Tapchisaoviet - Tổ đỉa là một thể đặc biệt của bệnh chàm, xảy ra từng đợt, có cảm giác ngứa rát.
Biểu hiện bệnh tổ đỉa là mụn nước màu trắng trong, kích thước nhỏ khoảng 1 mm, nằm sâu, chắc, khó vỡ, thường tập trung thành từng chùm hơi gồ trên mặt da. Đôi khi nhiều mụn nước kết tụ thành bóng nước lớn. Hầu hết tổn thương ở lòng bàn tay, rìa ngón tay.
Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước thường có cảm giác ngứa, rát, một số trường hợp kèm tăng tiết mồ hôi. Mụn nước của bệnh tổ đỉa thường có xu hướng khô ít khi tự vỡ, rồi để lại một điểm dày sừng màu vàng đục, tróc da.
Để điều trị bệnh tổ đỉa, BS. Đặng Phương Liên, Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Bộ Y tế, cho biết:
Người bệnh nên đi khám chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ đánh giá tổn thương, xác định nguyên nhân và kê đơn thuốc điều trị.
Thông thường, bệnh nhân có thể uống thuốc chống dị ứng thông thường, điều trị nguyên nhân vi sinh vật gây tổ đỉa (dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn, dùng thuốc kháng nấm nếu bị nhiễm nấm), bổ sung vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C.
Nếu mụn nước bị vỡ, có thể bôi thuốc sát khuẩn tránh và uống thêm kháng sinh phòng bội nhiễm.
Bên cạnh đó, cần tránh tiếp xúc xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất (kể cả hóa chất gia dụng: nước rửa bát, nước cọ toilet...), các chất tẩy rửa.
Khi cần phải đeo găng bảo vệ; cắt ngắn móng tay và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, lòng bàn chân. Không nên gãi, chà xát làm xây xước da, vỡ mụn nước dễ gây bội nhiễm khiến điều trị lâu khỏi. Tránh ăn các loại thực phẩm gây dị ứng.