22:35 | 10/03/2017

Vợ ca sĩ Lý Hải háo hức với tượng sáp của chồng

Tapchisaoviet - Buổi giới thiệu Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam diễn ra sáng 10/3 tại TP HCM.

Dự án do ba nhà điêu khắc gồm Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình sáng lập. Trong ảnh, NSƯT Thành Lộc (trước) tạo dáng bên phiên bản tượng sáp lần đầu ra mắt của anh. Tổng số tượng sáp trong dự án là hơn 150 văn nghệ sĩ.

Thành Lộc kể khi bức tượng mới được chế tác, anh đã giật mình bởi những chi tiết giống hệt anh ngoài đời. Đến khi hoàn thiện, nghệ sĩ xúc động khi phiên bản này lột tả được thần thái của anh, nhất là ở nụ cười và ánh mắt. Tượng sáp được mặc áo dài cách tân - trang phục Thành Lộc thường diện ở các dịp long trọng. Anh tặng lại ban tổ chức các phụ kiện như kính mắt, đồng hồ... để đeo lên tượng. 

Minh Vương, Thành Lộc thích thú với tượng sáp giống hệt mình

Nghệ sĩ Bích Thủy - con gái thứ chín của cố Nghệ sĩ Ưu tú Bắc Sơn - trìu mến hôn lên tượng sáp của cha. Lần đầu được mời đến xưởng của các nghệ nhân để xem tác phẩm, chị đã bật khóc vì bức tượng gợi nhớ đến cha - người qua đời 12 năm trước. Bích Thủy ngỏ ý sẽ mua 1.000 vé tham quan bảo tàng tặng người quen, khách hàng để ủng hộ dự án. 

Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vương (trái) nhận xét phiên bản tượng sáp rất giống ông. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, dự án có kinh phí 35 tỷ đồng, do ba nhà điêu khắc tự bỏ vốn. "Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện thu hồi vốn vì làm nghệ thuật không nên nói chuyện tiền bạc. 10 năm hay 100 năm nữa hồi vốn vẫn không muộn", anh nói.

NSND Thế Anh (phải) hào hứng với tượng được mặc trang phục quen thuộc của ông là quần bò, áo thun khoác ghi-lê. Khi làm tượng sáp, ban đầu các nghệ nhân tiến hành đo đạc từ nguyên mẫu. Trong quá trình chế tác, nghệ sĩ được mời đến để xem xét, cân chỉnh cho tượng chuẩn xác hơn. "Một số người ban đầu chưa hài lòng với độ chính xác, chúng tôi chỉnh lại. Mỗi lần có nghệ sĩ mãn nguyện khi xem tượng, chúng tôi mừng rơi nước mắt", nghệ nhân Thái Ngọc Bình cho biết.

 

NSƯT Cẩm Tiên (áo dài đỏ) xúc động bên phiên bản tượng của cố NSƯT Út Bạch Lan. Với các nghệ sĩ đã qua đời, việc chế tác khó hơn gấp bội. Các nghệ nhân phải tham khảo đường nét, số đo cơ thể từ thông tin do người nhà cung cấp. Tượng sáp của cố giáo sư Trần Văn Khê (phải) được lấy dữ liệu từ con trai trưởng của ông - giáo sư Trần Quang Hải

NSND Huỳnh Nga (trái) bên tượng chân dung ông. Đạo diễn "Đời cô Lựu" vừa được tặng nhà chung cư theo chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng.

Khi được mời tạc tượng, nhiều nghệ sĩ chọn mẫu là vai diễn để đời của mình vì cho rằng bản thân chưa xứng đáng để được chế tác tượng sáp. Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan (phải) chọn hình mẫu là nhân vật nữ vương trong vở "Truyền thuyết tình yêu" chị từng ghi dấu.

Tượng sáp của cố nhạc sĩ Văn Cao là một trong những tác phẩm gặp nhiều khó khăn vì ông qua đời đã lâu, các dữ liệu hầu hết dựa trên người quen và thông tin báo chí.

Vợ chồng ca sĩ Lý Hải (phải) - Minh Hà háo hức với tượng sáp của anh. Giọng ca Yêu lầm là nghệ sĩ đầu tiên được mời đúc tượng trong dự án.

Nhà trưng bày tượng sáp sẽ khánh thành vào ngày 10/4. Vé được bán với giá 100.000 dành cho mỗi khán giả. Khu vực trưng bày sẽ bố trí nhiều tạo cảnh như làng quê, nhà tranh vách lá... Nhiều sự kiện gặp gỡ nghệ sĩ, tọa đàm về sân khấu, điện ảnh... cũng sẽ được tổ chức.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...