Sáng muộn cuối tuần, khi tách cà phê đã vơi và cuốn sách The world is flat (một tác phẩm của Thomas Friedman) được lật đến trang cuối, tôi đã nghĩ về “Thế giới phẳng” thế này: "Làm chủ và khai thác sự sáng tạo, đó là cách ứng xử tối ưu, vì cơ hội đều có cho mọi người, câu chuyện là phải nhận biết và nắm bắt nó, mọi việc sẽ bắt đầu từ những cá thể tự do và tự chủ...". Tôi liên tưởng ngay đến những người trẻ, chính xác là những người trẻ có liên quan đến vai trò truyền cảm hứng, đến sự hình thành tri thức hay ảnh hưởng đến nhân cách một con người - những người trẻ khác. Đó là những Thầy Cô giáo thế hệ 8X.
Không ngạc nhiên, khi những Thầy Cô giáo thế hệ 8X có tài khoản facebook và sử dụng chúng như công cụ để tiếp cận gần hơn với học trò của mình, thì thế giới dường như “phẳng” hơn (khái niệm phẳng ở đây được hiểu theo cách xóa bỏ những rào cản). Ai quan tâm đến những chuyện bên lề giáo dục, hẳn vẫn chưa quên những cái tên như Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, nổi tiếng với những bài giảng tâm lý dành cho sinh viên), hay Lại Tiến Minh (giảng viên Toán trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội, được biết đến với phương pháp giảng dạy vô cùng thu hút), và đặc biệt là Hồ Trung Dũng (giảng viên chuyên ngành ngữ văn Đức, trường ĐH KHXH & NV Tp. HCM, được tín nhiệm với khả năng truyền đạt ngôn ngữ đặc biệt sáng tạo và được hâm mộ trong vai trò là một nghệ sỹ) – Họ, những Thầy giáo trẻ nhiệt huyết, tài năng, và có lối đi của riêng mình trong thế giới “phẳng” này.
Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, ca sỹ Hồ Trung Dũng cũng đã trải lòng chia sẻ về câu chuyện Thầy trò giữa ba thế hệ, mà anh là một nhân vật trong câu chuyện đó.
Chào Dũng, trước giờ chuyện Hồ Trung Dũng rẽ ngang từ thầy giáo sang ca sỹ được nói nhiều rồi, hôm nay chúng ta chỉ nói về vai Thầy giáo thôi nhé!?
“Được vậy thì hay quá! Lâu lâu Dũng cũng muốn đổi không khí”_ nam ca sỹ nổi tiếng lịch lãm với những bản tình ca lãng mạn đã không ngần ngại cười sảng khoái.
Thông tin bí mật là ngay từ năm III đại học, nhà trường đã có ý giữ Hồ Trung Dũng ở lại để tham gia công tác giảng dạy rồi, câu chuyện ấy có thể được kể rõ hơn không?
Chắc phải tìm người kể thay chứ nói về mình khó lắm! (cười) Chuyện bắt đầu từ những năm Dũng học cấp 3, khi đó vô tình được tiếp xúc với tiếng Đức, Dũng cũng không rõ lý do vì sao mình lại có nhiều cảm xúc đến như vậy, càng học càng yêu ngôn ngữ này, và muốn tìm hiểu nhiều hơn, có thể vì tính logic trong ngữ pháp, hoặc cách phát âm rất lạ, không dễ như những ngôn ngữ khác, mà tính Dũng thì thích sự mạo hiểm, thích những gì độc đáo và cũng thích chinh phục khó khăn… Đến năm I đại học, lúc đó Dũng đã giao tiếp bằng tiếng Đức khá tốt, xét ra thì cũng không quá đặc biệt vì cũng như các bạn giỏi tiếng Anh hay Pháp thôi, nhưng có lẽ vì quan điểm tiếng Đức là ngôn ngữ khó, ít ai học, nên mình được chú ý. Một ngày nọ, Dũng vô tình gặp được cô giáo người Đức khi đến phòng giáo viên của trường, và sau vài câu chào hỏi thì cuộc trò chuyện của hai cô trò tưởng như không có hồi kết. Chính từ những lần được trò chuyện với cô, tình yêu ngôn ngữ Đức trong Dũng càng được khơi dậy, để mình cố gắng và tiến bộ hơn từng ngày. Cô cũng là người mở ra cho Dũng nhiều cơ hội, nhiều tư duy định hướng trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp trong thời điểm đó, và đến nay thì dù cô đã trở về nước từ rất lâu rồi, nhưng Dũng vẫn liên lạc và trò chuyện thường xuyên với cô, cô luôn là người bạn lớn của Dũng, hai cô trò chênh nhau mấy chục tuổi nhưng như hai người bạn thân vậy, rất thân!
