòa. Võ Uyên Dung chia sẻ: “Hiện nay, ngân hàng cũng đang là một vấn đề nổi cộm với việc nhiều ngân hàng sụp đổ và cũng có một số “ông lớn”bị bắt. Với việc “ngân hàng đen” được lột tả một phần trong Trận Đồ Bát Quái, khán giả sẽ thấy được “vòi bạch tuộc” của những ngân hàng, gọi là tín dụng đen như thế nào”.

Diễn viên Lê Phương tâm sự có lúc cô sợ Trận Đồ Bát Quái bởi nhân vật trong phim của cô tốn không biết bao nhiêu nước mắt cho vai diễn. Và khi phim quay xong, cô phải “xả vai” hai tháng mới là thoát được nhân vật Nhật Linh trong phim. Lê Phương chia sẻ: “Khóc có nhiều cảnh khóc, có vai mình khóc bên ngoài vì hiền lành bị ức hiếp nhưng với vai Nhật Linh thì nhân vật lại khá nội tâm, từ bên trong khóc ra nên tâm lý nhân vật rất nặng. Hoàn cảnh, câu chuyện phim đặt vào, Nhật Linh không thể nào mà không khóc và khiến khán giả khóc theo được”. Trong khi Lê Phương trong Trận Đồ Bát Quái khiến khán giả “khóc lên khóc xuống” thì nhân vật của Hoàng Phúc lại khiến người xem khá tức giận bởi sự cố chấp, ích kỷ. Trong phim này, Hoàng Phúc có tới 600 phân đoạn trải dài trong 45 tập. Tuy nhiên, các diễn viên còn lại trong phim không ai bị lu mờ, bởi nhân vật nào cũng có số phận, tính cách riêng đặc trưng.

Lê Phương từng từ chối tham gia Trận Đồ Bát Quái đến 3 lần

Lê Phương tâm sự: “Khi bắt đầu nhận một vai diễn mới, Lê Phương sẽ đầu tư cho nó rất là nhiều bởi Phương tập trung cao độ khi ra phim trường, trong từng cảnh quay. Tất cả những cảm xúc mình phải thận trọng, vì đôi lúc có những phân cảnh mình chỉ cần chểnh mảng, lơ đễnh thì nó sẽ làm ảnh hưởng đến những cảnh sau, có khi hỏng cả nhân vật. Đối với vai Nhật Linh thì cảnh nào Lê Phương cũng phải dành sự tập trung cao vì mỗi một cảnh là một tâm lý, diễn biến, kéo từ thời con gái cho đến lúc lấy chồng, sinh con, con lớn, chồng ngoại tình, con đi tù, về sau Nhật Linh đi tu rồi bệnh nặng. Và dẫn đến kết thúc là Nhật Linh chết vì bệnh”.

Khi mô tả khái quát về Nhật Linh trong Trận Đồ Bát Quái, Lê Phương chia sẻ Nhật Linh đối với cô có phần yếu đuối. Đây cũng là tâm lý của người mẹ hy sinh đúng nghĩa cho đứa con tội nghiệp của mình là Thành Thiên. Điều này có phần đúng vì khi làm mẹ có thể làm mọi cách để bảo vệ đứa con của mình. Nhưng Lê Phương sẽ không giống như Nhật Linh: cam chịu cuộc hôn nhân “ngục tù” mà phải tìm giải pháp tốt chứ không yếu đuối nhu nhược chịu đựng tất cả. Nhưng Lê Phương cũng thấu hiểu Trận Đồ Bát Quái là phim, là bản mẫu để mình xem rút kinh nghiệm cho cuộc đời mình: “Có những sự chịu đựng chưa chắc đã là đúng và bản thân mình phải mạnh mẽ tự quyết định cuộc đời mình thôi, không để người khác dẫn dắt.”

