Tintuc - Trở lại sân khấu Việt Nam sau hơn 15 năm vắng bóng, giọng ca hải ngoại Ngọc Linh cho rằng đây là thời điểm chín muồi về cảm xúc cũng như cơ hội để hát cho khán giả quê hương nghe.
Ngọc Linh là giọng ca được khán giả chú ý tại hải ngoại thời gian gần đây, đặc biệt là với những ai yêu mến dòng nhạc Bolero. Ít ai biết, ngoài niềm đam mê nghệ thuật, giọng ca trữ tình này còn từng là ông chủ của các phòng trà nổi tiếng và đầu tiên của Việt Nam, thậm chí còn từng mời nhiều ngôi sao lớn của showbiz biểu diễn như: Lệ Quyên, Bằng Kiều, Tuấn Hưng… Chính vì mải mê kinh doanh, Ngọc Linh tạm gác lại ước mơ đứng trên sân khấu, mãi cho đến năm 2013 khi gặp được danh ca Hương Lan tại sân khấu hải ngoại, khao khát ấy mỗi trỗi dậy và khiến anh muốn quay lại với nghệ thuật. Với sự hướng dẫn, chỉ bảo và được danh ca Hương Lan tạo cơ hội, Ngọc Linh liên tục có nhiều ca khúc Tìm lại người xưa, Thưa mẹ con về, Phượng buồn… được khán giả hải ngoại yêu thích. Trong liveshow lớn kỉ niệm hơn 60 năm nghệ thuật của danh ca Hương Lan, Ngọc Linh lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt Nam. Lần trở lại này với sự giúp đỡ của Hương Lan sẽ là cơ hội lớn và bắt đầu cho những kế hoạch sắp tới tại quê hương của giọng ca Bolero này.
Phóng viên đã có dịp phỏng vấn ca sĩ Ngọc Linh trong lần trở lại quê hương sau nhiều năm vắng bóng:
Nghệ sĩ ở hải ngoại gặp nhiều khó khăn để hát trên sân khấu
- Lí do vì sao anh chọn trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật lại sau 15 năm “vắng bóng” trên sân khấu trong nước, trong khi môi trường hải ngoại lại là nơi anh đang được chú ý hơn?
Tôi nghĩ không chỉ riêng bản thân mà tất cả các ca sĩ đang sinh sống, làm việc tại hải ngoại đều mong muốn điều này được trở về Việt Nam biểu diễn cho khán giả. Hơn nữa tôi đang theo đuổi là dòng nhạc bolero quê hương, trữ tình mang đậm bản sắc Việt Nam cho nên việc tôi mong muốn trở về Việt Nam - quê hương của tôi, nơi có hơn 90 triệu người mà tôi chắc chắn ai cũng sẽ nghe được Bolero là điều tất yếu !
- Ai là người ảnh hưởng tới quyết định của anh khi trở về Việt Nam biểu diễn?
Đó là một người chị thân thiết, người thầy của mình - danh ca Hương Lan. Tôi biết và hâm mộ tiếng hát của chị khá lâu nhưng mãi đến năm 2013, trong một lần tình cờ hát trong buổi tiệc sinh nhật của bạn, tôi được chị chú ý và tạo điều kiện, cơ hội phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật một cách chuyên nghiệp hơn. Chị đã định hướng cho tôi ngay từ những ngày đầu nhận tôi làm học trò, chị nói tôi cần phải cọ sát không những ở thị trường ca nhạc hải ngoại mà cả thị trường âm nhạc trong nước, vì đây chính là cái nôi cho tất cả các ca sĩ.
Vì vậy, tôi quyết định trở về Việt Nam hoạt động và đầu tư chỉn chu cho các dự án âm nhạc, bên cạnh đó vẫn thường xuyên trở về Mỹ để phục vụ kiều bào ở đấy.
- Thời gian gần đây, nhiều ca sĩ hải ngoại liên tục trở về Việt Nam để biểu diễn. Anh nghĩ vì sao lại có sự ồ ạt như “trào lưu” như thế?
Tôi không nghĩ đó là “trào lưu”, mà xem nó như là cách nghệ sĩ tìm về cội nguồn, tìm được sự trân trọng từ khán giả trong nước. Bên cạnh đó, khi ca sĩ về Việt Nam hát có nghĩa là họ được mời, điều đó càng chứng mình được khán giả trong nước yêu thương. Tôi cho rằng chính thời đại công nghệ hoá cùng với sự cởi mở của cơ chế đã đưa hình ảnh và tiếng hát các ca sĩ đến khắp mọi miền đất nước. Vì vậy mà việc mong chờ những giọng ca hải ngoại về trình diễn cũng là nhu cầu tất yếu của mọi người, khi có cầu thì ắt có cung mà thôi.
