15:00 | 22/07/2020

Ca sĩ Tuyết Nga chia sẻ tỉ lệ ‘chọi’ cực gắt tại trường đại học từng đào tạo 2 Diva: Mỹ Linh, Thanh Lam

Tintuc - Được biết đến với danh hiệu Hoa hậu Áo dài 2019, thế nhưng với những khán giả yêu thích dòng nhạc nhẹ mang âm hưởng dân gian, Tuyết Nga không phải là cái tên xa lạ.

Trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai 2017, đến nay, Tuyết Nga đã có cho mình nhiều sản phẩm giá trị, hơn thế nữa, ngày 8/7 vừa qua, người đẹp chính thức tốt nghiệp khoa Thanh nhạc với số điểm gần như tuyệt đối 9,8 – đây là “quả chín” mà cô “gặt” được sau nhiều năm học tập, rèn luyện hệ Đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ngôi trường mà Hoa hậu – ca sĩ Tuyết Nga theo học cũng chính là cái nôi của nhiều ca sĩ lớn tại Việt Nam hiện nay, đáng chú ý là hai trong 4 Diva: Mỹ Linh, Thanh Lam… Ngoài ra, đây cũng là nơi từng góp phần đào tạo nên các nghệ sĩ tên tuổi như Tùng Dương, SlimV, Hồ Hoài Anh… Với giới nghệ thuật, tốt nghiệp ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như một bảo chứng cho việc bạn hoàn toàn có đủ chuyên môn, nền tảng cần để hoạt động. Tuy nhiên, để làm được điều đó hoàn toàn chẳng dễ dàng, khắt khe đến mức có người từng ví von giống như “đãi cát tìm vàng”.

Hoa hậu Tuyết Nga chia sẻ: “ Ngay từ khi thi tuyển đầu vào đã là một ‘cuộc chiến’ với tỉ lệ chọi rất cao với khoảng 1000 thí sinh đăng kí thi hệ Trung cấp nhưng cuối cùng chỉ chọn được tầm 20, 30 người. Nếu muốn lên đến hệ Đại học, bạn phải tốt nghiệp hệ Trung Cấp, sau đó trải qua một kì thi cam go mới vào được. Thông thường có tầm 100 thí sinh (bao gồm những người đã tốt nghiệp hệ Trung cấp từ nhiều nơi khác nhau tham gia ứng tuyển) tỉ lệ đậu vào trong đó chỉ tầm trên dưới 20 người, đến cuối cùng, con số này càng ít dần và bị đào thải sau 4 năm học”.

“Đơn cử như trong đợi tốt nghiệp vừa rồi, tổng số chỉ có 22 bạn được tốt nghiệp (tính tổng cả những sinh viên cũ nợ môn của 2 năm trước gộp chung vào, có cả Nga trong ấy).

Ngay khi bước vào năm 1, năm 2, ngoài chuyên ngành hát, còn phải học rất nhiều môn phụ rất khó, như piano, hoà thanh, xướng âm, ghi âm, lịch sử âm nhạc phương tây, lịch sử âm nhạc phương đông, .... tất cả những môn này rất áp lực và thực sự khó, cần phải học nghiêm túc mới có thể qua môn.

Tâm lí chung mọi người vừa qua được kì thi tuyển sinh Đại học, tưởng rằng khi vào học sẽ được nhẹ nhàng hơn, nhưng hoàn toàn không có, tuy chưa vào chuyên ngành nhưng những môn học trong mấy năm đầu đều đã rất khó, nếu không tập trung, chăm chỉ và theo kịp bàì vở, bạn rất dễ ‘nản’ ở thời gian này.

 Với tổng thời gian học tập, đào tạo dài hạn, đối với nhiều nghệ sĩ là một áp lực vô cùng lớn. Thế nên, nhiều người đã không thể tốt nghiệp vì điều này. Hầu hết sinh viên đều phải tìm cách cân bằng thời gian để vừa đi học, vừa đi diễn. Nếu ưu tiên đi diễn quá nhiều, không đến tham dự lớp học đủ buổi xem như bạn đã tự đào thải mình khỏi môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, việc theo học những môn như xướng âm, hoà thanh – được xem như toán học trong âm nhạc hay piano cũng là một môn cực ‘gai góc’ - khiến nhiều ca sĩ phải ‘chùn chân’.”

Ngay chính Diva Mỹ Linh cũng từng chia sẻ với báo giới, theo lịch trình công việc dày đặc, cô cũng phải đưa ra quyết định xin thôi học (bảo lưu kết quả) ở hệ Đại học, dù rằng trước đó nữ ca sĩ đã thi đỗ thủ khoa đầu vào: “Tôi muốn học lên đại học là để lấy tấm bằng chính thức có thể đi dạy nhưng không thể theo được. Việc học quá khắt khe, lịch học dày vì nhiều môn phụ mà tôi đợt này suốt ngày vào TP.HCM huấn luyện thì rất khó khăn.