Lê Phương quay Trận Đồ Bát Quái ở thời điểm khủng hoảng

Lê Phương quay Trận Đồ Bát Quái trong thời điểm căng thẳng nhất của cô từ tâm lý, tinh thần, gia đình và công việc. Ngay ngày bấm máy phim đầu tiên, Lê Phương phải lên tòa để giải quyết vấn đề ly hôn. Và hầu như mọi người trong đoàn phim không ai tin là cô có thể đủ sức đảm nhận vai diễn này, do nhân vật Nhật Linh có lịch quay rất nhiều và tâm lý nhân vật rất khó, thêm vào đó tâm lý Lê Phương thời điểm đó cực kì bất ổn.

Ngày nào lên phim trường Lê Phương cũng khóc. Các phim khác, cô còn cười do có nhiều phân cảnh không phải phân cảnh chính của mình. Còn Trận Đồ Bát Quái hầu như bối cảnh nào cũng là của Nhật Linh. Nhiều khi Lê Phương bị stress vì khóc ở những phân đoạn gay gắt, nặng nề khi người chồng nghĩ rằng Nhật Linh ngoại tình và phát hiện ra đứa con không phải con anh ta.

Có những ngày trên trường quay, Lê Phương mặt mày thất thần và hầu như không dám nói chuyện với ai. Cô đã từng trả vai 3 lần nhưng bên công ty M&T Pictures cũng như đạo diễn đã thuyết phục, động viên Lê Phương. Thời điểm đó, Lê Phương gần như là mượn phim khóc cho bản thân mình. Nhưng cô cũng chia sẻ mình may mắn khi gặp được một ê-kip làm phim tốt. Mọi thứ trên phim trường suông sẻ, từ tạo hình hóa trang, phục trang, và không bị gãy đổ ở đâu hết. “Anh Chu Thiện cùng với các thành viên trong đoàn phải nói là cực kỳ dễ thương. Lê Phương gặp khủng hoảng về tâm lý, tinh thần nên mọi người rất ưu ái chăm sóc, hỗ trợ Phương. Lê Phương làm phim chưa có bao giờ phim tâm lý cực kỳ nặng nề mà buông ra là được cười thoải mái đến như vậy”.

Đạo diễn nổi tiếng của phim Mùi Ngò Gai đã có nhiều cảm xúc khi bộ phim Trận Đồ Bát Quái kết thúc bấm máy. Anh chia sẻ, Trận Đồ Bát Quái là một quá trình “thai nghén” từ Nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên. Đó là sự cộng hưởng rất lớn, nếu có được một chút thành công, một chút vang dội thì nó sẽ là của tập thể.

“Kịch bản của Trận Đồ Bát Quái rất tốt. Trong quá trình quay phim, nhiều lúc tôi thấy cực bởi những bối cảnh quá lớn. Trong phim thì cảnh nào cũng là cảnh khó, không có cảnh nào dễ như các bộ phim truyền hình trước đây”. Khi được hỏi về sự khó, anh cho biết khó về cách quay, đánh đấm, rượt đuổi. Những cảnh quay trong ban đêm mà rượt đuổi bằng xe hơi, các diễn viên phải chạy ra đường dành cho xe hơi, nổ súng vào chiếc xe cho bể kính và cháy nổ.

Phim còn đòi hỏi về mặt tâm lý diễn bởi tâm lý nhân vật trong Trận Đồ Bát Quái khá nặng nề đòi hỏi phải quay kỹ thì mới truyền tải được. Nếu không khéo thì không tạo được cảm xúc cho người xem. “Tôi nhớ phân đoạn Hoàng Phúc bắt cóc Duyên (Lan Phương) rồi giam trong phòng ngủ, cả ê-kíp quay từ 6h tối hôm đó cho đến tận 7h sáng ngày hôm sau. Chủ nhà cũng thương đoàn phim nên tránh đi chỗ khác ngủ. Rồi xong phải quay luôn cảnh đốt ngôi nhà đó. Có những cảnh rất phức tạp, phải quay kỹ từng chi tiết một”.