Phần tiếp theo thì có lẽ mọi người cũng đã biết hết rồi (cười).
Có thể thấy cô giáo người Đức năm xưa là người có vị trí rất quan trọng đối với anh, góp phần không nhỏ để có một thầy giáo Hồ Trung Dũng được tín nhiệm và được sinh viên yêu quý như bây giờ!?
Dĩ nhiên còn rất nhiều yếu tố và nhân tố khác tác động, nhưng có thể nói là như vậy.
Và… năm 2004, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, anh đã chính thức trở thành giảng viên khoa Ngữ văn Đức, trường ĐHKHXH & NV Tp.HCM. Đến năm 2006, anh sang Đức du học với học bổng toàn phần của tổ chức DAAD tại trường đại học Mannheim, và 2 năm sau, anh tiếp tục sang Đức lần thứ hai, trong khóa tu nghiệp dành cho giáo viên chuyên ngành được tài trợ bởi Bộ giáo dục Đức tại bang Hessen. Sau đó thì Hồ Trung Dũng quay về ngôi trường mình đã học và tiếp tục giảng dạy cho đến hiện nay!?
Cảm ơn đã kể dùm Dũng! Nhưng đính chính thêm là trong khoảng thời gian sau này, chính xác là bây giờ, hát là công việc chính và đi dạy là phụ, mỗi tuần Dũng chỉ lên lớp được 1 hoặc 2 buổi mà thôi vì thời gian không cho phép Dũng tham gia nhiều hơn được. Dũng thật sự mong là mình vẫn giữ được việc đi dạy, mặc dù thời điểm này lịch ca hát khá nhiều. Như khi đi lưu diễn thì bắt buộc phải cho sinh viên nghỉ học, rồi về dạy bù. Mỗi lần như vậy thì Dũng rất áy náy, cũng may là sinh viên cũng thông cảm cho Thầy Dũng và ca sỹ Hồ Trung Dũng.
Như vậy có thể hình dung là giờ lên lớp của thầy Dũng lúc nào cũng đông sinh viên?
Dũng không dạy năm I, mà dạy nâng cao cho sinh viên năm IV, đều là môn chuyên ngành, những môn đặc thù như phiên dịch, hay sư phạm, tức là đào tạo ra giáo viên, mà cấp độ này thì tiếng Đức đã phải hiểu rất tốt rồi mới có thể vào học. Lớp cũng chỉ có tối đa khoảng 20 người thôi, nên sẽ không bao giờ có được cái cảnh thầy Dũng đứng lớp với giảng đường lớn 100 – 200 sinh viên cả. (cười)
Trong vai trò người thầy trên giảng đường, hình ảnh của ca sỹ Hồ Trung Dũng như thế nào trong mắt sinh viên của mình?
Mọi người sẽ không thấy một ca sỹ Hồ Trung Dũng trên giảng đường và ngược lại, cũng sẽ không thấy một thầy Dũng trên sân khấu đâu. Cảm xúc Dũng mang theo khi thực hiện hai công việc đó cũng rất khác nhau. Do tính cách bẩm sinh và ảnh hưởng bởi văn hóa Đức nên Dũng không gặp vấn đề gì trong việc tách bạch giữa công việc và đời sống cá nhân. Đó chính là cách giúp Dũng cân bằng cuộc sống, sự cân bằng đó xem như thói quen, vì Dũng còn rất nhiều những đề tài đáng quan tâm khác. Mục tiêu âm nhạc là để nỗi buồn vơi đi, còn mục tiêu khi đứng trên bục giảng là đào tạo được những thế hệ trẻ sau mình thật tốt chuyên môn và nhân cách.
Vậy có một góc nhìn nào khác của Hồ Trung Dũng chăng?
Ai từng dõi theo, hoặc có dịp trò chuyện, hoặc đã đến xem và nghe những đêm nhạc của Dũng, sẽ thấy và hiểu hơn thôi! Ngoài sự trầm lắng dành cho những ca khúc trữ tình, còn có sự phá phách nho nhỏ khác. Mỗi dòng nhạc, sẽ phải có hình ảnh thể hiện cho phù hợp, tuy nhiên để mô tả ngắn gọn thì Hồ Trung Dũng là tổng hòa của các mảng đối lập. Vì vậy, ngoài dòng nhạc trữ tình, Dũng muốn phát triển dòng nhạc Jazz song song, bởi gần như khi kết hợp thì sự thể hiện đó sẽ nói rõ về con người và cá tính của mình nhất. Với nhạc trữ tình, mọi người cần sự tĩnh lặng và chiêm nghiệm, thì ở nhạc jazz, chúng ta lại cần chút gì đó nổi loạn , đúng hơn là cần có sự ngẫu hứng. Khi hai con đường đó kết hợp lại, sẽ là một Hồ Trung Dũng toàn diện nhất.