Hơn nữa có những tháng đi học, tôi và anh Quân gần như không ăn với nhau bữa cơm nào bởi nhà xa nên về đến nhà là 7h30 tối. Tôi chỉ kịp tắm rửa, ăn cơm và lao lên giường, không còn một sự giao lưu gì nên tôi nghĩ cái giá cũng hơi đắt nếu theo 4 năm.”

 Điều đó cho thấy, việc có thể theo suốt, học tập và có được tấm bằng Đại học ở ngôi trường này là điều vô cùng khó khăn, không chỉ cần tài năng mà còn lòng kiên trì, yêu nghề và quyết tâm cao độ.

 Hoa hậu Tuyết Nga cũng cho hay, chính cô cũng từng phải học lại, thi lại môn piano mới đủ điều kiện được xét tốt nghiệp. “Hầu hết mọi sinh viên theo học khoa Thanh nhạc đều cảm thấy môn piano là khó nhất, đòi hỏi quá trình luyện tập, kĩ thuật rất cao, đây cũng là môn học khiến nhiều người bị “nợ”. Riêng cá nhân Nga, sau khi phải học lại, mình đúc kết được rằng, việc học trên trường là chưa đủ, Nga còn phải đến tận nhà các thầy, cô, xin được học thêm, chỉ thêm những điều chưa hiểu… điều này không chỉ được áp dụng với mỗi môn piano mà ở tất cả mọi môn khác. Nga tâm niệm, mình phải cố gắng hết sức, bởi việc được tốt nghiệp không chỉ đánh giá, ghi nhận một quá trình của bản thân mà còn là của các thầy cô, những người luôn tận tuỵ, bên cạnh động viên Nga rất nhiều…”

“… Thế nên mới thấy, việc học tại các trường văn hóa, nghệ thuật chẳng hề dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Đã có những môn thi vắt kiệt của Nga biết bao mồ hôi, nước mắt, Có bài thi dài dằng dặc là các ca khúc tiếng Anh, tiếng Pháp cực kỳ khó để nhớ lời… ngoài ra còn luyện vũ đạo, giải phóng hình thể… luyện thanh để lên được những nốt cao, xuống trầm sâu mà vẫn mượt mà…

Tất cả những điều đó hoàn toàn không phải là chuyện ngày một ngày hai… Cùng với đó, các môn cần thiết khác như chính trị, Tư tưởng đường lối vẫn được dạy như sinh viên các trường văn hóa, không hề có chuyện vào đây hát vài bài nhạc nhẹ là xong như nhiều người nhầm tưởng! Tuy nhiên, bên cạnh Nga lúc nào cũng có các thầy cô, động viên, tận tuỵ, thường xuyên hỏi thăm, giải đáp cho Nga những gì chưa biết, đây cũng là một trong những động lực to lớn khiến Nga quyết tâm rằng mình phải tốt nghiệp.

Trong buổi thi Tốt nghiệp vừa qua, Tuyết Nga đã mang đến một không gian âm nhạc đầy kĩ thuật. Với chất giọng mang nhiều tâm tư, luyến láy, khi trầm khi bổng… Nữ ca sĩ thật sự đã để lại nhiều xúc cảm trong lòng khán giả.

Được biết, ở những năm trước mỗi sinh viên phải thể hiện 8 ca khúc, nhưng riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid nên nhà trường đã đưa ra con số ít hơn. Tuy vậy, các bài hát đều rất khó, đòi hỏi trình độ cao, nếu không có chuyên môn, kiến thức và siêng năng luyện tập mỗi ngày sẽ không thể thể hiện được hết.

 “Ở tất cả các bài thi tại trường, không phải cứ lên sân khấu, hát thật hay là sẽ được điểm cao, mà tất cả còn là sự tổng hòa của trang phục, thần thái, kĩ thuật biểu diễn… Cái quan trọng không chỉ nằm ở giọng hát của người sĩ mà là cảm xúc khán giả, trái tim người nghe.”

Để tăng hiệu ứng thị giác, giúp khán giả không chỉ “đã mắt” mà còn “đã tai”, Hoa hậu Tuyết Nga đã chọn cho mình chiếc váy đỏ của NTK Lê Thanh Hòa, tông màu rực rỡ đi kèm phom dáng bồng bềnh khiến cô nàng tỏa sang như một đóa hồng nhung xinh đẹp, lộng lẫy, kiêu sa…

Với sự đầu tư chỉn chu, nghiêm túc trong từng sản phẩm lẫn kiến thức chuyên môn, Tuyết Nga được nhận định là một trong những ca sĩ nổi bật của nền âm nhạc dân gian hiện đại. Sắp tới, cô chuẩn bị cho ra mắt một dự án âm nhạc về Thanh Hoá với tư cách một người con của xứ Thanh, hứa hẹn thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...