Nỗi cực khổ ít biết của mẹ ruột Thủy Tiên
Thủy Tiên là một trong số những sao Việt trải qua tuổi thơ đầy cay cực. Cha mất sớm vì bệnh lao phổi, mẹ con cô bị cả họ hàng hai bên hắt hủi, xa lánh.
Đối với 1 đứa trẻ 9 tuổi, việc bị người thân mắng chửi, xua đuổi chỉ vì căn bệnh của cha, chỉ vì cha đã qua đời là 1 điều khủng khiếp.
Thế nhưng, người đau đớn, tủi cực hơn Thủy Tiên gấp trăm lần lại chính là mẹ đẻ của cô - bà Ngô Thị Thu Minh.
Năm lên 9, chính Thủy Tiên đã từng thấy mẹ mình lặng lẽ gục đầu khóc bên bàn thờ cha. Những năm tháng sau đó, cũng chính cô tận mắt chứng kiến mẹ âm thầm thắp những nén nhang để giữ cho linh hồn cha cô dưới suối vàng không lạnh lẽo.
Khi chồng mất, mẹ Thủy Tiên còn rất trẻ. Trước sự hắt hủi của bên nội, bà dắt con gái rời khỏi nhà chồng với 2 bàn tay trắng.
Bà hoàn toàn có đủ điều kiện tìm cho mình 1 bờ vai khác, để san sẻ những vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng bà không đi bước nữa, bởi sợ cảnh "con anh, con tôi" sẽ làm con gái đau buồn hơn.
Một mình, bà Thu Minh bươn chải mọi nghề, miễn sao nuôi được con gái. Vì quá lo lắng cho con, cố sức làm việc để nuôi con mà mẹ Thuỷ Tiên bị đau dạ dày nặng, đến nỗi thường xuyên nôn ra máu.
Ai cũng nghĩ mẹ cô bị lây lao phổi của cha cô nên cho uống thuốc lao phổi, càng uống bệnh càng nặng thêm, đến mức suýt nữa thì bỏ mạng.
Lúc đó, hoàn cảnh gia đình Thuỷ Tiên bi đát đến nỗi mẹ cô không được đưa đi viện chữa chạy mà được đưa vào chùa, nhờ nhà chùa cưu mang.
Nỗi lòng người mẹ có đứa con "xướng ca vô loài"
Thế rồi, nhờ trời thương, bà Thu Minh dần hồi phục, lại tiếp tục bươn chải chăm lo cho con gái. Bà chỉ có ước mong nhỏ nhoi là con gái có cuộc sống bình yên, giản dị:
"Hồi Tiên mới học xong cấp 3, tôi muốn Tiên mở shop bán quần áo rồi lập gia đình, sinh cho mẹ 2, 3 đứa cháu để mẹ ẵm bồng cho vui tuổi già.
Tôi chỉ muốn Tiên mở shop quần áo để bán rồi ban đêm đóng cửa thì tranh thủ tụng niệm cầu siêu cho cha. Cứ như vậy mà kiếm một tấm chồng, đồng vợ đồng chồng mà làm ăn".
Thế nhưng, cô con gái duy nhất của bà lại mang trong mình 1 khát vọng lớn. Tốt nghiệp cấp 3, Thủy Tiên một mình lên Sài Gòn tìm cơ hội.
Cô thậm chí còn nói dối mẹ là thi vào ngành kinh tế ngoại thương, kỳ thực là đi học nhạc. Biết chuyện, bà Thu Minh giận con lắm, cất công lên Sài Gòn tìm và khuyên nhủ con.
Nhưng rồi cũng vì quá thương con, bà đành chấp nhận sự lựa chọn của con, dù trong lòng ngổn ngang với lo lắng, hờn giận:
"Lúc hay tin, tôi giận con gái lắm, cũng cất công lên Sài Gòn khuyên nhủ con, kêu con ngưng học ngành này. Người dân ở quê vẫn hay quen quan niệm “xướng ca vô loài”, Tiên lại là con gái nên tôi lo lắm.
Nhưng rồi khi nghe Thủy Tiên hứa với tôi rằng con sẽ làm sao để ba ngậm cười nơi chín suối, chứ không làm cho ba mất mặt đâu thì tôi mới đồng ý".
Đến ngày con thành công, bước lên đỉnh cao của sự nghiệp, người phụ nữ tảo tần, chịu nhiều cay đắng ấy vẫn không thực sự hạnh phúc.
Điều tiếng bủa vây quanh cô con gái bé nhỏ khiến người làm mẹ như bà thắt cả ruột gan. Tuy vậy, bà vẫn giữ niềm tin vào sự mạnh mẽ của con gái:
"Ở dưới quê này thì ra đường, người ta mặc áo sơ mi kín cổ cao tường, hoặc mặc áo bà ba, mà con mình lên đó lại mặc hở hang cũng khó coi.
Nhưng đó là công việc làm ăn của Thủy Tiên, tôi biết nói sao giờ nhưng tôi không thích. Thủy Tiên nghe tôi tâm sự thì ôm lấy tôi và nói là con cũng không muốn mặc như vậy.
Trang phục mà Tiên thích nhất là áo bà ba thôi nhưng lên Sài Gòn, vào nghề thì theo nghiệp, “nhập gia tùy tục”, mình như vậy nhưng miễn sao mình trong sạch, bề ngoài không quan trọng".
Hiện tại, bà Thu Minh vẫn ở quê. Thủy Tiên nhiều lần mời bà về ở cùng để tiện phụng dưỡng, nhưng bà từ chối vì:
"Mẹ già tôi hơn 90 tuổi rồi, chắc tôi không thể lên Sài Gòn ở với Thủy Tiên được dù rất muốn. Chắc tôi sẽ ở quê nhà Kiên Giang để chăm sóc cho mẹ già suốt quãng đời còn lại".
Có thể nói, bà Minh không chỉ là tấm gương về đức hi sinh, về nghị lực sống mà còn là hình mẫu lý tưởng cho Thủy Tiên về chữ "hiếu", về cách cư xử trong cuộc sống.
Đến bây giờ, với Thủy Tiên, mẹ vẫn luôn là người cô yêu thương và trân trọng nhất trong cuộc đời.
Hai mẹ con không hợp nhau, cứ ở gần là va chạm, là như nước với lửa, nhưng cứ đi xa mẹ, cô lại thấy nhớ và yêu thương mẹ cô vô cùng, lại muốn trở về trong vòng tay mẹ như khi còn thơ bé.