Vẫn Jazz! Có sự liên quan nào giữa nhạc Jazz và tiếng Đức không, khi mà Hồ Trung Dũng yêu cả hai và cả hai đều là ngôn ngữ, theo khía cạnh nào đó!?
Trong chừng mực nào đó, là rất liên quan. Tiếng Đức thì Dũng đã thích từ nhỏ, là chuyện đã lâu rồi! Chính vì thích tiếng Đức nên những gì thuộc về văn hóa hay tính cách của nước Đức và con người ở đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến mình. Còn Jazz là dòng nhạc mà Dũng vô cùng yêu thích và được tiếp xúc đầu tiên khi đến nước Đức, nó có nhiều kỷ niệm gắn bó với nước Đức. Khi du học bên Đức, Dũng tham gia vào ban nhạc toàn những người Đức, và họ chỉ chơi nhạc jazz. Ban đầu không hiểu nhạc jazz là gì, nhưng vì nhớ âm nhạc quá, ban nhạc nào cần người thì Dũng vào thôi. Từ đó thì mình sống trong môi trường đó, và bắt đầu cảm nhận được rồi yêu nhạc jazz. Với Dũng, âm nhạc đơn giản là âm nhạc chứ không phân biệt quá nhiều. Vì vậy mà trong các ca khúc trữ tình, Dũng cũng đưa vào một chút gì đó tiết tấu hay màu sắc của jazz, mỗi lần một ít, và càng ngày càng nhiều hơn.
Nhưng có vẻ như thị trường Việt Nam không có đất dụng võ cho những ca khúc tiếng Đức?
Đúng, nhưng không hẳn vậy. Có thể vì lợi thế về ngôn ngữ Đức, mà Dũng có nhiều cơ hội hơn với những lời mời liên quan đến tiếng hay nước Đức. Đặc biệt là trong năm nay, kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Đức – Việt Nam. Cụ thể là tháng 3/2015 vừa rồi Dũng nhận lời biểu diễn và tham gia Talkshow trong Lễ Hội Đức tổ chức tại Hà Nội, và mới đây nhất là cuối tháng 10/2015 tham gia biểu diễn và làm MC cho chương trình Giao lưu Văn hóa do Tổng lãnh sự quán Đức tổ chức tại Nhà hát Thành phố. Thật sự đó là những dịp để Dũng có thêm nhiều những người bạn Đức, cũng như giới thiệu đến bạn bè nước bạn những nét đẹp văn hóa thông qua âm nhạc.
Là một người trẻ, đặc biệt là một Thầy giáo trẻ, anh nhận xét gì về giới trẻ ngày nay?
Thật sự giới trẻ ngày nay khác nhiều so với thời của Dũng. Họ đa dạng, đa phong cách trên mọi lĩnh vực… Họ có nhiều cơ hội phát triển kỹ năng cá nhân và họ có nhiều ý tưởng sáng tạo. Trong những năm đi làm nghề, Dũng được gặp nhiều bạn trẻ rất giỏi, và có thể nói họ có điều kiện tốt để bộc lộ tài năng của mình từ rất sớm. Đây là điều rất đáng mừng và hy vọng.
Dũng từng có những học trò rất hay, ngoài ý thức tiếp thu học hỏi, thì khả năng nắm bắt cơ hội cũng nhanh nhạy lắm, và giữ được sự chân thành là quan trọng nhất, dù có những bạn đã ra trường đi làm từ rất lâu, hoặc có những bạn trở thành đồng nghiệp của Dũng. Nhưng hầu hết khi có dịp, đều liên lạc với Dũng để trao đổi chuyện này chuyện kia, hoặc đơn giản chỉ để hỏi thăm. Nguyên tắc này cũng phần nào Dũng được ảnh hưởng từ cô giáo người Đức của Dũng, và bây giờ mình tạo được sự ảnh hưởng cho học trò của mình. Dũng cảm thấy hạnh phúc vì những điều nhỏ nhặt đó. Vì đâu phải chỉ cần có kiến thức, mà còn rất cần nhiều kỹ năng sống và ý thức ứng xử khác, đó là lý do mà Dũng không e ngại gì khi truyền đạt gần như tất cả những kỹ năng và kiến thức, hoặc vốn sống mình có cho sinh viên.
Vậy thì, với mạng xã hội phát triển mạnh như facebook, có một nhóm nhỏ giới trẻ có khuynh hướng sống ảo, hoặc thờ ơ và ích kỷ. Trong vai trò người thầy, anh đã định hướng cho các bạn sinh viên thế nào?