- Nhiều ý kiến cho rằng nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại không có đất sống nên việc trở về nước để hoạt động lại là điều hiển nhiên?
Tôi không nghĩ vậy, một điều rất dễ hiểu là các ca sĩ khi hoạt động tại hải ngoại một thời gian dài thì việc bước sang một thị trường âm nhạc mới hơn, rộng lớn hơn, thuần việt hơn là điều ai cũng sẽ phải nên làm. Đi để làm mới mình, đi để học hỏi, đi để tìm cảm xúc mới và sự thăng hoa mới trong âm nhạc.. đó là quy luật của sự phát triển mà thôi. Chưa kể việc đứng trên sân khấu Việt Nam có ý nghĩa rất lớn với nghệ sĩ vì họ cảm nhận được đúng tinh thần, được phục vụ vì khán giả của mình. Cảm xúc đó khác với việc nghệ sĩ Việt Nam đứng ở sân khấu quốc tế và hát cho khán giả quốc tế nghe.
- Anh nghĩ những nghệ sĩ hải ngoại gặp khó khăn gì nhất khi phải sinh sống và đứng trên sân khấu ở ngoại quốc?
Nếu thực sự chỉ muốn đi hát để kiếm tiền mà không có sự đam mê cháy bỏng với nghề thì tôi nghĩ rất khó theo đuổi con đường này. Điều hạn chế lớn nhất của thị trường ca nhạc hải ngoại là đồng bào mình ở nước ngoài không nhiều. Chưa kể, nếu đã sinh sống ở xứ người thì mọi thói quen sinh hoạt và làm việc phải theo bản xứ, không thể nào có thời gian để đi xem ca nhạc mỗi ngày, thậm chí mỗi tuần hay mỗi tháng cũng là quá xa xỉ. Điều đó có nghĩa là hoạt động của các nghệ sĩ rất hạn chế và không được thường xuyên.
- Anh có cảm thấy khó khăn trong giai đoạn này khi về Việt Nam hay không? Gia đình anh đã chia sẻ điều gì khi anh quyết định một mình về Việt Nam?
Với một người, khó khăn nhất là vấn đề tài chính và mối quan hệ xã hội và tham vọng. Tôi không bon chen để bước lên hạng A,B,C…. trong showbiz.Tôi chỉ đeo đuổi cái đam mê mà mình yêu thích, nó cho tôi một hạnh phúc không mua được bằng tiền, một tâm hồn thanh thản sau những bộn bề của công việc kinh doanh…. Tôi không khó khăn gì về tài chính hay những mối quan hệ đồng nghiệp, quan hệ bạn bè để thực hiện tất cả những sản phẩm âm nhạc nào tôi muốn. Vì vậy, tôi nghĩ mình thoải mái và không cảm thấy có rào cản nào cho việc trở lại với đam mê âm nhạc sau nhiều năm tạm lãng quên để lo cho gia đình.
Về quyết định trở về quê hương để theo đuổi nghệ thuật, gia đình tôi ủng hộ hoàn toàn, vì ai cũng biết tôi đam mê từ nhỏ và tới bây giờ tôi cũng đang thực hiện một việc rất lành mạnh, rất có ý nghĩa trong cuộc sống tâm hồn của mình. Tôi còn cảm thấy mình hạnh phúc và cảm ơn bố mẹ đã cho tôi một dòng máu nghệ thuật như vậy.
- Ở tuổi anh, việc khởi điểm từ đầu tại Việt Nam có phải là đã chậm?
Một khi đã đam mê thì tuổi tác không phải là lí do hay rào cản lớn nhất để tôi phải dừng bước. Như đã chia sẻ, tôi yêu âm nhạc, yêu ca hát, và tôi không phải đang bước vào cuộc thi của dòng đời cho nên tôi không bị áp lực bởi kết quả. Vì vậy, mình đi nhanh hay chậm cũng không là điều đáng quan tâm. Tôi tin tưởng dòng nhạc tôi đang theo đuổi càng già hát càng sâu lắng, càng đậm đà tình cảm, chỉ có điều đừng già quá mà thôi.
Ở mặt tích cực hơn, ở tuổi của tôi thì việc truyền tải cảm xúc khi kinh nghiệm sống đã dày dặn sẽ dễ chạm tới trái tim của khán giả. Nhất là với dòng nhạc bolero, người nghệ sĩ phải đủ sự từng trải thì cảm xúc mới thăng hoa nhất.
