Bất luận nhiều ý kiến khen chê, những bộ phim cổ trang đều để lại những ấn tượng cho người xem.
Lửa cháy thành Đại La
Đầu thập niên 1990, bộ phim cổ trang Lửa cháy thành Đại La có sự tham gia của: Lý Hùng, Mộng Vân, Công Hậu… được đầu tư hoành tráng nhất thời ấy, phim được in tráng tại Việt Nam, tổng số tiền được đầu tư 500 triệu đồng, mức kinh phí 'khủng' thời bấy giờ.
Phim ra mắt thành công, được khán giả nhiệt liệt ủng hộ, nhờ vai Trần Dũng trong phim mà tên tuổi của Lý Hùng càng được khẳng định và vị thế số 1 khó ai thay thế được anh ở thời điểm này. Nhờ đó mà hãng phim Lý Huỳnh thừa thắng xông lên tiếp tục làm cùng thể loại với 3 phim dã sử khác là: Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại, Sơn thần thuỷ quái và liên tục “thắng lớn”.
Tráng Sĩ Bồ Đề
Phim Tráng Sĩ Bồ Đề là một phim truyện dã sử kiếm hiệp Việt Nam (đạo diễn Lê Mộng Hoàng) được thực hiện thật công phu và tốn kém với các thành phần diễn viên nổi tiếng đóng góp hùng hậu như: Lý Hùng, Thu Hà, Lê Tuấn Anh, Giáng Mi, Bùi Cường, Minh Châu, Yến Chi, Huy Công, Thanh Tú… được sản xuất theo mẫu các phim võ thuật Hồng Kông.
Kỷ niệm khiến Lý Hùng nhớ là khi bộ phim được quay ở Hà Tây (cũ), Thu Hà phải trần mình chịu cái nóng kinh hồn, càng quạt càng nóng, vậy mà Thu Hà vẫn giữ được phong thái dịu dàng, xinh xắn. Phim có nhiều diễn biến cao trào, võ thuật đẹp mắt, mặc dù được làm trong thời điểm còn rất khó khăn. Thời kỳ này dòng phim cổ trang ở Việt Nam đang rất thịnh hành, có thể “đánh gục” cả một “đế chế” phim Hồng Kông giàu mạnh.
Hoàng Hoa Thám
Hoàng Hoa Thám là một bộ phim lịch sử khai thác đề tài cuộc kháng chiến chống Pháp của đạo diễn Trần Phương, ra mắt lần đầu năm 1987. Truyện phim kể về cuộc khởi nghĩa oanh liệt của người thủ lĩnh áo nâu Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám, nơi núi rừng Yên Thế. Bất chấp chính sách đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp, nghĩa quân Yên Thế vẫn giành nhiều chiến thắng, gây được thanh thế lớn, khiến quân Pháp thất điên bát đảo. Đề Thám lại như hùm thêm vuốt khi có bà vợ ba - bà Ba Cẩn - như một tham mưu sáng suốt, cương nghị.
Cuộc khởi nghĩa ngày càng được mở rộng, viễn cảnh về một nước Nam tự do lớn dần lên, cũng là lúc những rạn nứt trong nội bộ nghĩa quân xuất hiện, lúc bà Ba Cẩn nhận ra những âm mưu nguy hiểm đằng sau lời đề nghị hòa hoãn của người Pháp. Rồi cũng tới lúc quân Pháp trở mặt và nghĩa quân Yên Thế đã quyết liều mình trong một kế hoạch tuyệt mật nhằm thay đổi cục diện chiến trường.
Để gây hiệu ứng chân thực nhất cho tác phẩm điện ảnh có đề tài hiếm có này, đoàn làm phim dã tiến hành dựng hẳn một thành đất ở Bắc Giang, mô phỏng doanh trại nghĩa quân Đề Thám. Hai nghệ sĩ lớn của điện ảnh Việt Nam là Đoàn Dũng (vai Đề Thám) và Trà Giang (vai bà Ba Cẩn) đã có những vai diễn xuất sắc trong bộ phim này, phác họa được khí phách và cả những tình cảm riêng tư của những bậc anh hùng.
Tây Sơn Hiệp Khách
Năm 1991 có một bộ phim võ hiệp được chào đón nồng nhiệt ở các rạp chiếu phim trong nước, đó là Tây Sơn hiệp khách của Hãng phim Giải phóng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Lê Hoàng Khải, tác giả kịch bản của bộ phim này, cũng là một người ở đất Tây Sơn, trong phim vận dụng khá nhiều yếu tố của võ Bình Định. Bộ phim với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng: Lý Hùng, Diễm Hương, Mộng Vân, Ngọc Hiệp, Thanh Mai, Hương Giang, Lê Cung Bắc… Phim công chiếu gây được tiếng vang lớn, tiếp nối thời kỳ dòng phim cổ trang đang thịnh hành ở thời điểm này.
Kiếp Phù Du
Kiếp phù du là phần tiếp theo của bộ phim dã sử cung đình Đêm hội Long Trì, được công chiếu vào năm 1990. Tuy nhiên, Kiếp phù du không để lại nhiều dấu ấn như phần đầu. Bộ phim là một câu chuyện riêng biệt với trung tâm là cuộc đối đầu dữ dội chốn thâm cung giữa Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Thái phi Dương Thị Ngọc Hoan sau ngày Chúa Trịnh Sâm qua đời.
Đó không còn là một cuộc tranh đua hờn ghen quanh sự sủng ái của đấng quân vương, mà đã trở thành cuộc tranh giành quyền lực của hai phe cánh trong phủ Chúa. Tuyên phi những tưởng đã giành được ngai chúa cho con trai mình là Trịnh Cán nhưng lại không lường được sự trỗi dậy của phe Thái phi.
Kiếp phù du cuốn hút bởi một câu chuyện ly kỳ cùng tài năng diễn xuất đẳng cấp cao của hai nữ diễn viên nổi tiếng, hai nhan sắc của Điện ảnh Việt Nam: Lê Vân (Đặng Tuyên Phi) và Hoàng Cúc (Dương Thái phi) và các diễn viên: Thế Anh, Thu Hà, Hoàng Thắng...
Nguồn: Vietnamnet