Tối 19-8, sau buổi chiếu ra mắt bộ phim Hy sinh đời trai của đạo diễn Lưu Huỳnh, giới truyền thông đã cùng chung nhận định: Với Hy sinh đời trai, đạo diễn Lưu Huỳnh xem như đã “hy sinh” sự nghiệp điện ảnh của mình.
Đạo diễn Lưu Huỳnh từng nói: “Tôi làm phim tôi thích, không phân biệt phim nghệ thuật hay phim thị trường. Tôi chỉ mong sở thích của mình được nhiều người cảm được”. Nếu kiểu làm phim như Hy sinh đời trai là sở thích của đạo diễn Lưu Huỳnh thì khán giả, truyền thông không thể cảm được cùng anh trong trường hợp này.
Chờ để rồi...
Trước khi bộ phim Hy sinh đời trai ra mắt, truyền thông lẫn công chúng khá mong chờ. Mong chờ bởi nhiều lý do, thứ nhất phim có dàn diễn viên gồm hàng chục nghệ sĩ tên tuổi trong làng giải trí: Hồ Ngọc Hà, Tấn Beo, Phi Nhung, Đinh Y Nhung, Thương Tín, Lý Huỳnh, Cát Phượng, Phi Phụng, Bình Minh, Việt Anh, Thân Thúy Hà, Võ Thành Tâm…
Thứ hai, đây là phim đầu tay của diễn viên Trần Bảo Sơn trong vai trò nhà sản xuất và chí ít với những chọn lựa vai diễn trước đó, khán giả vẫn tin Trần Bảo Sơn biết chọn phim để làm. Thứ ba, cũng từ lâu lắm rồi, có lẽ kể từ Áo lụa Hà Đông, hai tên tuổi đạo diễn, nhà làm phim chuyên trị phim hài - Lưu Phước Sang mới cùng có mặt với anh trai Lưu Huỳnh trong cùng một bộ phim. Và một trong những lý do lớn nhất là tên tuổi của đạo diễn là Lưu Huỳnh, một đạo diễn được xem là cầu toàn về nghệ thuật đến mức khó tính.
Hy sinh đời trai thất bại tất cả các khâu. Đầu tiên, ở khâu quảng bá phim: Phim câu khách dựa trên tên tuổi Hồ Ngọc Hà và đoàn làm phim không ngần ngại ghép ảnh mặt của Hồ Ngọc Hà với thân hình của người mẫu khác cho poster phim khi ca sĩ này không đồng ý chụp ảnh quảng bá cho phim; phim không có cảnh nóng nào táo bạo giữa diễn viên Tấn Beo và ca sĩ Hồ Ngọc Hà để đến độ phim cấm chiếu nhưng vẫn có tin đồn thất thiệt trên mặt báo về sự việc này…
Hy sinh đời trai lấy tên tuổi Hồ Ngọc Hà để câu khách dù đất diễn của ca sĩ này trong phim rất ít. (Ảnh do CGV cung cấp)
Mất lòng tin
Gần 10 năm trước với Áo lụa Hà Đông, chưa cần nói đến giải thưởng thì trong lòng khán giả đã định danh một Lưu Huỳnh là đạo diễn của dòng phim giàu tính nghệ thuật. Dù không bằng Áo lụa Hà Đông nhưng những phim Huyền thoại bất tử, Lấy chồng người ta cũng không làm Lưu Huỳnh mất điểm ở dòng phim nghệ thuật trong lòng khán giả.
Ba bộ phim đó là thời của Lưu Huỳnh chọn lựa kịch bản, dựng phim kỹ càng, mỗi phim mất ba năm thai nghén mới ra đời. Nhưng rồi năm 2014, khi Hiệp sĩ mù ra mắt, khán giả đã ngỡ ngàng với Lưu Huỳnh khi đó là một bộ phim hành động hài giàu tính giải trí hơn là nghệ thuật. Ngày đó, khi được cho rằng anh thỏa hiệp với thị trường, anh đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Tôi không thỏa hiệp với ai bao giờ. Khi viết kịch bản này, tôi mong muốn thay đổi không khí sau khi đã làm nhiều phim chính luận” và anh cũng cho biết: “Hiệp sĩ mù là kịch bản phim nhẹ nhàng nhất trong chồng kịch bản của tôi. Công ty Tiếng Hát Việt thích kịch bản đó và hợp tác chứ tôi không viết theo đơn đặt hàng và chiều theo gu phim thị trường hiện nay”.
Khán giả lẫn truyền thông từng tin đạo diễn Lưu Huỳnh chỉ muốn “thay đổi không khí” như anh nói nhưng với bộ phim hài-ca nhạc Hy sinh đời trai, có lẽ niềm tin đó đang bị lung lay.
Bởi Hy sinh đời trai không thể xem là một bộ phim mà là một chuỗi clip ca nhạc và tiểu phẩm hài được ghép vào nhau không liền mạch. Và ngay với cốt lõi xuyên suốt bộ phim là một người đàn ông không muốn lấy vợ (Tấn Beo đóng) hoàn toàn không thuyết phục được khán giả. Người đàn ông đó không đồng tính, không bị tâm thần, không có lý do nào để không thích lấy vợ! Và hàng chục nghệ sĩ, cứ mỗi người xuất hiện một cảnh, cứ xuất hiện là hát thay vì thoại dẫn đến việc rất nhiều vai diễn không biết để làm gì như vai diễn của Uyên Trang, Andrea, Linh Chi, Xuân Hương…
Hàng loạt đạo diễn tụt dốc không thắng
Thị trường phim Việt ngày càng sôi động và ghi dấu rất nhiều đạo diễn thành danh: Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn… Thế nhưng khi phim của các đạo diễn này càng có doanh thu “khủng” thì chất lượng phim càng đi xuống: Tèo em (69 tỉ đồng), Mỹ nhân kế (52 tỉ đồng), Long ruồi (42 tỉ đồng), Nhà có 5 nàng tiên (35 tỉ đồng)… Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng các đạo diễn này đang theo thị hiếu dễ dãi của khán giả bình dân, tâm lý làm phim vì tiền bởi các phim nhảm này đều có doanh thu “khủng”? Câu hỏi đó khi đặt với các đạo diễn thường có câu trả lời chung “phim sống nhờ khán giả”. Nhưng thật ra khán giả thời nay không còn quá ngô nghê, dễ cười như ngày xưa nữa nên nếu các đạo diễn tưởng vậy là móc túi được khán giả, e đó là đường làm phim không lâu bền.
|
Nguồn: Phapluattp