21:01 | 04/01/2016

Khánh Ly: 'Tôi cô độc giữa mọi người'

Tapchisaoviet - ''Nữ hoàng chân đất" thừa nhận bà nhiều bạn bè, nhiều người yêu mến, an ủi nhưng tìm không ra một mối tri âm.

Đầu năm 2016, Khánh Ly về Hà Nội tổ chức đêm nhạc từ thiện Cúi xuống thật gần. Ông Hoàng Đoan - chồng Khánh Ly - qua đời đã gần một năm. Danh ca nói việc bà về Việt Nam hát và làm từ thiện xuất phát từ tâm nguyện của người quá cố. Bà cũng tổ chức giỗ đầu cho chồng tại nhà thờ ở TP HCM.

Nhân dịp này, Khánh Ly chia sẻ với VnExpress về cuộc sống của bà một năm vắng chồng.

- Một năm qua, cuộc sống của bà thay đổi thế nào?

- Có nhiều chuyện xảy ra. Có mất, có được. Có vui, có buồn. Nhưng mà sống thì vẫn phải sống thôi. Cũng không thay đổi nhiều, kể cả trong ý nghĩ. Chỉ có điều mình mong mỏi làm được nhiều việc hơn, vì nhìn thấy thời gian không còn bao nhiêu. Tôi chỉ sợ không đủ để làm những điều cả vợ chồng và Quang Thành (ca sĩ Quang Thành, quản lý của Khánh Ly) mong ước. Không biết mình làm được bao nhiêu, mà đường đi liệu còn được bao lâu nữa.

- Chỉ vài ngày nữa là đến giỗ đầu của chồng bà. Bà nghĩ đến điều gì nhiều nhất hiện tại?

- Dĩ nhiên tôi nghĩ đến nhà tôi nhiều nhất. Và nghĩ đến những điều ông ấy nhắn nhủ, gửi gắm. Nếu tôi không hứa thì không sao cả. Nhưng vì đã hứa, nhất là lời hứa với người chết, tự trong thâm tâm tôi phải giữ. Với người sống, nếu không giữ lời, mình còn có lúc gặp mà xin lỗi. Còn với người không có cơ hội xin lỗi nữa thì chỉ có cách phải làm thôi.

Chồng muốn tôi làm thật nhiều công việc về từ thiện, tôn giáo. Nếu còn chồng ở bên thì tôi đỡ nhiều lắm. Nhưng không sao vì anh ấy đã gửi gắm tôi cho Quang Thành, tôi chỉ sợ mình không đủ sức mà làm thôi.

khanh-ly-toi-co-doc-giua-moi-nguoi

Ông Hoàng Đoan trong lần cùng vợ về Việt Nam về làm liveshow.

- Khi còn sống, ông Hoàng Đoan luôn sát sao nhắc nhở bà chuyện ăn tới chuyện mặc. Một năm vắng chồng cùng những lời nhắc nhở đó, bà sống ra sao?

- Ông ấy thường dặn tôi mặc một màu, đừng rực rỡ quá. Ăn uống thì rất kỹ. Bây giờ không có chồng nữa, nhiều khi tôi nghĩ mình làm thế nào mà giữ được. Khó lắm. Nhưng có con gái đi theo chân giữ cho tôi, nhắc tôi những chuyện như uống thuốc, chích thuốc. Con tôi thay thế, lo hết chuyện tiền bạc trong nhà, ăn uống, đi đứng. Tôi vẫn là người không phải lo gì cả, chỉ chuyện hát thôi. Mình phải nghe lời. Ngày xưa nghe lời chồng, giờ nghe lời con.

Tất cả nhắc nhở đó của con chỉ làm mình nhớ nhiều hơn, buồn nhiều hơn nhưng không dám nói. Tại với con cái mình tỏ ra yếu đuối quá cũng không được. Thành ra cứ cố gắng thôi. Chỉ khi nào một mình mới có thể buồn, muốn khóc thì khóc. Ngày xưa khi thấy có nhiều người mất chồng, mất vợ, mình đến an ủi mà bây giờ tôi mới hiểu mình không thể an ủi, cũng không thể chia sẻ được. Nhiều khi nó nghẹn ở ngực, mình phải dằn xuống, dằn xuống.

- Bà làm gì để giải tỏa những lúc cô đơn?

- Tôi viết. Viết cảm nghĩ, tâm trạng khi ấy như thế nào. Buồn, đồng ý, nhưng buồn thế nào, tại sao buồn. Đâu ai cắt nghĩa được nỗi buồn nhưng mình cố gắng tìm hiểu. Tôi buồn vì thiếu chồng, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng còn có nhiều nỗi buồn khác bên cạnh, như công việc làm đến đâu rồi, làm được bao nhiêu, ngày mai ra sao. Mà chỉ ở tuổi này mới nghĩ đến điều đó, trẻ thì đâu ai nghĩ nhiều. Lớn tuổi rồi, thời gian không có nhiều nên hay nghĩ như vậy.

