Gần đây, Bé Kid (tên thật Minh Khang) ngày càng khỏe mạnh và đáng yêu. Mặc dù được khá nhiều nhãn hàng trẻ em mời tham gia quảng cáo, song Diệp Bảo Ngọc kiên quyết từ chối vì không muốn con bước vào làng giải trí quá sớm.
Để bé luôn khỏe mạnh và ngoan ngoãn, Diệp Bảo Ngọc có những quy tắc rất đặc biệt. Dạy bé trong giai đoạn hình thành nhân cách, Diệp Bảo Ngọc chú trọng đến sự lễ phép, vâng lời là trên hết.
Phải biết dạ, thưa trong giao tiếp
Khi chia tay chồng cũ cũng là lúc bé Kid bước vào tuổi lên 3. Ở độ tuổi này, Kid bắt đầu nói nhiều hơn và rất mạnh dạn trong giao tiếp. Hàng ngày, Kid vẫn hay ngồi cùng ông bà ngoại để trò chuyện sau giờ học. Ngoài ra Kid được mẹ dẫn đi chơi, thăm quan và giao tiếp ngoài xã hội. Chính vì thế Diệp Bảo Ngọc thường rất nghiêm ngặt trong cách xưng hô và chào hỏi.
Bé Kid.
“Ở tuổi này, bé thường nghe người ta nói gì thì làm theo. Những cái tốt thì quá hay nhưng đôi khi có một vài từ ngữ không phù hợp, bé cũng dễ dàng nói theo. Vì thế, Ngọc chỉ cho bé nhẹ nhàng, cái nào nên nói, cái nào không. Khi dạy bé không nên quá nghiêm vì bé sẽ dễ khóc và quấy rối. Trong gia đình Ngọc thường bảo bé phải dạ - thưa trước câu hỏi của người lớn. Đi học hay trở về đều vòng tay cúi chào ông bà. Dần dần thành thói quen, khi đi ra ngoài bé cũng làm tương tự nên Ngọc rất tự hào” – người đẹp chia sẻ.
Tự lập chuyện ăn uống
Diệp Bảo Ngọc từng có giai đoạn stress khi con kén và khó ăn. Có ngày bé ăn nhiều, có ngày lại biếng và đòi mẹ dẫn đi khắp nơi mới chịu ăn. Thậm chí phải có ông bà đi theo chơi đùa để bé ăn uống. Sau khi tìm hiểu báo chí, Diệp Bảo Ngọc quyết định không để con ăn quá no hay dẫn đi khắp nơi như thường lệ vì dần dần sẽ thành thói quen không hay. Thay vào đó, cô chuẩn bị bàn ăn nhỏ cho con trai và đến đúng 6 giờ 30 tối, bé tự giác ngồi vào bàn và tự xúc ăn, dưới sự giám sát của mẹ hoặc ông bà.
Dịp Bảo Ngọc thường bảo bé phải dạ - thưa trước câu hỏi của người lớn
Khi thói quen hình thành cũng là lúc Diệp Bảo Ngọc không quá vất vả trong chuyện ăn uống của con trai. Theo Diệp Bảo Ngọc chia sẻ, nên cho bé ăn không quá nhiều tinh bột mà chú trọng cá, thịt, đặc biệt là thịt nạc để bé săn chắc, khỏe mạnh. Giai đoạn còn nhỏ là khi đường tiêu hóa bé chưa được ổn định, nên nếu chọn thức ăn nhanh thường chọn nhãn hiệu uy tín, chế biến sạch sẽ và an toàn.
Bé phải đi ngủ và thức dậy đúng giờ
Diệp Bảo Ngọc thường cho con trai đi ngủ lúc 9 giờ tối và thức dậy vào 6 giờ 30 phút sáng để chuẩn bị đến trường. Theo Diệp Bảo Ngọc, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ tối là khoảng thời gian lý tưởng nhất để bé lên giường và đi ngủ. Thông thường, bé từ 1 đến 3 tuổi cần ngủ 12 đến 14 tiếng. Trước khi đi vào giấc ngủ, Diệp Bảo Ngọc kể cho con nghe những câu chuyện vui vẻ, hay thỉnh thoảng là câu chuyện cổ tích xưa để bé dần đi vào giấc ngủ.
