Tapchisaoviet - Theo điều tra của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có 15,6 triệu người hút thuốc lá, giảm một triệu người so 5 năm trước.
Theo kết quả này, cả nước có 15,6 triệu người hút thuốc, trong một năm chi 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. So với năm 2010, số người hút thuốc giảm một triệu. 45% nam giới từ 15 tuổi trở lên hút thuốc (năm 2010 hơn 47%). Tỷ lệ hút thuốc giảm rõ rệt ở khu vực thành thị với gần 39% nam giới hút, trong khi năm 2010 trên 45%.
Đại học Y tế công cộng cũng phối hợp với Hội Y tế công cộng Việt Nam điều tra về tình hình vi phạm quy định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá. Những người thực hiện điều tra đã khảo sát hơn 2.000 điểm bán lẻ thuốc lá ở 11 tỉnh/thành phố, kết quả công bố mới đây tại Hà Nội.
Tỷ lệ vi phạm về quảng cáo thuốc lá 37%, tăng 4% so với năm 2011. Ngược lại với quảng cáo thuốc lá, tỷ lệ điểm bán lẻ vi phạm giảm 10% so với năm 2011. Một số hình thức vi phạm phổ biến như quầy, tủ trưng bày thuốc lá có gắn, in biểu tượng, logo, màu sắc nhãn hiệu thuốc lá; trưng bày mô hình giống với bao thuốc lá; bảng quảng cáo phát sáng. Nhận thức của chủ cửa hàng về các quy định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá còn hạn chế. Nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giám sát các điểm bán lẻ của các cơ quan chức năng…
Thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hơn 6 triệu người mỗi năm và là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn mà thế giới phải đối mặt. Nếu xu hướng này tiếp diễn, thuốc lá sẽ giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm vào năm 2030.
Nhằm giảm số người hút thuốc, rất nhiều biện pháp được đưa ra: In cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, tăng thuế thuốc lá, truyền thông, chế tài xử phạt… Tuy nhiên theo tiến sĩ Lê Thị Thanh Hương, Đại học Y tế công cộng, những người đang hút thuốc bỏ thuốc thực sự khó. Vì thế một trong những mục tiêu can thiệp quan trọng là người trẻ chưa hút.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, quảng cáo và khuyến mại thuốc lá không chỉ làm tăng mức độ sử dụng thuốc của những người đang hút, giảm quyết tâm bỏ thuốc, khuyến khích người bỏ thuốc hút trở lại mà còn thu hút những người hút mới đặc biệt là thanh thiếu niên. Tuy nhiên, tại Việt Nam tình trạng quảng cáo và khuyến mại thuốc lá vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.
Tiến sĩ Hương cho biết, so sánh với giai đoạn 2009-2011 trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được ban hành, tỷ lệ điểm bán lẻ vi phạm các quy định về quảng cáo thuốc lá có xu hướng gia tăng, tinh vi hơn về hình ảnh, hình thức quảng bá.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá có thể giúp giảm tỷ lệ hút thuốc khoảng 0,8% mỗi năm. Vì vậy, WHO khuyến cáo cấm hoàn toàn các hoạt động này, đồng thời thực hiện các biện pháp hiệu quả khác như tăng thuế thuốc lá, cấm hút thuốc ở nơi công cộng và nơi làm việc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh…
Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Trong khói thuốc lá có khoảng 70 chất có tính chất gây ung thư, như hợp chất thơm có vòng đóng, benzopyrene hay các nitrosamine. Các hóa chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá. Trên 11% số ca tử vong vì bệnh tim thiếu máu cục bộ, 70% ca tử vong vì ung thư phổi, khí quản và phế quản là do sử dụng thuốc lá.