Thời nào cũng có những nhân tố đứng ngoài quy luật. Đó là do thiếu khả năng tư duy độc lập. Khi khen hay chê, yêu hay ghét một ai đó, cần hiểu tại sao mình lại có cảm xúc ấy. Thật bất công khi suốt mười mấy năm đi học, chúng ta dạy cho các bạn học vẹt, rồi sau đó lại đòi hỏi các bạn ấy phải tư duy độc lập?!? Dũng quan niệm mình không chỉ truyền đạt kiến thức, mà quan trọng hơn hết là truyền đạt cách tư duy định hướng kỹ năng sống và cách đặt trái tim của mình vào những gì đang làm. Dũng thật sự mong sinh viên của mình dù có làm gì thì cũng sẽ làm bằng chính cái tâm và trách nhiệm, điều đó quyết định rất lớn đến sự thành bại của một con người.
Dĩ nhiên, Dũng luôn cố gắng tập cho sinh viên của mình khả năng tự phản biện. Không dễ nhưng một khi các bạn đã có thể làm được thì các bạn sẽ tự tìm được con đường đi đúng cho chính mình chứ không chỉ quyết định theo cảm tính hay theo phong trào. May mắn là số lượng sinh viên trong mỗi lớp Dũng dạy khá ít, nên Dũng có thể tìm hiểu cá tính của từng sinh viên, vì thế cũng có nhiều cơ hội để có những cách tiếp cận phù hợp với từng bạn hơn.
Trong vị trí một người Thầy, anh có nhắn nhủ gì đến học trò của mình hay không?
Ngắn gọn thôi! Mỗi người chỉ có duy nhất một cơ hội để sống. Các bạn đang được sống và học tập trong một môi trường tốt, và thời điểm này hãy xem sự học của chính mình là một tình yêu lớn, hãy sống hết mình với tình yêu đó! Vì đó chính là điểm khởi đầu.
Mượn lời Cô giáo Trần Thị Xuân Thủy, một cựu sinh viên khá giỏi của anh, và hiện nay đang là đồng nghiệp của anh – Thầy Hồ Trung Dũng, như một cách kết thúc câu chuyện đẹp giữa 3 thế hệ Thầy trò có cùng một đam mê.
“Khi xác định sẽ đi theo con đường giảng dạy, em luôn nhìn vào Thầy để học cách trở thành một giảng viên có tâm với nghề, bởi hơn 10 năm qua, dù giờ lên lớp nhiều hay ít, chưa bao giờ Thầy để vơi đi sự nhiệt tình trong từng buổi dạy và luôn đặt sinh viên của mình vào trung tâm giờ học. Kiến thức chuyên ngành chúng em học được từ Thầy quả thật rất nhiều, nhưng cách sống, cách đối nhân xử thế và còn nhiều nữa những bài học làm người thì không thể nào đong đếm được.
Lời Thầy dặn, em và các bạn chưa bao giờ quên: “Thầy luôn mong muốn các bạn sinh viên có thể làm được những điều mà các bạn yêu thích. Sẽ có những khó khăn trên con đường đã chọn, nhưng không vì thế mà cho phép bản thân mình quay đầu rút lui để tìm một con đường vòng khác, mà phải kiên trì tìm cách khắc phục, vượt qua trở ngại để vững tin bước tiếp con đường mà mình luôn muốn đi”.
Đã mười năm trôi qua, dù là mười năm trước hay bây giờ, dù là sinh viên hay trở thành đồng nghiệp, dù hiện tại hay tương lai, thì ở mỗi thời khắc đã qua, chúng em luôn cảm thấy rất tự hào và may mắn khi vẫn luôn có Thầy đồng hành. Thầy luôn là tấm gương sáng cho chúng em noi theo, bởi khả năng ngôn ngữ tuyệt vời, bởi tác phong làm việc đầy tính chuyên môn, rất nguyên tắc nhưng vô cùng sáng tạo. Thầy là người bạn lớn, là sự động viên và chia sẻ sâu sắc mỗi khi chúng em gặp trở ngại hay giữa phút đắn đo trước những ngã rẽ cuộc đời.
Nhân dịp 20/11, xin phép thay mặt các bạn cựu sinh viên và các bạn hiện đang là sinh viên của Thầy, gửi đến Thầy của chúng em một lời biết ơn sâu sắc cùng một lời chúc chân thành: Kính chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và luôn nhận được nhiều tình cảm từ sinh viên của Thầy, Thầy nhé!”.
Lời chúc này có lẽ cũng là những tình cảm và sự trân trọng mà bất cứ người học trò nào cũng muốn gửi tặng Thầy Cô của mình nhân ngày đặc biệt – ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11.
Ghi theo Hồ Trung Dũng