Tôi không phải người cô đơn. Bên cạnh tôi nếu muốn lúc nào cũng có bạn bè. Tôi ra đường ai cũng thương, điều đó an ủi nhiều lắm. Tôi chỉ thấy mình cô độc. Mình đi giữa mọi người, không phải "để nhớ một người" như ông Trịnh Công Sơn nói. Mình vẫn là người cô độc, không tìm được một người tri âm, hiểu được mình nghĩ gì.

Chồng chỉ là một phần thôi. Ông ấy không hiểu hết tôi đâu. Nhiều khi vì là vợ chồng, những điều chồng nghĩ hay muốn, tôi vẫn thể hiện là ông ấy đúng hoàn toàn. Nhưng đó là vì tình nghĩa vợ chồng.

Tôi cũng không biết ông Trịnh Công Sơn có biết tôi nghĩ gì không. Tại vì không bao giờ tôi hỏi. Nghĩ gì ông ấy cũng không cho mình biết. Bởi vậy nói tri âm tri kỷ đời này không có đâu. Làm sao có chuyện Bá Nha - Tử Kỳ lần nữa. Không thể. Nhưng bây giờ mình không đi tìm cái điều đó nữa. Mình bằng lòng.

khanh-ly-toi-co-doc-giua-moi-nguoi-1

Khánh Ly chia sẻ với người hâm mộ trong buổi chiều 3/1. Ảnh: Kiều Thuận.

- Cuộc sống thường nhật của bà giờ ra sao?

- Vẫn là một ngày như mọi ngày. Vui buồn sướng khổ nằm trong ý nghĩ của mình chứ cuộc sống không có gì thay đổi. Vẫn là mỗi sáng thức dậy có con ở bên. Khi con đi làm thì tôi ở nhà chơi với "em" chó. Tôi thấy dường như cuộc sống chỉ thiếu đi một người thôi chứ không có gì thay đổi. Chỉ có điều không nghe tiếng chồng, chỉ có hình chồng để đó.

Bên nhà Phật nói sinh là ký, tử là quy. Bên Công giáo cũng vậy, cát bụi trở về cát bụi. Được Chúa gọi về là một ơn phước. Người ở lại bao giờ cũng buồn hơn người đi. Những người đi là người sung sướng. Người ở lại phải lo toan đời sống vất vả này.

Hồi xưa, khi bố tôi mất, tôi chưa thấm cái đau. Tôi chỉ nghĩ là mình thiếu ông bố thương, săn sóc mình. Rồi mẹ tôi có gia đình, lúc đó mình không hiểu nên ghen với người đến sau. Bây giờ thì tôi hiểu nhiều lắm. Tôi hiểu vì sao và mọi chuyện xảy ra trên đời này đều bình thường nếu mình nhìn nó bình thường. Còn mình làm nó lớn chuyện thì nó thành lớn chuyện. Nhưng để hiểu được những điều đó phải mất nhiều thời gian.

Cái đáng buồn nhất là khi mình hiểu được thì không còn ai để nói nữa, không có dịp để nói nữa. Bây giờ muốn xin lỗi mẹ một tiếng, không được. Nếu có lỗi với chồng, muốn xin lỗi chồng một tiếng, cũng không được. Vậy phải làm sao? Chỉ có cách là mình đừng lầm lỗi nữa.

khanh-ly-toi-co-doc-giua-moi-nguoi-2

Khánh Ly ôm tro cốt của chồng khi về Việt Nam làm lễ hồi tháng 4/2015.

Bà chia sẻ mỗi lần về Việt Nam bà đều mang theo tro cốt của chồng. Việc này có ý nghĩa thế nào với bà?

- Tôi mang theo tro cốt của chồng vì ông ấy chính là người sắp xếp, lo lắng chuyện tôi trở về Việt Nam hát. Cuốn sách có được cũng vậy, chứ tôi không có lo được đâu.

- Gần đây bà thường xuyên về Việt Nam. Thay vì đi đi về về, bà nghĩ sao về việc về hẳn, sống những năm tháng tuổi già và nằm xuống trên quê hương như câu "lá rụng về cội"?

- Bây giờ về đây thì con cháu bên Mỹ sẽ làm sao. Về đây thì tôi ở đâu, tôi làm cái gì. Cho nên tôi nghĩ mình cứ sống tử tế, sống tốt đi thì ở đâu cũng thế, chết đâu cũng thế thôi.

 
Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...