Diệp Bảo Ngọc thường cho con trai đi ngủ lúc 9 giờ tối và thức dậy vào 6 giờ 30 phút sáng để chuẩn bị đến trường.
Một nguyên tắc khá “nhạy cảm” Diệp Bảo Ngọc chia sẻ là hãy tập cho bé đi vệ sinh trước khi ngủ khoảng 30 phút. Nhờ vậy bé sẽ ngủ ngon giấc và ít bị tè dầm. Ngay sáng hôm sau, Diệp Bảo Ngọc đánh thức bé vào lúc 6h30. Khi thói quen hình thành, cô không mất quá nhiều thời gian đánh thức con mỗi sáng. Cuối tuần, Diệp Bảo Ngọc để con ngủ thêm không quá 1 tiếng, vì không muốn đồng hồ sinh học cơ thể bé thay đổi quá nhiều.
Không khóc hay đòi quà khi đến trường
Lần đầu tiên khi bé đến lớp, Diệp Bảo Ngọc từng khá lo lắng. Nhưng trước đó, Diệp Bảo Ngọc thường nói cho con nghe những điều hay khi đến lớp như được cô dạy hát hò, có thêm bạn mới… vì thế bé Minh Khang khá háo hức. Tuy nhiên, từng có lúc bé đòi quà mẹ vì thấy bạn bè cùng lớp được chiều chuộng nhiều thứ.
Diệp Bảo Ngoc nghĩ không nên mua quà vặt cho bé khi đến lớp. Hầu hết các bé đều được cô giáo chuẩn bị sữa, thức ăn rất hợp vệ sinh ở trường, nên đem theo quà vặt sẽ hình thành thói quen cho bé.
Nói về cách bé không đòi quà khi đến lớp, bà mẹ một con chia sẻ:
“Ngoc nghĩ không nên mua quà vặt cho bé khi đến lớp. Hầu hết các bé đều được cô giáo chuẩn bị sữa, thức ăn rất hợp vệ sinh ở trường, nên đem theo quà vặt sẽ hình thành thói quen cho bé: không có quà không vào lớp. Khi con đòi quà, Ngọc sẽ nghiêm mặt và bảo bé nếu học ngoan thì mỗi tuần mẹ sẽ cho một món đồ chơi mới. Nhờ vậy Minh Khanh rất hào hứng đến lớp mà không đòi mẹ mang theo gì ngoài vật dụng cá nhân”.
Không quên nguồn cội
Bé còn rất nhỏ và chuyện gốc gác mình sinh ra còn khá xa vời, nhưng Diệp Bảo Ngọc vẫn muốn con nhớ về bố, ông bà nội như những người đặc biệt trong cuộc sống. Khi cùng con trai ở gia đình ngoại, Diệp Bảo Ngọc vẫn để con gọi điện thoại cho ông bà nội, hoặc cuối tuần sẽ để chồng sang đón con về chơi. Đây không chỉ là cách để bé thấy đủ đầy tình cha mẹ, mà còn là biện pháp để sau này khi lớn lên bé ý thức được việc mình cần quan tâm và chăm sóc bố, cũng như ông bà.
“Tôi không muốn con mình xa cách ba, vì dần dần sẽ tạo khoảng trống ngăn cản tình cảm. Vì thế tôi rất vui vẻ để bé về gia đình chồng cũ vui chơi dịp cuối tuần. Trong tuần khi bé nhớ ba và ông bà nội, tôi sẽ gọi chồng cũ đến đón bé về chơi. Tôi mong rằng sợi dây ruột thịt của bé và anh Đạt sẽ khăng khít để sau này trưởng thành, bé vui vẻ đón nhận một cuộc sống mà ba hay mẹ có người mới. Hạnh phúc của người mẹ là thấy con trưởng thành về nhân cách, không thiếu hụt tình cảm. Mong rằng những thứ tôi đang xây dựng sẽ có quả ngọt khi con lớn khôn” – Diệp Bảo Ngọc tâm sự.