- Tôi đọc thông trên qua Facebook và báo mạng. Dù không quen biết nhưng tôi cảm thấy buồn và tiếc thương đồng nghiệp xấu số. Những tai nạn như thế ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần đoàn phim, những người làm nghề cũng như gia đình và người thân nạn nhân.Tôi được biết, nhà sản xuất giúp đỡ bằng cách quyên góp tiền lo viện phí và tang lễ cho diễn viên quá cố. Tôi nghĩ, đây là một việc nên làm và bất cứ đoàn làm phim nào.- Sau vụ tai nạn này, có ý kiến cho rằng, tính mạng của các diễn viên Việt đang bị các nhà sản xuất coi rẻ. Anh nghĩ sao về điều này?
- Đoàn phim rất đông người, nhiều thành phần, nghề nghiệp, trình độ rất khác nhau, nên khó quản lý. Hơn nữa, chúng ta chưa ý thức cao và đủ trình độ suy nghĩ, dự đoán những tình huống xảy ra. Ngoài chuyện ý thức của các nhà sản xuất, mỗi người trong đoàn phải ý thức, bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Tuy nhiên, tôi thừa nhận ở những thị trường kém phát triển, trong đó có Việt Nam, sự an toàn của diễn viên và ê-kíp làm phim chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta chưa có bảo hiểm cho thiết bị làm phim cũng như bảo hiểm cho tiến độ và rủi ro quá trình thực hiện nên rất khổ với nhà sản xuất. Họ có nhiều áp lực dẫn đến các thành viên trong đoàn phải làm việc nhiều giờ.
Với đoàn làm phim ở thị trường lớn, họ chuẩn bị rất kỹ về những điều kiện bảo hộ. Họ có luật an toàn cho các cảnh quay có nguy cơ nguy hiểm, thậm chí quy định cụ thể theo từng mức độ, từng tính chất của cảnh quay đó. Họ có luật lao động giới hạn thời gian làm việc của diễn viên, ê-kíp để đảm bảo sức khỏe và sự minh mẫn. Họ luôn đặt yếu tố an toàn, sức khỏe người làm việc lên hàng đầu.
|
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng |
- Theo anh, các diễn viên Việt có được đóng bảo hiểm khi tham gia phim, đặc biệt là những diễn viên quần chúng?
- Các đoàn phim bây giờ đều đóng bảo hiểm cho toàn bộ nhân sự, đặc biệt là cascadeur. Nếu tai nạn xảy ra khi quay phim, diễn viên đều được chi trả tiền bảo hiểm, dù không cao. Còn về các diễn viên quần chúng, vì họ làm việc trong ít ngày, ít giờ, và mang tính cá nhân, hay chỉ theo nhóm không có công ty nên hợp đồng lao động không chi tiết và thường không có bảo hiểm.
- Trước những tai nạn trên phim trường gần đây, có ý kiến cho rằng, các diễn viên Việt nên tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu nhà sản xuất đảm bảo sự an toàn trong quá trình quay. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ rất khó, trừ khi họ là ngôi sao. Chúng ta hãy học các nước tiên tiến, cần có công đoàn, hiệp hội nghề nghiệp, điều luật để bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm người làm nghề. Chúng ta phải ý thức vì quyền lợi chung của tập thể thì sẽ có quyền lợi riêng cho từng cá nhân.
|
Đạo diễn Quang Dũng chỉ đạo diễn xuất cho Thanh Hằng trong một cảnh quay của Mỹ nhân kế. |
- Bộ phim "Mỹ nhân kế" và "Siêu nhân X" do anh làm đạo diễn có nhiều cảnh hành động nguy hiểm, anh đã bảo vệ các diễn viên của mình thế nào?
- Chúng tôi đặt mua bộ áo bay ở Hollywood từ nhà sản xuất phim Spidermangiúp các diễn viên dễ dàng thực hiện các pha hành động trên không. Ngoài ra, Bác sĩ hoặc y tá luôn trực tại trường quay. Trước mỗi cảnh, diễn viên đều phải tập trước. Khi đội cascadeur hay người phụ trách pha hành động thông báo an toàn, chúng tôi mới bấm máy.
Đối với những cảnh khó đảm bảo an toàn khi thực hiện, chúng tôi thay đổi cho phù hợp điều kiện hoặc tính phương án làm kỹ xảo.
Trong vai trò đạo diễn, tôi luôn nhắc các diễn viên đừng ham làm cảnh khó. Tôi chỉ cần họ thực hiện các pha hành động sao cho lên phim hiệu quả, tôi không muốn ai liều. Tuy nhiên, một số diễn viên lại rất "máu" và thích mạo hiểm, nên đôi khi, tôi không kiểm soát được tình hình.
|
Luôn có bác sĩ hoặc y tá túc trực trên phim trường Siêu nhân X để đảm bảo sự an toàn của diễn viên trong các pha hành động. |
- Khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn trong quá trình quay phim, là đạo diễn, anh xử lý thế nào?
- Có cảnh quay một nhà sư bị té trong phim Mỹ nhân kế. Cảnh này thực chất không khó thực hiện nhưng lại xảy ra tai nạn. Diễn viên đóng thế bất tỉnh vì bị một hạt trong chuỗi tràng hạt bay trúng huyệt.
Khi sự việc xảy ra, chúng tôi rất sợ và căng thẳng. Mâu thuẫn giữa đoàn phim và trưởng nhóm cascadeur phát sinh. Vì quay ở đảo nên chúng tôi có hai cách chuyển diễn viên đóng thế bị tai nạn đến bệnh viện bằng xe hoặc cano. Trưởng nhóm cascadeur yêu cầu đi bằng cano vì muốn đưa người này đến bệnh viện nhanh nhất trong khi chúng tôi tính tới phương án đảm bảo sức khỏe cho diễn viên, đi bằng cano dù nhanh phải chịu sự rung lắc mạnh. May mắn, nam diễn viên đóng thế không gặp vấn đề nghiêm trọng, dù anh bị liệt nửa người trong suốt 2 tuần.
Khi tai nạn xảy ra, mọi người trong đoàn mất tinh thần, nhiều mâu thuẫn nảy sinh. Kinh nghiệm cho tôi thấy, những cảnh khó được chúng ta chuẩn bị kỹ và tập trung nhưng tai nạn thường xảy ra ở những cảnh đơn giản hoặc vào thời điểm mọi người mệt, không đủ tỉnh táo để kiểm soát.