Tapchisaoviet - Chiếc bàn chải sau 3 tháng có thể chứa 4 triệu vi khuẩn, gồm cả tụ cầu khuẩn và E-coli gây tiêu chảy.
Nha sĩ thường khuyên thay bàn chải mỗi 3 tháng, song nhiều người có thói quen dùng đến khi bàn chải cùn hoặc tòe ra cho đỡ tiếc. Nghiên cứu tháng 8/2016 của Nielsen Retail Audit Vietnam cũng cho thấy, trung bình mỗi người Việt chỉ thay bàn chải một lần trong suốt năm.
Tiến sĩ Curatola thuộc khoa nha Rejuvenation (Mỹ) cho biết, vi khuẩn trên bàn chải đánh răng còn nhiều hơn bệ ngồi toilet. Nghiên cứu khác từ Đại học Quinnipiac (Mỹ) cũng phát hiện, 60% bàn chải chứa cùng loại vi khuẩn trong toilet. Đặc biệt, vi khuẩn bồn cầu có khả năng nhảy xa 3m. Nếu phòng tắm có diện tích nhỏ hơn 3 m2, bàn chải không tránh khỏi sự tấn công của chúng. Trong điều kiện ẩm ướt ở nhà vệ sinh, vi khuẩn nhanh chóng sinh sôi và trở lại cơ thể trong những lần đánh răng tiếp theo.Theo nghiên cứu của Bioteca (Hàn Quốc), sau 3 tháng, bàn chải đánh răng trở thành ổ chứa của 4 triệu vi khuẩn, bao gồm cả con E-coli trong phân người. Mỗi lần giật xả bồn cầu, những phân tử nước li ti không nhìn thấy sẽ bắn ra ngoài, mang theo vi khuẩn cơ thể vừa thải ra, bám vào lông bàn chải ở gần đó.
Khuẩn E.coli là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, trong khi tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) gây nhiễm trùng thông qua vết thương hở trong miệng (lở, nhiệt miệng; xước nướu, chảy máu chân răng). Ngoài ra, virus gây bệnh cảm cúm cũng có thể lây lan từ người này sang người khác khi các bàn chải đặt cạnh nhau.
Việc rửa bàn chải bằng nước và kem đánh răng không loại bỏ được vi khuẩn. Vì vậy, Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA) khuyên thay bàn chải mỗi 3 tháng hoặc sau đợt cúm, nhằm đảm bảo sức khoẻ răng miệng cho cả nhà.
Để dễ nhớ, bạn có thể đánh dấu ngày mua trên bàn chải, lịch hoặc điện thoại. Chọn loại bàn chải có tác dụng kháng khuẩn cũng là cách hiệu quả ngăn ngừa, loại bỏ vi khuẩn tích tụ.