Tôi không “dựa hơi” bất kì ai để nổi tiếng, kể cả Quang Lê
- Được biết khi về Việt Nam, anh được Quang Lê giúp đỡ khá nhiều. Anh học hỏi điều gì từ người nghệ sĩ này?
Tôi về Việt Nam hoàn do sự định hướng và giúp đỡ của chị Hương Lan. Và một cái duyên tình cờ đã cho tôi gặp Quang Lê. Niềm đam mê âm nhạc và hai cá tính đã làm cho tôi và Quang Lê rất hợp nhau, chúng tôi gặp gỡ hoài và nói chuyện nhiều về âm nhạc. Cũng trong thời gian ấy, Quang Lê mới nghe tôi hát và phản ứng rất tích cực, sau này còn đồng ý cho các học trò hát với tôi. Thậm chí, Quang Lê còn đồng ý hát chung với tôi trên sân khấu và hứa hẹn nhiều dự án chung cùng thực hiện. Với tôi, đó là một niềm động viên rất lớn, một sức mạnh nữa giúp tôi thêm ý chí phát triển con đường ca hát của mình.
Quang Lê là một nghệ sĩ hát rất hay, chất giọng trời cho, qua bao nhiêu năm phấn đấu hoạt động ca nhạc đến ngày hôm nay trở thành một ngôi sao nổi tiếng trong dòng nhạc Bolero. Quang Lê quá vững vàng trong chuyên môn, sự nghiệp và rất nhiều điều để tôi phải học hỏi,
Có một điều nổi bật tôi cảm phục Quang Lê là sự đam mê ca hát đến tận xương tuỷ. Cậu ấy có thể hát suốt ngày, ăn cũng hát, ngủ cũng hát, trong nhà hay ngoài phố cũng hát không cần biết đến xung quanh. Sự am hiểu về âm nhạc Việt Nam của cậu ấy rất là thấu đáo, không bài hát nào không biết, không tác giả nào không hay, biết từ sự tích, từng câu chuyện của tác phẩm, đến nỗi tôi và ê-kíp hay gọi đùa Quang Lê là “thánh nhạc”.
- Hiện tại, anh vẫn là “người mới” của showbiz Việt, anh có lo dư luận cho rằng anh “dựa hơi” của Quang Lê để lập nghiệp?
Tôi may mắn gặp được chị Hương Lan khi ở hải ngoại và khi về Việt Nam lại được Quang Lê giúp đỡ. Tôi không phủ nhận hay che giấu điều gì vì đó là những người tạo cơ hội cho tôi thực hiện giấc mơ dang dở với nghệ thuật. Nhưng tôi chưa bao giờ sẽ “dựa hơi”, nhờ sự nổi tiếng của bất kì ai để mình có chỗ đứng. Tôi có duyên khi gặp những người thầy, anh em bạn bè nổi tiếng chịu giúp đỡ mình, nhưng cốt lõi vẫn là khả năng và sự cố gắng của chính bản thân mới có thể đứng trên sân khấu vững vàng. Tôi nghĩ khán giả nên đánh giá khách quan và hi vọng đón nhận sản phẩm, tình yêu âm nhạc của tôi nhiều hơn.
- Tại Việt Nam, Quang Lê nổi tiếng là một nghệ sĩ nhiều “chiêu trò”, không ít ồn ào, anh có lo lắng khi mình đồng hành cùng Quang Lê?
Tôi đến với âm nhạc và đi theo con đường ca hát của riêng mình. Tôi biết tôi cần gì, được gì và mất gì nên tôi rất thoải mái không hề lo lắng gì về chuyện đó cả.
- Anh tin tưởng như thế nào về mối quan hệ với Quang Lê khi việc trở về Việt Nam thời điểm này là rất khó khăn?
Hiện tại, tôi không cảm thấy khó khăn vì bất kì điều gì cả mà bản thân luôn đón nhận bằng tinh thần thoải mái, tích cực nhất vì tôi trở lại với sân khấu vì tình yêu ca hát, muốn thực hiện tiếp tục đam mê. Quan trọng, tôi sống vì luôn có khát vọng, chứ không bao giờ đặt tham vọng cho chính mình. Về mối quan hệ với Quang Lê, tôi vẫn luôn tin về những sự tư vấn, lựa chọn, giúp đỡ từ Quang Lê để mình sớm được khán giả trong nước yêu thương, đón nhận.