Chia sẻ về diễn viên Lê Phương, anh tâm sự: “Vai diễn của Phương nếu mà diễn không khéo sẽ biến nhân vật thành u uất, không hay. Lê Phương khắc họa một người phụ nữ chịu đựng, hy sinh cho tình yêu, cho con cái. Phim đã nêu bật lên một sự chịu đựng của người phụ nữ khi mà nó lên đến đỉnh điểm, thì nhân vật của Lê Phương bế tắc, đi tu nương nhờ cửa Phật. Phim còn nói về con người đối xử với nhau khi mất lòng tin, mất tình yêu thì tất cả chỉ là con số không. Khán giả khi xem phim sẽ có dịp xâu chuỗi những mạch tình cảm bộ phim. Sức hút của bộ phim sẽ cuốn người xem khóc cùng số phận nhân vật. Khóc cho Lê Phương, khóc cho Hoàng Mai Anh, khóc cho Lương Thế Thành, khóc cả cho Hoàng Phúc…”

Điểm khác biệt của Trận Đồ Bát Quái so với các phim truyền hình hiện tại

“Trận Đồ Bát Quái” ở đây là “tình tiền tù tội” mà Hoàng Hải – người đàn ông vì yêu và hận tạo ra để cuối cùng anh phải nhận nhiều cái giá quá đắt.

Trận Đồ Bát Quái là bộ phim truyền hình có chủ đề khác biệt từ trước đến nay so với những bộ phim Việt Nam thời điểm hiện tại bởi chủ đề ngân hàng “nóng hổi” mà nó mang đến. Một số diễn viên như Hoàng Phúc, Lê Phương cũng được “đo ni” cho các nhân vật trong phim. M&T Pictures cũng đặt hết niềm tin để các diễn viên thể hiện năng lực và hết mình với vai diễn.

Những mảnh đời trong Trận Đồ Bát Quái cực kì đời thường và tâm lý của nhân vật cũng gần gũi với khán giả. Người xem truyền hình sẽ cảm thấy được sự quen thuộc từ ông Giám đốc Ngân hàng Hoàng Hải nguyên mẫu ngoài đời thực. Diễn viên Mai Trần chia sẻ: “Dù không đóng nhiều phân đoạn trong phim nhưng tôi cảm động bởi bộ phim này nó “cực đời”, lấy nước mắt của diễn viên, ê-kíp trong phim rất nhiều”. Biên kịch và đạo diễn cũng thường được đặt câu hỏi: “Chuyện phim có thật không?” Nhưng chính Võ Uyên Dung tiết lộ cô lấy chất liệu và phim chỉ có một chút đời thực, còn lại là sự tưởng tượng nhưng chứa cái dung dị, đời thường trong tâm lý nhân vật để thu hút người xem.

Một câu hỏi vui mà đoàn phim thường đặt ra là nếu ngoài đời, các diễn viên có ứng xử như nhân vật trong phim không, thì hầu hết các diễn viên đều trả lời là 99% sẽ làm như thế nếu đặt ngoài đời thực. Điều đó cho thấy tâm lý nhân vật trong phim được khai thác khá tốt và những câu chuyện khốc liệt ở ngoài đời cũng tồn tại nhưng nó ẩn giấu đâu đó và chúng ta chưa phát hiện.

Khán giả xem Trận Đồ Bát Quái còn bị cuốn hút bởi một câu chuyện đầy tính nhân văn. Trong phim tính cách tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam được đề cao bởi sự chịu đựng, sự nhân hậu và sự tha thứ đến tận cùng.

Bộ phim cho đến cuối cùng đã truyền tải thông điệp: “Tất cả mọi thứ trên đời, tham vọng quyền lực đều không mang lại hạnh phúc, chỉ có gia đình, sự yêu thương tha thứ để cùng nắm chặt tay nhau, thì đó mới là hạnh phúc cuối cùng của mọi người”.

Mô-tip phim đi theo hướng gia đình bởi cuộc sống bây giờ không chỉ xoay quanh “cơm áo gạo tiền” mà nổi bật những vấn nạn giữa người chồng và vợ. Có thể xem phim này, khán giả sẽ tức giận một Nhật Linh (Lê Phương) hiền lành cam chịu nhưng chính đó sẽ khiến họ thương và theo dõi xem Nhật Linh làm gì và sống như thế nào?

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...